Bắc Giang ‘thay tướng’ khi Covid càn quét

Nam Việt 03/06/2021 09:00

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký ban hành quyết định để Giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang, ông Lâm Văn Tuấn, tạm dừng điều hành công việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với số ca mắc tăng nhanh, tỉnh Bắc Giang đã gấp rút hoàn thành bệnh viện dã chiến tại Nhà thi đấu Thể thao tỉnh, quy mô 620 giường. Ảnh: TTXVN.

Trong lúc cuộc chiến chống Covid-19 đang rất nóng, mà điểm nóng nhất cả nước trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này (kể từ ngày 27/4) chính là tỉnh Bắc Giang; thì lại có thông tin nhiều người cho là bất ngờ: Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký ban hành quyết định để Giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang, ông Lâm Văn Tuấn, tạm dừng điều hành công việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang. Quyết định có hiệu lực từ 0h ngày 1/6.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giao ông Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm nhiệm điều hành CDC Bắc Giang từ thời điểm trên, với lý do nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, sáng ngày 1/4/2021, Sở Nội Vụ và Sở Y tế Bắc Giang đã tổ chức lễ trao Quyết định Công bố bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho ông Lâm Văn Tuấn - Phó Giám đốc Phụ trách CDC Bắc Giang. Theo Quyết định, ông Lâm Văn Tuấn được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trong thời hạn 5 năm( 60 tháng) kể từ ngày 1/4/2021.

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, quyết định tạm dừng điều hành hoạt động CDC tỉnh Bắc Giang đối với ông Tuấn không phải là biện pháp xử lý cán bộ. Thực tế, công việc phải hoàn thành của CDC Bắc Giang hiện nay đang quá lớn, có hiện tượng quá tải khi vừa phải triển khai lấy mẫu, thực hiện công tác xét nghiệm và truy vết, điều tra dịch tễ các trường hợp liên quan đến Covid-19, trong khi tốc độ hoàn thành các công việc thời gian qua không theo kịp tiến độ và yêu cầu. Do vậy, đã giao CDC tỉnh Bắc Giang cho Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm nhiệm quản lý.

Ở bài viết này xin chưa bình luận về quyết định trên. Vì rằng trong những tình huống khẩn cấp thì cũng cần phải có những quyết định khẩn cấp, mà ở đây chính là việc các ca lây nhiễm SARS-CoV-2 ở Bắc Giang quá nhiều, dồn dập trong thời gian ngắn đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. CDC là đơn vị rất quan trọng trong cuộc phòng, chống dịch bệnh, thì nó cần phải đủ điều kiện, đủ sức mạnh, đủ quyền lực để chủ động triển khai công việc vốn vô cùng khó khăn là sự bùng phát dữ dội của dịch Covid-19 ở tỉnh Bắc Giang.

Bản tin sáng 2/6 của Bộ Y tế cho biết, kể từ 18h ngày 1/6 đến 6h ngày 2/6, cả nước có thêm 53 ca mắc Covid-19, được ghi nhận tại 3 tỉnh, thành phố. Trong đó riêng Bắc Giang có 48 ca mắc. Cũng tại thời điểm đó, số lượng ca mắc mới trên cả nước (tính từ ngày 27/4) là 4.548 ca, trong khi Bắc Giang đã chiếm tới 2.624 ca mắc Covid-19.

Nhắc lại, chỉ trong 3 ngày từ 18 đến ngày 20/5, tại Bắc Giang xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng lây từ công nhân khu công nghiệp. Trong đó, phần lớn là lây nhiễm trong khu công nghiệp, kể cả có nguồn lây lẩn khuất phải truy vết để không bị mất dấu F0. “Chúng tôi đề xuất siết chặt giám sát trong cộng đồng, khoanh vùng ngay các ca mắc mới để hạn chế dịch lan rộng”- PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thường trực tại Bắc Giang nói một cách sốt ruột.

Về việc này, cũng thật đáng báo động khi Bắc Giang có ca tử vong 44 trên phạm vi cả nước tính từ đầu mùa dịch.

Đó là bệnh nhân 4807, nữ, 38 tuổi, công nhân khu công nghiệp. Bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, rát họng, mệt mỏi; được làm xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng (Bắc Giang) ngày 17/5.

Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp. Tối 22/5 bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng ho, tức ngực, khó thở, đau rát họng, phổi thông khí giảm hai bên. Khoảng 12h ngày 23/5 bệnh nhân diễn biến nặng hơn.

Qua hội chẩn với Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục hồi sức. Nhưng tình trạng của bệnh nhân diễn biến xấu hơn, ngừng tuần hoàn, cấp cứu ngừng tuần hoàn không có kết quả.

Cuối cùng bệnh nhân 4807 tử vong lúc 4h30 ngày 24/5 với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân viêm phổi do SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển ARDS.

Đây là ca tử vong liên quan đến Covid-19 gây chấn động, do còn trẻ khỏe. Cũng kể từ thời điểm đó, dịch bệnh bùng phát rất mạnh tại Bắc Giang.

Nhắc lại một số việc để thấy diễn biến Covid-19 ở Bắc Giang đã và đang rất phức tạp. Cả nước cùng chung nối lo với Bắc Giang. Rất nhiều địa phương, cơ quan y tế đã nhanh chóng hỗ trợ tâm dịch Bắc Giang. 200 cán bộ y bác sỹ của tỉnh Quảng Ninh, 215 cán bộ y bác sỹ, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương; 100 cán bộ y bác sỹ của Viện Quân y 103; 20 chuyên gia y tế của Hà Nội, đoàn chuyên gia của Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh); đoàn cán bộ y tế của Đà Nẵng, Vĩnh Phúc… đã tới tâm dịch Bắc Giang.

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bắc Giang đang rất khó khăn, cần phải có biện pháp mạnh, gấp rút phong tỏa, kiểm soát, chặn dịch. Từ đó, trở lại với việc thay thế vị trí lãnh đạo CDC của tỉnh này bằng người khác có chức quyền cao hơn cho dù có bất ngờ đi nữa thì đó cũng là việc của riêng tỉnh Bắc Giang, quan trọng là đúng hay sai mà thôi. Cốt lõi là phải bảo đảm dịch bệnh ở đây được chặn đứng. Vì rằng Bắc Giang là địa phương có nhiều khu công nghiệp bậc nhất miền Bắc, trong khi dịch Covid-19 lại lây lan chủ yếu từ nguồn này.

Cuối cùng vẫn phải là khoanh vùng dập dịch nhanh, không để lây lan rộng ra cộng đồng. Mà điều đó phải đợi ít ngày nữa, sau khi CDC Bắc Giang có Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm nhiệm điều hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắc Giang ‘thay tướng’ khi Covid càn quét

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO