Bạc Liêu: Điểm sáng trong thu hút đầu tư

Nguyên Du 06/10/2022 14:12

Dù còn gặp nhiều khó khăn về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật song nhờ sự nỗ lực quyết tâm với nhiều giải pháp đồng bộ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nên Bạc Liêu đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư.

Thu hút nhiều dự án quy mô lớn

Trong thời gian qua, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác thu hút, mời gọi đầu tư, thực hiện thành công nhiều chính sách quan trọng trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch và thông thoáng, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.

Trong các dự án được thu hút đầu tư, ngoài các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại dịch vụ, khu đô thị mới, nhà ở,… nổi bật nhất là các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Điểm nhấn là trong năm 2020, tỉnh đã thu hút được Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu với tổng vốn đăng ký đầu tư là 93.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 4 tỷ USD đây được xem là một trong những dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước năm 2020.

Phát triển dự án năng lượng tái tạo - một trong những thế mạnh trong thu hút đầu tư của Bạc Liêu.

Bên cạnh đó, tình hình thu hút mời gọi đầu tư của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua rất khả quan, tỉnh đã thu hút được 183 dự án (trong đó: 166 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 53.471,95 tỷ đồng; 17 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4,508 tỷ USD).

Chi tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bạc Liêu đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án (9 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.315 tỷ đồng; 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 18,35 triệu USD).

“Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và có những buổi làm việc, gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của doanh nghiệp để có hướng khắc phục kịp thời và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư”- đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều.

Chủ tich UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết thêm: “có thể nói với những nổ lực đó tỉnh Bạc Liêu được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của cả nước nói chung và đã đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi. Với phương châm phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, Bạc Liêu chú trọng thu hút đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, … thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực, uy tín sẵn sàng đầu tư vào tỉnh”.

Thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trọng điểm

Bạc Liêu là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về kết cấu hạ tầng, vậy những động lực nào đã giúp Bạc Liêu tạo được sức hút trong thu hút đầu tư với những kết quả ấn tượng trên cũng như định hướng trong trong thu hút, mời gọi đầu tư trong thơi gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chia sẻ, theo Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022, định hướng chung của tỉnh Bạc Liêu trong thu hút mời gọi các dự án đầu tư là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương. Tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín, có tiềm lực về tài chính; đồng thời chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của tỉnh.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nâng cao hiệu quả thu hút mời gọi đầu tư tỉnh Bạc Liêu đã xác định tập trung thu hút đầu tư vào 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; Phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời) và điện khí; Phát triển du lịch; Phát triển thương mại dịch vụ - giáo dục - y tế chất lượng cao; Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tỉnh xác định lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, phấn đấu từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 8 dự án điện gió đã hoàn thành đưa vào hoạt động cả trên biển lẫn trong đất liền, với tổng công suất là 469,2MW (PV đứng thứ 3 trên cả nước), tổng sản lượng điện gió đạt trên 2 tỷ kWh, giúp giảm phát thải khoảng 1.691.600 tấn CO2 đã mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh, nhất là tăng nguồn điện sạch, an toàn, thân thiện môi trường, thực hiện chủ trương tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Chính phủ, các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm thiểu khí CO2 ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh hàng năm khoảng 450 tỷ đồng, ... đồng thời, đang triển khai thực hiện các dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn III (công suất 142MW); Nhà máy điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu giai đoạn 1 (công suất 50MW). Bên cạnh đó, tỉnh đã tổng hợp trình Bộ Công Thương đưa vào Quy hoạch điện VIII các dự án nguồn điện với tổng công suất là 9.340,6MW (trong đó: điện gió là 7.810,6MW; điện mặt trời là 1.500MW; điện sinh khối là 30MW) và lưới điện truyền tải 500kV, 220kV để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo khi được phê duyệt.

Một góc khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm nuôi tỉnh Bạc Liêu.

"Đây là tiền đề quan trọng để Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Đó cũng chính là mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra", Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều thông tin thêm.

Trải thảm đỏ, đồng hành, chia khó với nhà đầu tư

Tỉnh Bạc Liêu cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, để phát triển kinh tế - xã hội cần phải thu hút từ nhiều nguồn lực, đặc biệt là thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Với quan điểm đó, thời gian qua tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện chủ trương thu hút, mời gọi những doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đến tỉnh tìm hiểu và đầu tư.

“Tỉnh luôn thực hiện phương châm 'đúng đối tượng, đủ chính sách và nhanh thủ tục'. Khi doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh Bạc Liêu sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất cho nhà đầu tư. Ngoài cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, trong giải quyết thủ tục hành chính doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ thực hiện trong thời gian nhanh nhất”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.

Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và có những buổi làm việc, gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của doanh nghiệp để có hướng khắc phục kịp thời và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thực tế, trong những năm qua tỉnh Bạc Liêu đã có rất nhiều doanh nghiệp, Nhà đầu tư có nguồn lực lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, điển hình như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn CT GROUP, Tập đoàn Việt Úc, Tập đoàn FLC....và nhất là việc thu hút được Nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd đầu tư Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu. Trong thời gian tới Dự án này được triển khai thành công sẽ là động lực để thu hút, phát triển thêm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính.

Năm 2022, Bạc Liêu có 152 dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại – nhà ở, văn hóa – thể thao – du lịch, kết cấu hạ tầng, y tế - giáo dục và môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạc Liêu: Điểm sáng trong thu hút đầu tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO