Bác sĩ phải qua sát hạch mới có chứng chỉ hành nghề

Xuân Thủy 17/07/2018 10:00

Năm 2020, bác sĩ muốn có chứng chỉ hành nghề sẽ phải trải qua kỳ thi sát hạch chuyên môn. Đây là một trong những yêu cầu trong Dự thảo đề án “Thành lập Hội đồng y khoa quốc gia” mà Bộ Y tế đang hoàn chỉnh để trình Thủ tướng trong năm nay.

Biện pháp bắt buộc để kiểm soát chất lượng hành nghề

Theo Bộ Y tế, một trong những chức năng chính của “Hội đồng y khoa quốc gia” là tổ chức kỳ thi quốc gia sát hạch năng lực chuyên môn của người hành nghề, điều kiện bắt buộc khi xem xét cấp chứng chỉ hành nghề trong thời gian tới (dự kiến bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2020). Nội dung này cũng đang được Bộ Y tế đưa vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, sẽ trình Quốc hội vào năm 2019.

Được biết, hành nghề khám chữa bệnh (KCB) đòi hỏi người hành nghề phải có cả năng lực chuyên môn cả về lý thuyết và thực hành, cũng như đạo đức nghề nghiệp do công tác KCB liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Việc cấp chứng chỉ hành nghề KCB là biện pháp bắt buộc để kiểm soát chất lượng hành nghề phù hợp với kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp đã được đào tạo.

Trong thời gian qua, việc cấp chứng chỉ hành nghề được thực hiện dựa trên các cơ sở quy định pháp luật sau: Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009; Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, người có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề chỉ cần nộp bộ hồ sơ theo quy định cho cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Sở Y tế) để được xem xét và cấp. Thành phần hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề; Bản sao có chứng thực văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn đối với lương y hoặc giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp; Giấy xác nhận quá trình thực hành; Sơ yếu lý lịch có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác; Phiếu lý lịch tư pháp; 2 ảnh 4 x 6 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 6 tháng tính đến ngày nộp đơn.

Chứng chỉ hành nghề còn nặng về thủ tục hành chính

Trên thực tế có thể nhận thấy điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh chủ yếu xem xét về thủ tục hành chính, dựa trên hồ sơ, giấy tờ về văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo cấp, giấy xác nhận thời gian thực hành của cơ sở KCB mà không dựa trên việc đánh giá năng lực chuyên môn thông qua kỳ thi quốc gia như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, vì vậy chưa đánh giá được người hành nghề có đủ năng lực chuyên môn thực sự để đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu thực hiện hoạt động KCB hay không.

Trên thế giới, nhiều nước đã thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thi sát hạch chuyên môn làm cơ sở cấp CCHN, đây là một xu thế tất yếu trong việc quản lý hành nghề KCB. Mô hình này đã được áp dụng ngay tại các nước chậm phát triển, và đang phát triển trên thế giới. Hiện nay, duy nhất chỉ có Việt Nam, Cambodia, Myanmar và Brunei là không thi chứng chỉ hành nghề. Trừ Brunei 100% bác sĩ là từ nước ngoài vào thì Việt Nam là một trong 3 nước có điều kiện để cấp phép hành nghề đơn giản nhất trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Bộ Y tế cũng cho rằng điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay chủ yếu xem xét về thủ tục hành chính mà không dựa trên việc đánh giá năng lực chuyên môn thông qua kỳ thi quốc gia như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Do vậy, chưa thể đánh giá năng lực chuyên môn thực sự để đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu thực hiện hoạt động KCB của người hành nghề.

“Việc tổ chức kỳ thi thông qua “Hội đồng y khoa quốc gia” (một tổ chức độc lập với cơ quan quản lý nhà nước) sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá một cách khách quan về thực trạng chất lượng người hành nghề. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KCB”- theo Bộ Y tế.

Tổ chức kỳ thi sát hạch liệu có cần thiết?

Giám đốc của một bệnh viện (đề nghị không nêu tên) cho biết, một khi sinh viên học ở trường y được cấp bằng tốt nghiệp bác sĩ thì đã có thể KCB.

Vị này cho rằng thành lập “Hội đồng y khoa quốc gia” nhằm sát hạch năng lực chuyên môn của bác sĩ để cấp chứng chỉ hành nghề là điều không cần thiết. “Nếu siết năng lực của bác sĩ thì siết ngay từ khi còn học ở trường. Sinh viên đạt thì cho tốt nghiệp, không thì học lại. Một khi bác sĩ đã đi làm, giờ phải sát hạch lại năng lực thì chẳng khác bác sĩ phải gồng mình tham gia thêm một kỳ thi” - vị này chia sẻ, và thêm rằng: “Sau này, một khi có quy định phải qua ải sát hạch của “Hội đồng y khoa quốc gia” mới được cấp chứng chỉ hành nghề thì bác sĩ phải chờ dài cổ vì số lượng bác sĩ của cả nước rất đông”.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng thành viên hội đồng y khoa chưa chắc đã có chuyên môn giỏi. Không loại trừ khả năng một số thành viên của “Hội đồng y khoa quốc gia” cập nhật phương pháp chữa bệnh cách đây khá lâu. Trong khi đó, bác sĩ học ở nước ngoài khi về Việt Nam lại áp dụng cách chữa bệnh hiện đại. Nếu thành viên của “Hội đồng y khoa quốc gia” giữ quan điểm của mình thì bác sĩ học ở nước ngoài sẽ không được cấp chứng chỉ hành nghề. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho bác sĩ học ở nước ngoài, người bệnh lại không có cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị theo phương pháp hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bác sĩ phải qua sát hạch mới có chứng chỉ hành nghề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO