Australia và quyết định đột phá

Hà Anh 23/02/2022 06:29

Sau 2 năm áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất để kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, chính phủ Australia đã quyết định gỡ bỏ những hạn chế đi lại cuối cùng đối với khách nước ngoài. Đây được đánh giá là bước đi cần thiết để tiến tới “sống chung với virus”.

Du khách quốc tế được chào đón tại sân bay Melbourne. Ảnh: AP

Khởi đầu mới

Từ ngày 21/2, các hạn chế đi lại cuối cùng tại Australia đã được dỡ bỏ, du khách quốc tế và doanh nhân các nước đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 bắt đầu được nhập cảnh vào Australia và chỉ phải thực hiện ít nhất các biện pháp hạn chế. Nhiều gia đình được đoàn tụ trong nước mắt sau cuộc chia ly kéo dài hai năm hoặc lâu hơn khi vướng phải một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất trên thế giới do đại dịch.

Bà Sue Witton, du khách người Anh, rơi nước mắt ôm con trai lớn Simon Witton tại sân bay Melbourne. “Chúng tôi đã xa cách nhau 724 ngày và Simon là con trai duy nhất của tôi, còn tôi thì chỉ có một mình. Vì vậy, việc được gặp lại con chính là cả thế giới đối với tôi”, bà Sue nói với các phóng viên.

Các du khách nhập cảnh trong ngày đã được chào đón tại sân bay Melbourne bởi những hoạt náo viên vui vẻ, trong hình dạng của những chú chuột túi bằng bông to lớn và những món ăn truyền thống được yêu thích của Australia như bánh quy sô cô la Tim Tams và mứt Vegemite.

Bộ trưởng Du lịch Liên bang Dan Tehan cũng đã có mặt tại sân bay để chào đón những vị khách đầu tiên trên chuyến bay của hãng hàng không Qantas từ Los Angeles hạ cánh lúc 6h20 sáng (theo giờ địa phương). “Tôi nghĩ rằng thị trường du lịch của chúng ta sẽ có một sự phục hồi rất mạnh mẽ”, ông Tehan nói.

Cô Danielle Vogl, sống ở Canberra và người bạn đời của cô ấy, anh Eric Lochner sống ở Florida, đã không gặp mặt nhau từ tháng 10/2019 do các hạn chế đi lại. Cô Vogl cho biết, cô đã bật khóc khi nghe tin về việc dỡ bỏ các hạn chế, điều này sẽ cho phép họ được đoàn tụ vào tháng 4. “Bây giờ mọi chuyện đã kết thúc, chúng tôi có thể ở bên nhau một lần nữa", cô Vogl hạnh phúc chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Karen Andrews cho biết, tình trạng tiêm phòng của tất cả khách du lịch sẽ được kiểm tra trước khi họ nhập cảnh để tránh lặp lại sự việc đáng tiếc như của ngôi sao quần vợt người Serbia Novak Djokovic. Djokovic đã được cấp thị thực thông qua một quy trình tự động trước khi anh rời Tây Ban Nha để tới thi đấu ở giải Australia mở rộng vào tháng 1/2022, nhưng đã bị trục xuất sau khi đến Melbourne vì chưa tiêm phòng Covid-19.

Giám đốc điều hành của Tourism Australia Phillipa Harrison dự đoán, sẽ mất 2 năm để lượng khách du lịch phục hồi mức trước đại dịch. “Đây là một khởi đầu thực sự tuyệt vời. Đây là những gì ngành công nghiệp không khói đã đem lại cho chúng tôi. Chỉ cần trả lại cho chúng tôi những vị khách quốc tế và chúng tôi sẽ lấy doanh thu từ đó”, bà Harrison nói.

Thủ tướng Scott Morrison cho biết, 1,2 triệu người đã có thị thực nhập cảnh vào Australia và 56 chuyến bay quốc tế đã bị gián đoạn trong 24 giờ đầu tiên mở cửa trở lại biên giới.

Con đường không bằng phẳng

Theo số liệu mới nhất, Australia ghi nhận 17.736 trường hợp mắc Covid-19 mới và 34 trường hợp tử vong. Số người chết của Australia kể từ khi đại dịch bắt đầu là 4.929 người.

Trước đó, Australia đã áp đặt một số hạn chế đi lại khó khăn nhất trên thế giới đối với công dân của mình vào tháng 3/2020 để ngăn họ mang Covid-19 về nước.

Các du khách đã phải nộp đơn xin miễn lệnh cấm du lịch, nhưng du lịch vẫn không phải là lý do được chấp nhận để nhập cảnh. Sinh viên quốc tế và người di cư có tay nghề cao được ưu tiên khi các hạn chế biên giới được nới lỏng vào tháng 11/2021 do tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng. Khách du lịch từ New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được cho phép nhập cảnh từ sớm.

Các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Australia cũng có các quy tắc phòng Covid-19 của riêng họ. Nghiêm ngặt nhất là ở bang Tây Australia, bang gồm một phần ba lục địa đảo. Australia từng đặt mục tiêu " Zero Covid" (không Covid) bằng cách ngăn chặn lượng khách nước ngoài nhập cảnh, truy vết và đóng cửa biên giới các bang sau khi dịch bệnh bùng phát. Các cuộc phong tỏa toàn thành phố và toàn tiểu bang thường xuyên được ban hành - đôi khi sau khi chỉ một ca mắc được phát hiện.

Tại Melbourne, người dân đã sống 200 ngày trong phong tỏa trong 2 năm vừa qua. Giải pháp này đã bị chỉ trích do ảnh hưởng đến sinh kế và sức khỏe tinh thần người dân. Tuy nhiên, cho đến nay, Australia đã dập tắt dịch bệnh và cho phép nhiều người dân sinh hoạt như bình thường.

Do đó, các khu vực không Covid tại Australia không đồng ý với chính phủ liên bang và các bang khác về chiến lược sống chung với Covid. Dưới hệ thống chủ nghĩa liên bang của Australia, chính quyền các bang có quyền kiểm soát y tế, chính sách và biên giới nội bộ. Tuy nhiên, Thủ tướng Morrison lập luận rằng, những tiểu bang đó không thể náu mình trước virus mãi mãi.

Cùng quan điểm, ông Mueller - Giáo sư Miễn dịch học từ Viện nghiên cứu Y khoa Walter & Eliza Hall (WEHI), Australia nói: "Hầu hết các bang ở Australia cần phải nhận ra rằng, cuối cùng họ phải đi ra khỏi vùng không Covid, bởi vì nó không bền vững mãi mãi. Quý vị phải bắt đầu chuẩn bị cho người dân về cuộc sống tới đây như thế nào, quý vị phải bắt đầu tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hơn là chỉ dừng lại ở đó".

Các chuyên gia cho rằng, có thể học được nhiều điều từ các quốc gia khác về cách mở lại một cách an toàn và hạn chế rủi ro. Họ lưu ý rằng kế hoạch mở cửa trở lại của Australia cũng đã được định hình từ kinh nghiệm của Anh và Mỹ. Trong khi chủng Delta và Omicron hoành hành ở cả hai quốc gia, nhưng tiêm chủng làm giảm đáng kể các ca bệnh nặng và tử vong. "Điều đó giúp chúng tôi yên tâm rằng chúng tôi đang đi đúng hướng với vaccine”, Giáo sư Mueller nói.

Ông Steve Hughes, người đứng đầu chi nhánh tại Australia của ngân hàng thương mại HSBC, nhận định: "Việc mở cửa trở lại sẽ củng cố uy tín của Australia là một nền kinh tế mở và sẽ tạo điều kiện kinh doanh dễ dàng hơn cho các công ty có lợi ích quốc tế".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Australia và quyết định đột phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO