Australia ‘sống chung’ với Covid-19

Hà Anh 13/10/2021 06:20

Sau gần 2 năm bùng phát đại dịch Covid-19, ngày càng có nhiều quốc gia nhận ra rằng không thể loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2. Vì vậy, việc sống chung với Covid-19 đang được nhiều quốc gia hướng tới, điển hình là Australia, một đất nước từng rất thành công trong việc ngăn chặn virus xâm nhập từ bên ngoài.

Thay đổi chiến lược

Melanie McTighe và người cha 92 tuổi của cô sống ở cùng một thành phố, nhưng họ đã không thể gặp nhau trong gần 4 tháng. Thế nhưng điều này đã thay đổi vào ngày 11/10, khi Sydney, thành phố lớn nhất của Australia và là thủ phủ của bang New South Wales (NSW), được mở cửa sau đợt giãn cách nghiêm ngặt áp dụng từ tháng 6 để ngăn chặn sự bùng phát của biến thể Delta.

McTighe cho biết, cô rất vui mừng khi được bắt đầu lại cuộc sống bình thường và gặp lại những người thân yêu của mình, nhưng cô cũng lo lắng về mức độ nguy hiểm đối với thành phố 5,3 triệu dân khi Covid-19 vẫn còn trong cộng đồng.

Như vậy là, từ ngày 11/10, những người Sydney đã được tiêm phòng đầy đủ, chiếm hơn 70% người trưởng thành của thành phố, có thể trở lại nhà hàng, quán bar và phòng tập thể dục. Nhiều người như McTighe giờ đây có thể đoàn tụ với những người thân yêu sau nhiều tháng xa cách.

Tuy nhiên, tất cả sự tự do mà phải nỗ lực lắm mới có được, vẫn phải đối diện với nguy cơ phải trả giá. Vẫn còn nhiều câu hỏi về cách mà hệ thống y tế sẽ đối phó với bất kỳ ca bệnh mới thế nào? và Sydney có thể thích nghi khi sống chung với Covid-19 ra sao?

Những gì xảy ra tiếp theo sẽ rất quan trọng đối với thành phố Sydney nói riêng và đất nước Australia nói chung. Không chỉ vậy, các quốc gia khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ theo dõi chặt chẽ để xem liệu Sydney có thể thành công trong việc giữ số ca bệnh và tử vong đủ thấp để tránh gây áp lực cho các bệnh viện, trong khi vẫn cho phép hoạt động kinh doanh và mọi người tiếp tục cuộc sống bình thường hay không?

Những rào cản đối với kế hoạch mở cửa

Australia đã phải từ bỏ chiến lược “Zero Covid” mà họ đeo đuổi trong suốt phần lớn thời gian diễn ra đại dịch khi nhận ra rằng, không thể loại bỏ hoàn toàn Covid-19 mà chỉ có thể “sống chung” với nó.

Kế hoạch mở cửa trở lại của Australia được xây dựng dựa trên tổng tỷ lệ tiêm chủng dành cho người lớn ở mỗi bang, nhưng số liệu thống kê về việc tiêm chủng không được trải đều. Theo số liệu của chính phủ nước này, ở một số khu vực ngoại ô của Sydney, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ chỉ ở mức 30%.

Việc tiêm chủng cho giới trẻ rất đáng quan tâm, nhưng ở NSW chỉ có 58% người từ 16 đến 29 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ - thấp nhất so với bất kỳ nhóm tuổi nào. Trong khi đó, nhóm tuổi từ 12 đến 15 chỉ mới được tiếp cận với vaccine.

Cô McLaws từ NSW cho biết, những người trẻ tuổi có khả năng là một trong những người đầu tiên tận dụng các quyền tự do có được khi mở cửa trở lại, vì vậy việc đảm bảo họ được tiêm chủng đầy đủ là đặc biệt quan trọng.

Các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của Australia cho phép nước này tránh được tình trạng hỗn loạn từng xảy ra ở các nước khác vào năm 2020, khi các ca bệnh Covid-19 tràn từ các bệnh viện vào các đơn vị y tế tạm thời. Tuy nhiên, bất chấp 18 tháng chuẩn bị, các nhóm y tế đã cảnh báo, hệ thống bệnh viện NSW có thể không đủ khả năng đối phó với sự gia tăng của các ca nhiễm mới khi mở cửa.

Ngay sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison công bố kế hoạch mở cửa trở lại sớm hơn ở NSW, ông Omar Khorshid, người đứng đầu Hiệp hội Y khoa Australia đã kêu gọi các nhà chức trách không nên "liều lĩnh".

Ông Khorshid tuyên bố: “Kết quả cuối cùng của việc mở cửa quá nhanh hoặc quá sớm sẽ là những cái chết khó tránh và việc tái khóa cửa là điều dễ hiểu - điều mà không ai ở NSW muốn thấy.

Tấm gương tốt

Australia không phải là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương quyết định “sống chung” với Covid-19.

Vào tháng 6, Chính phủ Singapore đã tuyên bố sẽ tập trung vào việc hạn chế các ca nhiễm Covid-19 thể nặng và giảm tỷ lệ nhập viện hơn là số ca nhiễm mới. Nhưng sau khi bắt đầu nới lỏng các hạn chế, Singapore đã chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng lên mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Việc này đã khiến nước này phải áp dụng lại một số biện pháp hạn chế để giảm bớt tình trạng gia tăng các ca nhiễm mới và chia sẻ áp lực đối với hệ thống y tế.

Australia cũng xác định số ca mắc mới sẽ tăng lên và coi đây là điều không thể tránh khỏi khi mọi người bắt đầu giao lưu nhiều hơn, ngay cả khi vẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn.

Trước khi mở cửa trở lại, lãnh đạo Australia đã cẩn thận chuẩn bị trước những tình huống cho công dân của họ trong trường hợp xuất hiện nhiều ca tử vong hơn, coi đó là cái giá phải trả để trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng cũng giống như Singapore, Australia không loại trừ khả năng phải áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn nếu số ca mắc mới tăng quá nhanh.

Ngoài Singapore và Australia, New Zealand và Thái Lan đều đã lên tiếng về việc từ bỏ chiến lược “Zero Covid”. Đồng thời, các chuyên gia cũng cho biết, các quốc gia xung quanh khu vực sẽ hướng mắt tới Sydney để xem thành phố tiến hành mở cửa trở lại thành công như thế nào và rút kinh nghiệm từ những sai lầm nếu có. Theo dự kiến, Victoria, bang lớn thứ hai của Australia, có thể sẽ là bang tiếp theo mở cửa trở lại vào cuối tháng 10.

Ông Paul Griffin, Giám đốc Bệnh viện truyền nhiễm tại Mater Health Services, cho biết, các bang khác sẽ đặc biệt quan tâm đến việc hệ thống y tế của Sydney hoạt động như thế nào sau khi mở cửa trở lại. “Nếu các bệnh viện bị quá tải bởi các ca mắc mới và không thể thực hiện các dịch vụ bình thường một cách an toàn, đó sẽ là một “lá cờ đỏ””, ông nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Australia ‘sống chung’ với Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO