Áp lực từ trí tuệ nhân tạo

Thanh Đức 05/06/2023 07:10

Hãng AFP đưa tin: Một nhóm nhà lãnh đạo và chuyên gia đã kêu gọi các nước cần có giải pháp để giảm "nguy cơ tuyệt chủng" từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Theo đó, giải quyết các rủi ro từ AI phải là "ưu tiên toàn cầu”, bên cạnh các rủi ro khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân.

Robot thông minh được cho là mối đe dọa lấy đi công việc của con người. Nguồn: Getty.

Tuyên bố này đã được ký bởi hàng chục chuyên gia, bao gồm cả ông Sam Altman - Tổng giám đốc Công ty OpenAI đã tạo ra nền tảng ChatGPT. Kể từ khi nổi tiếng vào cuối năm ngoái với khả năng tạo ra các bài tiểu luận, làm thơ từ những gợi ý ngắn gọn nhất và trò chuyện, cơn sốt ChatGPT đã thu hút hàng tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực AI. Tuy nhiên, giới chuyên gia trong ngành đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, từ các thuật toán sai lệch của AI đến nguy cơ mất việc làm hàng loạt khi tình trạng tự động hóa được sự hỗ trợ từ AI xâm nhập cuộc sống hằng ngày của con người.

Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất, ngày 4/6, của Trung tâm An toàn AI (tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ) lại cho rằng không có bất cứ mối đe dọa nào đến từ AI.

Mặc dù vậy, những ý kiến kêu gọi ngăn chặn “hiểm họa” vẫn tiếp tục gióng lên, đặc biệt là với nguy cơ tiềm ẩn của thông tin sai lệch do AI tạo ra. Hình ảnh lan truyền một vụ nổ tại Lầu Năm Góc (ngày 22/5) là sản phẩm của AI; khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ phải lên tiếng khẳng định không có vụ nổ nào xảy ra.

Đây không phải lần đầu tiên các hình ảnh giả do AI tạo ra. Ngay cả đến Tổng Giám đốc Tesla và là người đồng sáng lập OpenAI (công ty đứng sau ChatGPT), tỷ phú Elon Musk, cũng trở thành nạn nhân của AI khi xuất hiện hình ảnh ông nắm tay như đang hẹn hò với đối thủ kinh doanh Mary Barra - CEO của General Motors.

Trước đó, trong lúc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đối diện rắc rối pháp lý thì đã xuất hiện những hình ảnhđược cho là ông bị Sở Cảnh sát New York bắt giữ. Trong các tấm ảnh đó, ông Trump chống cự để thoát khỏi nhóm cảnh sát.

Những vụ việc này cho thấy thực tế đáng lo ngại rằng thông tin sai lệch do AI tạo ra có thể tác động đến bất kỳ lĩnh vực nào, khi mà người ta khó có thể phân biệt thật giả. Hãng Nikkei Asia (Nhật Bản) cho rằng việc lạm dụng công nghệ AI đã sinh ra hiện tượng “deepfake” - tức là tạo ra video, hình ảnh hoặc âm thanh giả mạo với độ chân thực cao. Sản phẩm của deepfake có khả năng đánh lừa, đưa ra thông tin sai lệch và thao túng dư luận.

Trước sự phát triển như vũ bão của AI tạo sinh, nhiều quốc gia đã tăng tốc nỗ lực bảo vệ bản quyền cũng như quyền của người sử dụng. Trong vòng 3 tháng, ChatGPT của OpenAI (trụ sở San Francisco, California, Mỹ) trở thành ứng dụng thu hút 100 triệu người sử dụng, đã khiến các chính phủ thêm lo ngại.

Ủy ban châu Âu (EC) gần 2 năm trước đã bắt tay vào việc xây dựng dự luật với mục tiêu kiểm soát những nguy cơ tiềm tàng đến từ AI. Đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã ở giai đoạn cuối trước khi ban hành bộ luật toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm quản lý việc sử dụng AI tạo sinh, bao gồm chatbot ChatGPT. Theo đó, các công ty vận dụng công cụ AI sẽ phải cung cấp mọi nội dung có bản quyền trong quá trình phát triển hệ thống của mình. Những công cụ AI sẽ được phân loại dựa trên mức độ nguy cơ, từ tối thiểu đến có mức độ giới hạn, cao và không thể chấp nhận được.

Nghị sĩ Svenja Hahn của Nghị viện châu Âu cho biết dự luật sẽ cho phép EU bảo vệ quyền lợi của người dân, mang đến mức độ phản ứng thích hợp đối với công nghệ AI, trong khi vẫn tạo điều kiện cho sự sáng tạo và thúc đẩy nền kinh tế. Nghị sĩ Hahn cũng cho biết có thể ban hành thành luật trước khi chấm dứt nhiệm kỳ của Nghị viện châu Âu vào năm 2024.

Trong khi đó tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã tiến hành thu thập ý kiến người dân về những biện pháp cần thực thi để đảm bảo sự an toàn khi sử dụng các hệ thống AI. Ông Biden cũng nói với các cố vấn khoa học và công nghệ rằng AI có thể giúp nêu lên những vấn đề về bệnh tật và biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời cũng cần xử lý các nguy cơ tiềm ẩn đối với xã hội, an ninh quốc gia và kinh tế.

Đáng chú ý, ngày 4/5, cả Tổng thống Mỹ (ông Biden) và Phó Tổng thống (bà Kamala Harris) đã gặp các giám đốc điều hành (CEO) của Google, Microsoft, OpenAI và Anthropic để “tìm tiếng nói chung” nhằm đạt được sự phát triển có trách nhiệm đối với trí tuệ nhân tạo (AI).

Gặp gỡ một nhóm Nghị sĩ Mỹ, Tổng giám đốc điều hành OpenAI, ông Sam Altman cho biết nỗi sợ lớn nhất khi công ty OpenAI của ông phát triển các khả năng trí tuệ nhân tạo (AI). "Nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của tôi là chúng tôi gây ra hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực công nghệ nếu nó gây ra tác hại cho thế giới. Giống như tất cả các cuộc cách mạng công nghệ, tôi cho là sẽ có tác động đáng kể đến việc làm, nhưng chính xác tác động đó như thế nào thì rất khó dự đoán" - ông Altman nói và cho rằng chính vì thế cần có sự giám sát, giảm thiểu tác hại trước khi nó có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực từ trí tuệ nhân tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO