Aragon và Elsa: Tình yêu và những đớn đau

Huyền Anh 14/09/2017 09:05

Elsa lập cập đóng cửa căn hộ của mình. Paris bây giờ đã cuối mùa hè và trong ngày thứ bảy đó, “kinh đô ánh sáng” vắng tanh vắng ngắt.


Aragon và Elsa. (Ảnh: gettyimages).

Elsa phải kịp làm nhiều việc vì tối nay có người quen bay về Moskva và bà cần gửi quà về cho chị gái Lilia.Lilia đã nhờ em gái mua cho mình khá nhiều thứ, trong đó có những đồ không dễ kiếm. Phải tới nhiều cửa hàng. Elsa ghé vào một quán cà phê ngồi nghỉ. Lấy hộp phấn trong xắc ra, bà soi gương. Và bà nhăn mặt: sao hôm nay trông cô kém sắc thế nhỉ, đôi mắt bị vây phủ bởi những nếp nhăn mờ, thật buồn bã và mệt mỏi. Từ lâu bà có thói quen trang điểm lại cho tươi tỉnh mỗi khi nghĩ tới Lilia, làm ra vẻ mọi sự ở bà đều tốt đẹp cả. Sự thực thì không phải thế… Sáng nay bà đã nhận được qua bưu điện lá thư khủng khiếp đó. Thôi, đừng nghĩ tới nó, chứ không lại chẳng còn muốn làm gì nữa cả. “Đừng nghĩ, đừng nghĩ…” – bà tự nhủ thầm khi nhâm nhi những ngụm cà phê nóng giãy. Để xua đi những tâm sự u ám, Elsa lôi từ ví ra lời nhắn của chị gái. Cũng ở trong ví, bà luôn mang theo mình một bức ảnh của Lilia. Đôi mắt huyền long lanh, sống động, lôi cuốn và bướng bỉnh… Và khuôn mặt vẫn trẻ trung như xưa, dù Lilia hơn Elsa tới 5 tuổi.

Lời nhắn của Lilia, như thường lệ, chứa đầy những yêu cầu, đòi hỏi… “Em nhớ mua cho chị đôi giày đi đêm, hai bộ váy dạ hội, áo choàng lông, lược, gương…”. Lúc nào cũng thế. Nhưng Elsa không bao giờ từ chối chị gái được. Bà không biết cách làm như thế, cả ngày trước lẫn bây giờ. Lilia có sức mạnh bí ẩn nào đó khiến cho tất cả ở xung quanh nàng, chứ không chỉ riêng em gái Elsa, đều chấp nhận làm theo mọi ý muốn dù kỳ cục đến mấy của nàng. Hơn nữa, bây giờ Lilia đang nghĩ rằng Elsa có điều kiện sống tốt hơn mình nên cô em phải chiều theo ý chị. Nói thế cũng phải, chẳng gì thì danh chính ngôn thuận, cặp văn nhân Louis Aragon và Elsa Triolet đang danh giá chẳng kém gì Jean – Paul Satre và Simone de Beauvoir. Hai người là thành viên của vô số những viện hàn lâm và hiệp hội văn chương. Aragon đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Triolet cũng được dịch nhiều…

Ném tiền xuống bàn, Elsa ra khỏi quán cà phê. Phải đến đâu tiếp nhỉ? Tới nhà chị thợ may Nush để lấy bộ váy cho Lilia. Hôm nay đẹp trời nên Elsa quyết định sẽ đi bộ sang bờ tả sông Seine. Cùng lắm thì bà chỉ mất nửa tiếng thôi. Qua cầu rồi, Elsa rẽ vào phố bờ sông. Cũng trên phố này hồi trước chiến tranh đã có một casino. Hối ấy ở đây rất đông khách. Aragon đã tới đó thường xuyên, đốt tiền không ghê tay. Elsa có thể hình dung ra được cảnh chồng mình bên cạnh bàn đánh bạc: ngồi ngả lưng vào ghế, ông không biết đút vào đâu đôi chân dài quá khổ của mình. Vóc dáng cao nghều, mũi đại bàng, mắt nhìn vô cảm, thua hay được thì cũng có khác gì nhau. Chính Aragon đã “vẽ đường cho hươu chạy” để Mayakovski cũng nghiện chơi ở casino này: nhà thơ vô sản đã đốt ở đây số tiền đủ may hàng tá váy áo cho Lilia… Bây giờ cảnh hoang vắng quá. Trên sân là những chiếc lá vàng cùng mớ rác rơi ra từ cái thùng rác bị đổ. Trên cửa tòa nhà casino cũ là một cái khóa to đùng. Elsa lấn bấn đứng lại, không hiểu tại sao mình lại tới đây. Quá khứ đã trôi qua, đã bị khóa kín, không thể nào lấy lại được nữa, nhưng tâm trí bà vẫn cứ quẩn quanh với nó…

Ngay từ bé hai chị em Lilia và Elsa đã hay ganh tị với nhau khi cô em cứ có cảm giác như cô chị được mua con búp bê lớn hơn, đẹp hơn… Lilia thì có cái váy rèm đăng ten, còn Elsa chỉ được mặc cái váy có thêu hoa thôi vì cô còn bé… Cha của họ, luật sư Uri Kagan của thành Moskva, gọi Lilia là Bé Xinh, và chỉ gọi Elsa là Bé Bụ… Lilia ngay từ tuổi 12 đã có vô khối người hâm mộ: ngay danh ca Shaliapin cũng bị nhan sắc của cô chinh phục và mời nàng vào ngồi trong lô dành riêng cho ông xem hát; người chú ruột (!) cũng muốn cầu hôn nàng, còn ông thầy dạy nhạc Grisha đã dọa tự tử nếu không được Lilia yêu. Osip Brik, người chồng tương lai của Lilia, đã phải lòng nàng từ khi nàng mới 13 tuổi. Elsa ngay từ bé đã học hành chăm chỉ, làm việc gì cũng tới nơi tới chốn, còn Lilia thì chỉ học dở dang cả khoa kiến trúc lẫn khóa ballet và sau đó, cũng bỏ dở lớp học điêu khắc… Chính Elsa đã tốt nghiệp trung học với bằng xuất sắc và cả khoa kiến trúc nữa. Nhưng cô em lại không có mấy thành tựu trên tình trường. Bạn bè của gia đình chủ yếu chỉ phải lòng cô chị Lilia thôi…

Elsa lập bập đi trên đường Montparnasse. Nhà của bà thợ may ở gần ngôi nhà đầy kỷ niệm của bà. Elsa sắp sửa thấy cái cửa sổ căn phòng đầu tiên mà cô ở cùng với Aragon. Chính ở trong căn phòng ấy tháng 4-1930 bà đã nhận được cái tin khủng khiếp về vụ tự sát của Mayakovski. Mối tình đầu của bà và sự ghen tuông phi lý với chị gái mà bà đã cố giấu đi trong bao nhiêu năm trời đã kết thúc như thế…

… Elsa chỉ giật mình thoát khỏi ký ức khi đứng bấm chuông nhà bà thợ may. Hai bộ váy dạ hội đã được may xong, thật đẹp… “Ở Moskva thì đi đâu được mà mặc những bộ váy như thế?” – Elsa nghĩ thầm.

- Ông Aragon thế nào rồi? – bà thợ may hỏi.

- Tuyệt. Đang ngồi ở nhà và hùng hục viết.

- Ông bà thật là một cặp đôi văn học tuyệt vời, tôi rất khâm phục! – bà thợ may nói cũng nhanh như tốc độ cái máy của bà. – Từ lâu tôi đã muốn hỏi, cái họ Triolet là ở đâu ra vậy? Hay đó chỉ là bút danh?

Không mấy thích thú với sự tò mò của bà thợ may, Elsa miễn cưỡng đáp:

- Đó không phải là bút danh. Đó là họ người chồng đầu tiên của tôi.

- Thế ra bà đã từng lấy chồng trước khi lấy ông Aragon ư? – bà thợ may kinh ngạc. – Thật khó tin! Tôi cứ có cảm giác bà sinh ra đã là vợ của ông ấy rồi…

Rời khỏi nhà bà thợ may, Elsa nghĩ thầm: thật may là ở Paris ít ai biết về lần lấy chồng đầu tiên của mình.

Elsa đã làm quen với Andre Triolet, thành viên phái bộ quân sự Pháp, một bậc tu mi điển trai, thanh lịch và rất biết cách chiều chuộng phụ nữ, ở Moskva. Một cách tình cờ. Trước đó, Elsa chưa bao giờ được tiếp xúc với những trang nam nhi như thế: những người ở quanh đã không còn thói quen hôn tay phụ nữ… Andre đã phải lòng Elsa ngay từ cái nhìn đầu tiên. Và ngỏ lời cầu hôn ngay. Elsa đã phân vân. Từ lâu cô gái đã quen với môi trường của chị Lilia, nơi toàn là các văn nghệ sĩ. Và vì thế, Elsa cũng đã quen nghĩ rằng, nếu lấy chồng thì sẽ lấy một văn nghệ sĩ nào đó.

Đầu năm 1918, Elsa đã mời Andre đến chơi dạ tiệc “cây thông vị lai” mà chị gái Lilia tổ chức cùng bạn bè. Cô muốn xem cách những người này đón nhận Andre như thế nào. Từng được giáo dục một cách chu đáo, chàng trai Pháp không để lộ ra sự kinh ngạc khi nhìn thấy cây thông sặc sỡ được treo ngược từ trần nhà xuống dưới, những bức tường lót khăn trải giường trắng toát và đám người ăn vận kỳ cục: thi sĩ Mayakovski với cái quấn cổ đỏ chót, nhà phê bình văn học Shklovski mặc cái áo lính thủy, còn thi sĩ Khlevbnikov vận cái áo choàng bác sĩ, còn một trong những “sáng lập viên” của chủ nghĩa vị lai Nga Daivd Burlyukov thì khoác lên mình thứ đồ chẳng giống ai và cũng không biết gọi tên là gì... Andre Triolet ngay lập tức được gọi đùa bằng cái tên Nga Andrey Petrovich. Đám thanh niên cười đùa, cụng ly, đọc thơ... Và rồi “chú Volodia”, như cách mà Elsa thích gọi Mayakovski, đứng lên to giọng:

“Ơi lữ khách!
Đây có phải là phố Zhukovski?
Anh ta nhìn
Như trẻ nhìn hài cốt...
Nàng - Mayakovski suốt cả nghìn năm:
Chàng đã tự sát bên cửa nhà người yêu quý...”


(Ảnh: LIFE).

Những câu thơ này đối với Elsa như giọt nước tràn ly. Phải rời khỏi Lilia thôi, phải rời khỏi đôi mắt Mayakovski đang say đắm ngắm Lilia chứ không phải cô, rời khỏi cuộc chơi này mà cô không phải là tâm điểm... “Em đồng ý trở thành vợ anh!” – ngay trong đêm đó cô đã nói với “Andrey Petrovich”, người cũng đang muốn mau mau chóng chóng đưa ý trung nhân ra khỏi đất nước lạ lẫm và nhiều biến cố này. Cả Lilia, cả “chú Volodia” lẫn mẹ của Elsa đều không hiểu vì sao mà cô lại vội vàng rời bỏ nước Nga đến thế. Nhờ những mối quan hệ bí ẩn của Osip Brik nên các thủ tục cho phép Elsa xuất ngoại theo chồng đã được nhanh chóng giải quyết. Và thế là ngày 4/7/1918, Lilia đã đứng cô đơn trên bến cảng Petrograd vẫy tay từ biệt mẹ và em gái đang ở trên boong con tàu Ingermanlandia rời sang châu Âu,...

Tới Paris rồi, sống làm vợ bên cạnh một người đàn ông xa lạ với mình về mọi mặt, Elsa bỗng thấy kinh hãi về những gì mình đã làm. Nhưng con đường quay lại đã không còn nữa: căn hộ của họ ở Moskva đã có chủ mới. Mẹ cô, vì không muốn mang tiếng ăn bám vào ông con rể Pháp và cô con gái út, đã sang London để làm việc trong cơ quan đại diện thương mại tại đó.

Paris trong cái nhìn ban đầu của Elsa thật kém niềm nở và kém thân thiện. Để giải khuây cho vợ, Andre đã đưa cô tới hòn đảo thuộc địa Tihiti trên Thái Bình Dương nhiều trò kỳ thú. Nhưng ở nơi xa xôi ấy, Elsa càng cảm thấy buồn chán và cứ vật vã đòi chồng quay trở về châu Âu. Andre thích nói về những món sơn hào hải vị và những con ngựa tốt giống, ngoài ra, anh không quan tâm tới điều gì khác nữa. “Chúng ta phải chia tay thôi, em không thể chịu hơn được nữa...” – cuối cùng Elsa cũng đành lên tiếng. Andre lịch thiệp cấp cho vợ một khoản tiền trợ cấp hàng tháng và trả lại tự do cho cô như cho một chú chim non. Cô phải làm gì tiếp theo? Lúc đó cô không có nhà, không có của hồi môn, không có người thân thích giữa một Paris đông đúc và hoa lệ...

“Nhưng bây giờ thì ta cũng có gì nào?” – Elsa mỉm cười cay đắng khi trên đường đi tới cửa hiệu Guerlain để kịp mua cho Lilia những lọ nước hoa mà nàng yêu thích. Lá thư đểu giả mà bà vừa nhận được buổi sáng bỗng lại trở về ám ảnh, khiến bà cảm thấy đau đớn và nhục nhã ê chề. Ôi, Aragon! Ôi con người mà bà đã coi là ý nghĩa của cuộc đời! Tại sao ông lại hành xử như thế đối với vợ? Mà có lẽ cũng tại bà đã để mặc cho ông làm như thế... Khi đi ngang qua khách sạn Istria trên phố Campagne Primiere, Elsa buột tiếng thở dài. Mọi sự xảy ra trong ngày hôm nay cứ làm bà hồi tưởng lại quá khứ, dẫu bây giờ cái cần nhất là phải nghĩ xem sẽ sống tiếp theo như thế nào. Nhưng mỗi khi đi qua nơi này, không thể nào không rơi vào vòng ôm chặt của ký ức. Biết bao nhiêu kỷ niệm gắn liền với khách sạn Istria! Đây chính là nơi mà Elsa đã tá túc sau khi li dị với Andre. Một khách sạn nhỏ rẻ tiền. Khi đó, bà không thể ở những nơi đắt giá hơn.

Elsa đã không nói gì với cả mẹ lẫn chị gái về việc cô li dị chồng. Lòng tự ái đã không cho phép. Và cô đã dọn về thuê căn phòng bé tin hin trên tầng hai của khách sạn này, nơi chỉ có độc một cái giường hẹp, một cái bàn gỗ xập xệ... Cả khách sạn chỉ có một phòng tắm chung ở tầng một. Chỗ này rất gần với các quán cà phê Rotonde và Coupole từng rất được ưa chuộng trước chiến tranh của khu Montparnasse, nơi lui tới thường xuyên của giới văn nghệ sĩ Paris. Khách của khu vực này luôn khiến cô nhớ tới môi trường quen thuộc của mình ở Moskva, có điều, phong cách ở đây phóng túng gấp vạn lần và thêm vào đó, chỉ là một thiếu phụ ngoại quốc dù có biết nói tiếng Pháp.

Qua người họa sĩ quen biết Fernand Leger, Elsa đã định hòa nhập với môi trường này nhưng cô rất khó chịu với cái cách sống chỉ quan tâm tới những khoảnh khắc hiện tại tức thì và không lo lắng chút nào tới một giờ sau, chứ đừng nói gì tới tương lai lâu dài của giới nghệ sĩ Montparnasse. Vì cô rất muốn tìm thấy ở đó một tâm hồn đồng điệu và một chỗ dựa hay bến đỗ bền lâu. Nhưng nào có được! Có nghĩa lý gì đâu việc họa sĩ Marcel Duchamp trong lúc tối nay đã rót rượu cognac cho cô và cài vào ngực áo cô bông hoa giấy một cách đầy ý nhị. “Em đúng là nữ thần!” – anh cứ lẩm bẩm như thế cho tới lúc say mèm rồi cầm tay cô lôi đi: “Không nên phí thời gian, lên phòng em luôn đi”. Sáng hôm sau, anh chẳng còn nhớ gì nữa và lại nói những câu tương tự với cô bán hoa rong ngoài phố hay một cô sinh viên nào đó... Mà nghệ sĩ nào ở Montparnasse cũng thế. Cuối cùng thì Elsa cảm thấy chán nản và suốt một thời gian dài không buồn ló mặt ra ngoài khách sạn nữa. Vì cô đơn và buồn chán, cô đã bắt tay vào viết văn dù không tin rằng mình có một li tài năng văn học nào. Thế nhưng, cô vẫn hoàn thành được tiểu thuyết “Tahiti” và bắt tay vào viết “Camouflage”...

Thỉnh thoảng Mayakovski lại sang Paris nhưng những chuyến thăm này không mang lại niềm vui cho Elsa. Anh đã bắt cô đưa đi khắp cả Paris chỉ để tìm vài ba mét lụa xanh thượng hạng, những đôi giày phụ nữ xinh đẹp, những lọ nước hoa “xịn”... Tức là làm tất cả những việc mà giờ cô phải làm cho chị gái mình. Là một thi sĩ chỉ quan tâm tới thế giới nội tâm đầy phức tạp và biến động của cá nhân mình, Mayakovski đã không nhận ra sự cô đơn khắc khoải và hoàn cảnh sống khốn cùng của Elsa...

Elsa chợt sững lại. Bà không muốn nhưng đôi chân cứ đi tới quán cà phê Coupole. Không sao, đi lối này cũng có thể tới được Guerlain. Tại sao bà lại cần khuấy lại quá khứ vào đúng ngày hôm nay nhỉ! Chẳng lẽ bà còn đang chưa đủ đau đớn ư!


(Ảnh: theredlist).

... Năm 1928, khi Elsa ở tuổi 32 “đã toan về già”, qua tường kính của quán cà phê này, Elsa lần đầu tiên nhìn thấy Aragon. Một người đàn ông tóc đen, cao lớn cũng giống như Mayakovski, rất gầy, phong cách và cử chỉ gợi nhớ tới một vũ công trong vũ trường, với gương mặt đẹp và cái mũi đại bàng. Ông được đánh giá là thi sĩ tài năng nhất của dòng siêu thực. Hai người được giới thiệu với nhau qua một người quen chung tình cờ có mặt tại đó. Sau “chú Volodia”, đây là người đàn ông thứ hai có thể tạo ra ấn tượng mạnh mẽ như thế với Elsa. Và thế là có một lần cô đã quả quyết với bản thân mình rằng, đó chính là người đàn ông mà thực sự cô mơ ước. Một thi sĩ hiển nhiên là tài năng, một thi sĩ hiển nhiên là đẹp trai, một thi sĩ hiển nhiên là lừng lẫy. Nói chung, không hề thua kém chút nào so với chàng thi sĩ của Lilia.

Nhưng khi đó Elsa đã biết gì về người quen mới này? Thực sự là không biết điều gì đáng kể cả.

Có thể Aragon đã có vợ hay đã đính hôn rồi? Có thể ông đã con đàn cháu đống? Linh tính mách bảo với Elsa là hoàn toàn không phải thế.

Một thời gian sau Elsa đã hào hứng viết thư báo cho chị gái Lilia rằng cô đang chung sống hạnh phúc cùng Aragon. Đó đúng là sự thật. Một bận, Elsa lần đầu tiên bước chân qua cửa căn phòng chật của Louis và ở luôn tại đó sau khi từ từ mang đồ của mình từ khách sạn Istria về đây. Aragon có vẻ như cũng không phản đối chuyện này, còn Elsa thì lại cố tình không muốn nhận biết điều rất rõ ràng là, trong giai đoạn này Aragon cần một người bảo mẫu hơn là cần một tình yêu và lại càng không cần một người vợ.

Ông thích kể cho cô về bản thân ông với những tình tiết đầy kịch tính, làm đau xé tâm can. “Xưng tội để nhẹ lòng đi”, như cách Aragon thường nói. Ông từng trải qua một tuổi thơ kỳ quái với những bí ẩn phi lý và những ám chỉ dị thường. Cha ông, Louis Andrieux, sếp một sở cẩm ở Paris năm 56 tuổi đã trót vụng trộm với cô gái bán hoa trên phố 24 tuổi Marguerite Toucas.

Cô gái bán hoa này đúng kỳ đúng hạn đã sinh hạ cậu bé Louis. Ông sếp sở cẩm đã chọn cái họ Aragon cho cậu con ngoài giá thú của mình dựa theo tên gọi một tỉnh của Tây Ban Nha mà ông rất thích. Louis lớn lên trong nhà bà ngoại và cậu bé suốt một thời gian dài cứ tưởng mẹ cậu là chị gái, còn người bố Louis Andrieux chỉ là ông bố đỡ đầu. Trong cả tuổi thơ, cậu bé đã bị nhồi nhét huyền thoại rằng cha mẹ câu đã mất trong một tai nạn xe hơi. Mãi cho tới trước ngày Louis Aragon, lúc này đã là một sinh viên y khoa, chuẩn bị ra chiến trường của thế chiến thứ nhất, người “chị gái” Marguerite Toucas mới quyết định thú nhận rằng chính bà là mẹ đẻ của nhà thơ tương lai. Một điều lạ lùng là trước đó, Marguriete đã không hề quan tâm gì tới cuộc sống của “em trai”, còn Louis lại rất âm thầm thần tượng “chị gái” và đã uổng công mong “chị gái” để ý tới mình. Chính từ cảnh ngộ tuổi thơ oái oăm đấy nên ở Aragon đã hình thành thói quen “cố đấm ăn xôi” để có tình cảm của những người mà về bản chất không bao giờ biết đền đáp lại và dửng dưng với những ai thực sự yêu ông. Thế nhưng, thật tiếc là Elsa đã hiểu ra điều này quá muộn...

Tới thời điểm quen biết với Elsa, Aragon còn chưa nguội lửa lòng từ cuộc tình cháy bỏng với một mỹ nhân khét tiếng ở Paris, Nancy Cunard. Là con gái của một đại cự phú quý tộc Anh, Nacy tới Paris trước Elsa vài ba năm, vào năm 1922. Elsa rất hay chạm trán người phụ nữ tóc nâu này ở các quán cà phê và cô ta luôn gợi cho cô nhớ tới Lilia. Nhan sắc của Nancy ở chênh vênh bên bờ vực giữa diễm lệ và quái gở, giống như nghệ thuật nhào lộn. Và điều này gây ấn tượng rất mạnh đối với giới mày râu. Thiên hạ đồn rằng tại Anh quốc, nàng Nancy đã làm phá sản những tình nhân thi sĩ như Erza Pound và Thomas Eliot và giờ sang Pháp để làm nhẵn luôn những cái ví rách của các nhà thơ siêu thực.
Chỉ hai tháng trước khi làm quen với Elsa, Aragon đã phải dùng những đồng tiền cuối cùng để đưa Nancy tới Venice. Tại thành phố trữ tình vĩnh cửu này, Nancy đã nổi khùng lên và mắng Louis là “gã ngốc tư sản kém tắm không thể xứng với tình yêu tự do” rồi bỏ đi đây đấy với ai đấy. “Gã ngốc tư sản kém tắm” đã rạch ven tay định tự sát nhưng đã được cấp cứu kịp thời...

“Anh không thể giáp mặt cô ta, đau mắt lắm” – Aragon thiểu não tâm sự với Elsa nhưng rồi tối nào cũng kéo cô tới quán Rotonde để làm mắt mình thêm một lần đau nữa. Tại đó Nancy thường xuyên khiêu vũ trên bàn, thỉnh thoảng lại trắng trợn lột trần bộ ngực và đôi bờ vai thanh tú rám nắng ra cho mọi người thưởng lãm. Aragon nhìn không chớp mắt cảnh tượng này. Elsa bất hạnh cứ kiên nhẫn giật vai ông: “Đi về thôi anh, đủ quá rồi!”. Thế nhưng ông cứ ngồi trơ ra. Ông có vẻ như sẵn sàng ngồi như thế tới sáng, một khi còn Nancy ở đó. Thỉnh thoảng, Aragon còn lên bàn nhảy cùng Nancy - thi sĩ cũng là người khiêu vũ giỏi. Một tối, khó chịu vì phải chứng kiến cảnh nhảy đôi của Nancy và Louis, anh bạn trai của mỹ nữ Anh, họa sĩ Picabia, đã tức mình hắt rượu vào mặt Aragon. Và thế là xảy ra ẩu đả giữa hai người. Những thân hữu của họ như Duchamp, Tristan Tzara hay Pablo Picasso đều đã say bí tỉ rồi nên chẳng có ai can hai người cả. Aragon và Picabia phá tanh bành quán cà phê. Và sáng hôm sau, ông nhận được hóa đơn đền tiền cho quán vài nghìn quan. Thế nhưng, ông đã nhẵn túi. Và cả Elsa cũng không có xu nào.

Và bất ngờ Nancy báo tin rằng cô ta sẵn sàng thanh toán hộ Aragon. Thế là suốt mấy tháng liền Elsa cứ phải nhẫn nại ngồi nghe Aragon ca tụng Nancy. Nào là nàng thật tuyệt vời! Nào là nàng đúng là một trang tuyệt thế thời đại mới, còn ông, Louis Aragon chỉ là một gã tiểu tư sản kém tắm, không thể nào loại bỏ khỏi trái tim tính ghen tuông nhỏ nhen tầm thường! Nào là tại sao ông không dám làm như nàng, cùng một lúc có thể yêu tất cả mọi người, cả Nancy, cả Elsa và cả cô vũ nữ Lena Amsel nữa?

Đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Cũng những lời tương tự như thế Elsa đã từng phải nghe cô chị Lilia nói trước kia ở thành Petrograd đầy tuyết phủ. và Mayakovski đã nhìn Lilia bằng đôi mắt đầy đau đớn. Và chuyện gì đã xảy ra? Mayakovski đã sống tay ba cùng vợ chồng Lilia. Elsa không bao giờ hiểu được tại sao Mayakovski và Osip Brik lại có thể cùng chung nhau một người đàn bà. Còn Lilia thì sao? Elsa biết thừa là Lilia không chung tình với cả Brik lẫn Mayakovski. Hơn thế nữa, chính Lilia đã liên tục xúi Mayakovski “làm mới cảm xúc” và tự tìm cho thi sĩ những người con gái thích hợp. Dù Elsa có như thế nào thì cô cũng không thể làm như thế được: cô đau đớn khi thấy người đàn ông mà mình yêu quý lang chạ cùng những người phụ nữ khác. Cô chỉ muốn có một gia đình bình thường, có con với người đàn ông chỉ thuộc về một mình cô. Nhưng thà cô phải cắn đứt lưỡi hơn là thú nhận với Aragon về những “ham muốn tiểu tư sản” này!

Elsa đã bấm bụng đi cùng với Aragon tới đủ các hoạt động mà những người theo chủ nghĩa siêu thực tổ chức, thí dụ như tới các cuộc triển lãm mà lối vào phải qua cửa phòng vệ sinh hay những đêm vũ hội kinh dị... Elsa không hiểu quá nhiều điều mà Aragon coi là bình thường, thí dụ như cuộc đấu tranh giữa máy giặt với những máy chữ...

Tuy nhiên, trong thư gửi cho Lilia, Elsa không bao giờ nhắc tới những bất đồng với Aragon nên chị gái cứ nghĩ là cuộc sống của em mình ở Paris như là ở thiên đàng. Sau khi Mayakovski chết, Elsa đã đưa Aragon tới Moskva để làm quen với những người thân của cô. Nói của đáng tội, cô rất lo Aragon phải lòng Lilia. Và tại căn hộ trong ngõ Gendrikov, Aragon đã đọc tặng thơ cho vợ chồng chủ nhà. Lilia và Osip Brik lại không rời mắt khỏi thi sĩ Pháp như ngày trước từng mê mải nghe Mayakovski đọc thơ. Elsa trong khoảnh khắc cảm thấy như tim mình sắp vỡ ra. Lỡ đâu Aragon lại rút bút ra viết thơ tặng Lilia như ngày xưa Mayakovski từng làm thế...


(Ảnh: Robert Doisneau).

Aragon có phong cách đọc thơ khác hẳn Mayakovski. Ông không đọc giật cục, gằn từng chữ mà phát âm một cách nhẹ nhàng, thậm chí dịu dàng. Và ông cũng không làm thơ tặng Lilia. Thật may! Dù sao thì Lilia, bạn bè thân hữu của Elsa và Moskva cũng tạo nên ấn tượng mạnh mẽ đối với Aragon.

Trở về Paris, Aragon đã cắt đứt quan hệ với những người theo chủ nghĩa siêu thực và gia nhập đảng Cộng sản Pháp. Ở thời điểm đó, nhiều nghẹ sĩ khuynh tả cũng hành động hệt như ông, trong đó có cả thủ lĩnh của chủ nghĩa siêu thực Andre Breton...

Tại cửa hiệu Guerlain, Elsa đã xếp hàng mua được nước hoa xịn cho chị gái. Cần phải mua quà gì đó cho nhà văn Vasia Katanian, người chồng hiện tại của Lilia. Elsa rất có cảm tình với ông này. Lilia không thể sống thiếu đàn ông một phút. Đã mười năm nay nàng cứ thắc mắc với Elsa rằng, tại sao Elsa và Aragon không đăng ký kết hôn chính thức... Mãi tới ngày 28/2/1939, hai người mới cưới nhau, khi bóng ma của chiến tranh thế giới thứ hai đã tới ngày một gần hơn... Chỉ ở thời điểm đó, Aragon mới nhìn thấy ở Elsa không chỉ một nhũ mẫu cho những nhu cầu thường nhật...

Hai vợ chồng đã cùng nhau trải qua những ngày tháng gian nan nguy hiểm trong thế chiến thứ hai. Họ đã cùng nhau tham gia phong trào kháng chiến. Nhiều bạn bè thân hữu của họ đã bị bọn phát xít xử tử hình nhưng họ đã sống sót.

Chiến tranh kết thúc, trở lại Paris, tháng 7/1945, người vợ của Aragon nhận được tin: nữ văn sĩ Elsa Triole cho tới lúc đó còn rất ít người biết tới, mới chỉ vài năm trước cố gắng viết bằng tiếng Pháp, đã được trao giải thưởng văn học danh giá Goncourt nhờ tiểu thuyết sáng tác trong chiến tranh “VÌ làm hỏng vải nên bị phạt 200 quan”. Ban giám khảo đã lựa chọn bà và bỏ qua rất nhiều nhà văn lừng lẫy đương thời, thậm chí bỏ qua cả Aragon...

Elsa thở dài. Nói thì cũng không tiện nhưng Elsa đã cảm thấy mãn nguyện nhất khi nhận được lời chúc mừng từ Lilia. Lần đầu tiên người chị gái không có thái độ bề trên đối với cô...

Nhìn đồng hồ, Elsa giật mình: đã muộn rồi, phải tới ngay đại sứ quán Liên Xô ở Paris để kịp chuyển quà về cho Lilia. Bà vội vã bước vào cửa và ngồi xuống ghế, lôi quà từ trong túi xách ra. Một tờ giấy cũng rơi ra từ đó. Một nhân viên đại sứ quán định giúp nhặt tờ giấy lên nhưng Elsa đã nhanh tay nhặt trước. Không, bà không muốn cho ai nhặt lấy tờ giấy này. Đó là lá thư chứa đựng những thông tin xấu xa mà bà vừa nhận được sáng nay. Lá thư nặc danh, trong đó có vẽ hình hai người đàn ông trần trụi quấn lấy nhau. Một trong hai người đó là Louis Aragon, người kia mang gương mặt nhang nhác như một loạt những danh nhân đương thời thân hữu của gia đình cô...

Elsa biết đó là sự thật. Nhưng bà cũng biết là bà sẽ không làm gì để thay đổi mối quan hệ gia đình hiện có. Đã muộn quá rồi. Mấy chục năm chung sống, đã cùng nhau trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, bây giờ đã muộn để chia tay... Chấp nhận mọi sự như thực có, đó có lẽ là cách làm anh minh nhất trong tình thế hiện nay... Đôi mắt mở to, đôi mắt mà Aragon đã nhiều lần ca ngợi trong thơ. Ngồi vào bàn, Elsa viết thư cho chị gái để gửi kèm theo gói quà: “Lilia thân yêu! Mọi chuyện trong gia đình em vẫn ổn...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Aragon và Elsa: Tình yêu và những đớn đau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO