Bắc Ninh, Bắc Giang: Dồn lực xét nghiệm trên diện rộng

Lan Anh - H.Vũ 25/05/2021 07:18

Từ 18h ngày 23 cho tới 6 giờ ngày 24/5, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Lạng Sơn, Điện Biên, Hải Dương xuất hiện thêm nhiều ca mắc Covid-19 mới. Trong đó Bắc Giang tiếp tục là tỉnh có số ca mắc nhiều nhất.

Xét nghiệm cho công nhân khu công nghiệp ở Bắc Giang. Ảnh: Quang Vinh.

Bắc Giang: Vừa chống dịch, vừa sản xuất

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Tỉnh đang triển khai rà soát, kiểm tra hệ thống an toàn phòng dịch của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, tỉnh đã chỉ đạo đưa cán bộ y tế vào giám sát, phối hợp phòng dịch, đồng thời thành lập 35 tổ kiểm tra đánh giá mức độ phòng dịch của các doanh nghiệp, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, dù đã nâng công suất xét nghiệm song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Tỉnh cũng đã thiết lập hệ thống bệnh viện có thể điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân, nhưng hiện tại chưa đủ nhân lực vận hành, nhất là trang thiết bị cho khu điều trị đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng còn thiếu.

Trước thực tế đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Bắc Giang cần rà soát, sàng lọc, phân loại kỹ các trường hợp F1 nguy cơ cao, cũng như tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện khai báo y tế, xác định khu vực nguy cơ cao, truy vết, khoanh vùng.

Đồng thời rà soát lại các doanh nghiệp, nhà máy, lựa chọn đơn vị có khả năng đáp ứng nhu cầu công nhân ăn, nghỉ tại chỗ có thể tính toán chia nhỏ khu sản xuất, ăn, ở theo ca kíp bảo đảm quy định giãn cách để xây dựng mô hình điểm vừa chống dịch vừa sản xuất. Bà con ra đồng sản xuất nhưng phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng đề nghị cần hướng dẫn đội ngũ y tế trong doanh nghiệp lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho công nhân, từ đó giảm tải cho các y, bác sĩ, nhân viên y tế. Bên cạnh đó, phát huy vai trò tổ phòng, chống dịch Covid-19 trong cộng đồng, từ đó kịp thời truy vết, khoanh vùng.

Bắc Ninh: Toàn dân thực hiện khai báo y tế

Ngày 24/5, đánh giá về tình hình dịch bệnh tại tỉnh Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, với sự triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch, Bắc Ninh đã cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh, duy trì sản xuất, thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng chống dịch bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, dịch bệnh có nguy cơ kéo dài hơn các đợt dịch trước, do vậy tỉnh Bắc Ninh cần luôn luôn đặt công tác phòng, chống dịch trong trạng thái báo động cao nhất và phải tiếp tục triển khai các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt nhất, bao gồm cả về giãn cách xã hội, cách ly, phong toả, dừng hoạt động.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh, hiện Bắc Ninh ghi nhận 477 ca mắc Covid-19 ở cả 8 huyện, thị, thành phố. Trong đó huyện Thuận Thành có nhiều ca mắc nhất với 368 bệnh nhân. Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục duy trì hoạt động 8 chốt cấp tỉnh, 26 chốt cấp huyện, 338 chốt cấp xã tại các khu vực thiết lập vùng cách ly y tế, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào phục vụ công tác phòng chống dịch.

Trên tinh thần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, ngày 24/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đã phát động và yêu cầu toàn thể nhân dân trong tỉnh thực hiện khai báo y tế trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 24-26/5.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, đợt dịch này chủ yếu do biến thể SARS-CoV-2 của Ấn Độ gây ra với quy mô và tính phức tạp cao hơn các đợt dịch trước. Đợt dịch này bùng phát cả ở trong những bệnh viện, nơi có nhiều người bệnh nặng, nhiều bệnh lý nền, cả ở trong cộng đồng nhiều địa phương, cả ở trong các khu công nghiệp lớn.

Sáng ngày 24/5, kết quả giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm tại Đà Nẵng, Điện Biên và Hải Phòng của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho thấy, các bệnh nhân Covid-19 tại những địa phương trên đều nhiễm chủng B.1.617.2 lần đầu được tìm thấy ở Ấn Độ và biến chủng B.1.1.7 của Anh.

Đà Nẵng áp dụng thẻ đi chợ QR Code phòng, chống dịch

Ngày 24/5, Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, đã chính thức triển khai ứng dụng thẻ đi chợ QR Code tích hợp đầy đủ thông tin cá nhân của hộ gia đình và người đi chợ, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nguy hiểm.

Trong ngày 24/5, thẻ đi chợ QR Code phòng, chống dịch được áp dụng tại 4 chợ loại 1 của Đà Nẵng là chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Cồn, chợ Hàn và chợ Đống Đa.

Dự kiến trong vài ngày tới, thẻ đi chợ QR Code (thay thế thẻ đi chợ bằng giấy), sẽ được phát cho gần 300.000 hộ dân để đi chợ (3 ngày/lần trong thời gian 15 ngày) tại 70 chợ trên địa bàn 7 quận, huyện của TP.

Dữ liệu của hộ gia đình và ngày được phép đi chợ, sẽ được UBND 56 phường, xã của cập nhật lên địa chỉ eticket.danang.gov.vn.

QR Code trên thẻ đi chợ cho phép cơ quan chức năng truy vết, xác định nhanh các trường hợp lây nhiễm. Người dân cũng có thể dùng điện thoại thông minh, chụp QR Code trên thẻ, xuất trình cho ban quản lý để vào chợ mà không cần đem theo thẻ.

Bình Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắc Ninh, Bắc Giang: Dồn lực xét nghiệm trên diện rộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO