Bắc Giang: Giá đất quay đầu, 'cò đất' chấp nhận bỏ cọc tháo chạy

HÀ AN 14/05/2021 09:36

Không lâu sau khi diễn ra buổi đấu giá quyền sử dụng đất ở nhiều địa bàn thuộc tỉnh Bắc Giang, hàng loạt "cò đất" tháo chạy, bỏ tiền cọc để không phải nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Khu đất đấu giá thuộc xã Nội Hoàng (huyện Yên Dũng). Ảnh: Hà An.

Thời điểm tổ chức phiên đấu giá, đất Bắc Giang tại nhiều địa phương tạo ra cơn sốt thật sự, có những thửa đất 72m2 được giao dịch thành công với giá 3,2 tỷ đồng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, giá đất quay đầu, không còn những đợt “sốt đất” ảo, thì nhiều nhà đầu tư, hay còn gọi là “cò đất” đã đua nhau bỏ cọc.

Nở rộ đấu giá quyền sử dụng đất

Mới đây, ngày 24/4, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Việt Yên tổ chức đấu giá quyền sử dụng 35 lô đất ở tại xã Hương Mai. Tổng diện tích 35 lô đất là gần 4500 m2. Các lô có diện tích từ 100 – 246,5 m2.

Kết quả, 100% lô đất trúng đấu giá với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng, tăng 20,2 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Lô có giá trị trúng cao nhất hơn 2,5 tỷ đồng với diện tích 216 m2, vượt so với giá khởi điểm 805 triệu đồng.

Còn trước đó, ngày 4/4, tại thị trấn Thắng (huyện Hiệp Hòa), Công ty Đấu giá hợp danh Thành Phát tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở với 87 lô đất, diện tích 7.843,5 m2, tại khu dân cư Đông Ngàn, thị trấn Thắng. Phiên đấu giá đã thu hút gần 450 người tham gia.

Được biết, giá trị khởi điểm của các lô đất từ 642,8 triệu đến hơn 1,54 tỷ đồng/lô, tổng số tiền khởi điểm hơn 68,42 tỷ đồng. Kết quả có 449 hồ sơ với 1273 phiếu đăng ký. Toàn bộ các thửa đất đều có khách hàng trúng đấu giá với tổng số tiền hơn 127,46 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 59 tỷ đồng.

Trước đó nữa, ngày 23/1, UBND huyện Yên Dũng cùng cơ quan chuyên môn tổ chức phiên đấu giá đất tại khu đất ở và kinh doanh dịch vụ thuộc xã Nội Hoàng với diện tích gần 3.560 m2. Đây là phiên đấu giá đất đầu tiên của hơn 20 phiên đấu giá đất khác, trong năm 2021. Khu đấu giá đất này có 45 lô với tổng giá khởi điểm là 91 tỷ đồng, với diện tích lô thấp nhất 72 m2, cao nhất 100 m2.

Kết quả phiên đấu giá thể hiện, toàn bộ 45 lô đều có khách hàng đấu trúng với tổng giá trị 158 tỷ đồng, chênh lệch 67 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Lô thấp nhất trúng với giá 3,2 tỷ đồng, cao nhất là 5,4 tỷ đồng…

Theo tìm hiểu, thời gian vừa qua, tỉnh Bắc Giang còn diễn ra nhiều phiên đấu giá quyền sử dụng đất khác. Và tất cả các phiên đấu giá quyền sử dụng đất, giá đất sau đấu đều chênh lệch khá nhiều. Có những lô đất, giá chênh lệch so với giá khởi điểm của phiên đấu giá lên tới hàng tỷ đồng.

Cò đất xuất hiện "thổi" giá tạo ra cơn "sốt" đất ảo. Ảnh: Nam Anh.

Theo ông Nguyễn Văn Thuần, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp Yên Dũng, tại một số buổi đấu giá, giá thường bị đẩy lên cao và các lô đất thường chỉ được mua đi bán lại kiếm lời bởi các “cò đất”.

Những “cò đất” này xuất hiện gần như ở tất cả các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn và sẵn sàng trả giá cao cho mỗi lô đất.

Một huyện có tới 103 lô bị “cò đất” bỏ cọc

Theo tìm hiểu của Đại Đoàn Kết Online, tính cho tới thời điểm những ngày đầu tháng 5/2021, trên địa bàn huyện Lạng Giang (Bắc Giang) tồn 103 lô đất sau phiên đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền, nhưng hiện vẫn chưa thấy khách hàng quay lại. Những khách hàng này chấp nhận bỏ cọc để không phải nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Cụ thể, tổng số tiền các lô đất mà khách hàng trúng đấu giá phải nộp là hơn 156 tỷ đồng và chênh lệch hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm khi diễn ra phiên đấu giá.

Diện tích mỗi lô đất kể trên giao động từ 90 m2 đến hơn 200 m2/lô, thuộc thôn Chùa (xã Thái Đào) với 55 lô; thôn Vàng và khu dân cư chợ Năm (xã Tiên Lục) với 37 lô; thôn Thanh Lương, Cầu Đá và khu cổng UBND xã Quang Thịnh với 3 lô; thôn Tân Sơn (xã Tân Dĩnh) với 3 lô; tổ dân phố Tân Luận (thị trấn Vôi) với 4 lô; tổ dân phố Lèo (thị trấn Kép) là 1 lô.

Hiện UBND huyện Lạng Giang đã có kế hoạch đưa các lô đất trên vào đấu giá trong các phiên tiếp theo trong cuối quý II, quý III, nhằm tăng thu tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước.

Tiếp giáp với huyện Lạng Giang, TP Bắc Giang trong tháng 10, 11/2020 cũng diễn ra 3 phiên đấu giá đất. Cả 3 phiên này đều có khách hàng bỏ cọc. Tại phường Dĩnh Kế, xã Đồng Sơn và xã Dĩnh Trì có 16 lô bỏ cọc, số tiền trúng đấu giá hơn 41,5 tỷ đồng, chênh so với giá khởi điểm khoảng 26,3 tỷ đồng. Số tiền mà khách hàng bỏ đặt cọc là hơn 1,6 tỷ đồng.

Còn tại khu dân cư cạnh quốc lộ 17 (thuộc phường Đa Mai) và khu dân cư cạnh Bệnh viện Nội tiết tỉnh (xã Tân Mỹ) có tới 18 lô bỏ cọc, số tiền trúng đấu giá hơn 43 tỷ đồng, chênh khoảng 25 tỷ đồng so với giá khởi điểm của phiên đấu giá. Và số tiền bỏ đặt cọc là 2,3 tỷ đồng.

Huyện Yên Dũng có nhiều "cò đất" bỏ tiền cọc. Ảnh: Nam Anh.

Cùng cảnh ngộ, trong tháng 10/2020, huyện Yên Dũng đã tổ chức tổng cộng 4 phiên đấu giá. Sau rà soát có 4 trường hợp bỏ cọc, không nộp tiền. Trong đó có 3 trường hợp bỏ cọc 3 lô đất tại khu dân cư mới Nham Sơn với tổng số tiền trúng đấu giá khoảng 8,2 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Được biết, với những lô đất bỏ cọc, UBND TP Bắc Giang và UBND huyện Yên Dũng sẽ tiếp tục đấu giá trong thời gian tới.

Ủy ban tỉnh ra chỉ thị

Trước tình trạng “cò đất” thổi giá mua đi bán lại gây sốt ảo trên địa bàn, mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Chỉ thị số 04.

Chỉ thị nêu rõ: Thời gian gần đây, tại các khu vực quy hoạch, dự kiến đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, quy mô lớn (như khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sân golf, đường giao thông….) và các vùng lân cận xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng tách một thửa đất thành nhiều thửa để lợi dụng hợp thức hóa, chuyển mục đích sang đất ở; chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật.

Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng “cò đất” đầu cơ mua đi bán lại gây “sốt ảo”, “thổi giá” làm cho giá đất không đúng với giá đất phổ biến trên thị trường. Tình trạng này nếu không được kiểm soát hiệu quả có thể dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội và việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nội dung Chỉ thị 04 cũng nêu rõ: Các khu vực có dấu hiệu gia tăng đột biến tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, “sốt ảo” phải được chú ý đặc biệt để chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã sớm kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm nêu trên.

Công bố công khai các Kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt để nhân dân biết và thực hiện. Sở Xây dựng cần tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản; tổ chức kiểm tra, có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi môi giới, kinh doanh bất động sản khi chưa đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật tại các khu vực có dự án khu đô thị, khu dân cư.

Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất đai, lập các dự án “ảo” và phân lô bán nền trái quy định của pháp luật tại các khu vực quy hoạch phát triển trên địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố và các đơn vị nghiệp vụ thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình liên quan đến an ninh, trật tự các khu vực có diễn biến phức tạp về đất đai, xây dựng; kiên quyết đấu tranh xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, một lãnh đạo Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết, thời điểm từ tháng 4/2021 cho tới nay, sau khi chính quyền tỉnh Bắc Giang đưa ra những giải pháp, như công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai, tình trạng pháp lý của các dự án bất động sản cho người dân được biết, nên hoạt động mua bán, thị trường đất đai bắt đầu chững lại. Tình trạng “sốt” đất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang hạ nhiệt đáng kể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắc Giang: Giá đất quay đầu, 'cò đất' chấp nhận bỏ cọc tháo chạy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO