Bạch hóa tài liệu mật liên quan tới quá trình tan vỡ Liên bang XôViết: Phản bội

Nguyễn Trung Tín (lược thuật) 21/12/2016 10:10

Cách đây 25 năm, ngày 8/12/1991, tại Belowezhskaya Pushcha (nay thuộc Belarus) đã diễn ra lễ ký bản thỏa thuận dẫn tới tan rã Liên bang Xôviết… Tham gia ký thỏa thuận Belowezh có ba nhà lãnh đạo Nga (Boris Yeltsin), Ukraina (Leonid Kravchuk) và Belarus (Stanislav Shushkevich).

* Biên bản nội dung các cuộc trò chuyện điện thoại giữa Boris Yeltsin và Gorbachev với George Bush (cha)

Theo kết quả một cuộc điều tra dư luận vừa được tiến hành gần đây tại Nga và được công bố ngày 5/12/2016, hiện có tới 56% số người Nga được hỏi ý kiến ngỏ ý tiếc nuối cho việc tan rã Liên Xô. 29% số người được hỏi ý kiến cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới sự kiện bi thảm này là “âm mưu vô trách nhiệm và vô duyên cớ của hiệp ước Belowwezh” của Yeltsin, Kravchuk và Shushkevich. 23% tin vào âm mưu của các lực lượng thù địch đối với Liên Xô, còn 21% nhấn mạnh tới sự không hài lòng của người dân đối với ban lãnh đạo Liên Xô lúc đó, đặc biệt là với cá nhân Mikhail Gorbachev và bộ sậu thân cận của ông này.

Tới thời điểm tháng 12/1991, siêu cường hùng hậu một thuở đã gần như kiệt sức bởi công cuộc cải tổ lợi bất cập hại và càng ngày càng sai định hướng ban đầu và đã phải trải qua một cuộc chính biến căng thẳng tháng 8/1991 và trở nên rệu rã hơn bao giờ hết. Một loạt những nước cộng hòa thành viên ở khu vực ven Baltik và Gruzia đã đơn phương tuyên bố độc lập. Tại Ukraina cũng đã tiến hành trưng cầu dân ý về tuyên bố độc lập… Đục nước béo cò, lợi dụng sự bất lực của vị Tổng thống Liên Xô đầu tiên và cũng là cuối cùng Mikhail Gorbachev, ba nhà lãnh đạo ở Nga (Boris Yeltsin), Ucraina (Leonid Kravchuk) và Belarus (Stanislav Shushkevich) ngày 8/12/1991 đã ngồi lại cùng nhau ký vào bản án hợp thức hóa sự khai tử Liên bang. Họ tự biện minh rằng họ bắt buộc phải làm như thế vì mô hình xã hội chủ nghĩa không còn sức sống nữa và đã thua trong cuộc cạnh tranh trước phương Tây(?!).

Những tài liệu được công bố sau này cho thấy, khi xảy ra những sự kiện bi thảm của quá trình tan rã Liên bang Xôviết, Boris Yeltsin và Gorbachev đã gọi điện thoại sang cho Tổng thống Mỹ lúc đó là ông George Bush (cha). Nội dung của các cuộc trò chuyện này cho thấy rõ hơn thực chất của việc người dân Liên Xô đã bị các nhà lãnh đạo của mình phản bội như thế nào. Cuộc trò chuyện của ông Yeltsin với ông Bush diễn ra ngay trong ngày 8/12/1991 và kéo dài 28 phút.

Sau đó hai tuần, ngày 25/12/1991, đến lượt ông Gorbachev gọi điện thoại cho ông Bush. Việc này diễn ra trước khi ông Gorbachev chính thức từ bỏ chức vụ Tổng thống Liên bang Xôviết. Cuộc trò chuyện kéo dài 22 phút. Cơ quan an ninh Liên Xô đã không ghi lại nội dung hai cuộc trò chuyện đó. Thế nhưng, an ninh Mỹ đã ghi lại, lưu giữ tại Thư viện Tổng thống ở bang Texas.

Yeltsin với người dân Mỹ.

Boris Yeltsin: “Tôi muốn được đích thân thông báo…”

Ngày 8/12/1991, vào lúc 13:08-13:36, phòng Bầu dục Nhà Trắng.

Tổng thống Bush: Xin chào, ông Boris. Công việc của ông thế nào?

Tổng thống Yeltsin: Xin chào, ngài Tổng thống. Tôi rất vui mừng được chào ông. Ngài Tổng thống, chúng ta từng thỏa thuận với nhau rằng, trong trường hợp xảy ra những sự kiện cực kỳ quan trọng, chúng ta sẽ thông tin lại cho nhau, tôi báo cho ông và ông báo cho tôi. Hôm nay ở đất nước của chúng tôi đã xảy ra một sự kiện rất quan trọng, và tôi muốn được đích thân thông báo với ông trước khi ông biết được điều đó từ báo chí.

Tổng thống Bush: Tất nhiên tôi phải cảm ơn ông rồi.

Tổng thống Yeltsin: Thưa ngài Tổng thống, hôm nay chúng tôi, lãnh đạo ba nước cộng hòa Belarus, Ukraina và Nga, đã tập hợp tại đây. Chúng tôi đã họp lại cùng nhau và sau nhiều cuộc thảo luận kéo dài, diễn ra tới gần hai ngày, đã đi tới kết luận rằng, hệ thống hiện hữu và hiệp định mà người ta đang muốn chúng tôi ký, không phù hợp với chúng tôi. Chính vì thế nên chúng tôi đã họp lại cùng nhau, và chỉ vài phút trước, đã ký một thỏa thuận chung.

Thưa ngài Tổng thống, chúng tôi, những nhà lãnh đạo của ba nước cộng hòa Belarus, Ukraina và Nga đều cho rằng các cuộc đàm phán về Hiệp ước Liên bang mới đã rơi vào bế tắc và ý thức được những lý do khách quan có thể khiến việc thành lập các quốc gia độc lập trở thành hiện thực. Ngoài ra, hiểu rõ việc chính sách thiển cận của trung tâm đã đẩy chúng tôi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế, ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sản xuất và các tầng lớp nhân dân, chúng tôi, cộng đồng của các quốc gia độc lập, Belarus, Ukraina và Nga đã cùng nhau ký một thỏa thuận. Thỏa thuận này, gồm 16 điều khoản, về bản chất, dẫn tới việc thành lập một cộng đồng hay một nhóm các quốc gia độc lập.

Tổng thống Bush: Tôi hiểu.

Tổng thống Yeltsin: Các thành viên của cộng đồng này nhắm tới việc củng cố hòa bình và an ninh quốc tế. Chúng tôi cũng đảm bảo việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ quốc tế trong khuôn khổ của các thỏa thuận và hiệp ước mà Liên Xô từng ký, trong đó có cả về những khoản nợ nước ngoài. Chúng tôi cũng ủng hộ việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và việc không phổ biến nó. Thỏa thuận đó đã được tất cả các bên tham gia vào các cuộc đàm phán là Belarus, Ukraina và Nga ký.

Tổng thống Bush:Tốt!

Tổng thống Yeltsin: Trong căn phòng này, nơi tôi đang gọi cho ông, hiện đang có mặt cả Tổng thống Ukraina và Chủ tịch Xôviết Tối cao Belarus. Tôi cũng vừa mới kết thúc cuộc trò chuyện với Tổng thống của Kazakhstan, Nursultan Nazarbayev. Tôi có đọc cho ông ấy nghe toàn bộ văn bản thỏa thuận, bao gồm tất cả 16 điều khoản. Ông ấy hoàn toàn ủng hộ tất cả các hành động của chúng tôi và cũng đã sẵn sàng tới để ký thỏa thuận. Ông ấy đang bay tới sân bay ở Minsk (thủ đô Belarus) để cùng ký vào bản thỏa thuận.

Tổng thống Bush: Tôi hiểu rồi.

Tổng thống Yeltsin: Việc này là cực kỳ quan trọng. Ở đây có bốn nước cộng hòa, sản xuất tới 90 % tổng sản phẩm nội địa của Liên Xô. Đây là một nỗ lực để bảo vệ cộng đồng, nhưng giúp giải phóng chúng tôi khỏi sự kiểm soát của cái trung tâm trong hơn 70 năm qua toàn chỉ tay ra lệnh. Đây là một thay đổi rất nghiêm trọng, nhưng chúng tôi hy vọng, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, đây là cách duy nhất để thoát khỏi những tình huống khủng hoảng lớn mà chúng tôi đang bị rơi vào.

Tổng thống Bush: Boris, ông...

Tổng thống Yeltsin: Thưa Tổng thống, tôi phải nói riêng với ông rằng, Tổng thống Gorbachev không biết về những kết quả này. Ông ta biết về ý định tập trung lại với nhau của chúng tôi - thực ra, tôi đã nói với ông ta về ý định gặp nhau của chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi sẽ ngay lập tức chuyển cho ông ta văn bản thỏa thuận của chúng tôi, bởi lẽ, hiển nhiên là ông ta sẽ phải đưa ra quyết định ở cấp độ của mình. Ngài Tổng thống, hôm nay tôi đã nói rất cởi mở, vô cùng cởi mới ông. Chúng tôi, cả bốn quốc gia, tin rằng chỉ có một lối thoát để ra khỏi tình huống nghiêm trọng hiện nay. Chúng tôi không muốn làm bất cứ điều gì trong bí mật - chúng tôi sẽ ngay lập tức đưa ra tuyên bố với báo chí. Chúng tôi hy vọng vào sự thấu hiểu của ông.

Tổng thống Bush: Boris, tôi đánh giá cao cuộc gọi và sự thẳng thắn của ông. Chúng ta sẽ xem tất cả 16 điều khoản. Thế ông bạn nghĩ thế nào, phản ứng của trung tâm sẽ ra sao?

Tổng thống Yeltsin: Thứ nhất, tôi đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Shaposhnikov. Tôi muốn đọc điều 6 của thỏa thuận. Shaposhnikov thực chất đã hoàn toàn ủng hộ quan điểm của chúng tôi. Và bây giờ tôi muốn đọc điều sáu …

Tổng thống Bush: Chúng tôi tất nhiên cũng muốn nghiên cứu một cách cẩn thận tất cả những việc này. Chúng tôi hiểu rằng những vấn đề này nên giải quyết bởi những người trong cuộc chứ không phải của những người ngoài cuộc như Hoa Kỳ…

Tổng thống Yeltsin: Chúng tôi đảm bảo việc đó, thưa ngài Tổng thống.

Tổng thống Bush: Vậy thì chúc may mắn, và cảm ơn vì ông đã gọi tới. Chúng tôi sẽ chờ đợi phản ứng của trung tâm và các nước cộng hòa khác. Tôi nghĩ, chuyện đâu rồi có đó.

Tổng thống Yeltsin: Tôi tin chắc rằng tất cả những nước cộng hòa còn lại sẽ hiểu chúng tôi và sẽ rất sớm tham gia cùng chúng tôi.

Tổng thống Bush: Cảm ơn ông đã gọi tới sau sự kiện lịch sử này.

Tổng thống Yeltsin: Tạm biệt.

Tổng thống Bush: Tạm biệt.

(Kết thúc cuộc trò chuyện)

Văn bản ghi lại nội dung cuộc nói chuyện điện thoại.

Mikhail Gorbachev: “Tôi sẽ không lẩn trốn trong rừng Taiga…”

Ngày 25/12/1991, vào lúc 10:03 - 10:25, trại David.

Tổng thống Bush: Xin chào, anh Mikhail.

Tổng thống Gorbachev: Ôi George, bạn thân mến của tôi. Rất vui khi nghe giọng nói của anh.

Tổng thống Bush: Tôi rất vui mừng chào đón anh trong một ngày trọng đại, một ngày lịch sử như thế này. Cảm ơn vì anh đã gọi.

Tổng thống Gorbachev: Hãy cho tôi bắt đầu từ việc vui vẻ: xin chúc mừng anh, chị Barbara và cả gia đình nhân dịp Giáng sinh. Tôi đã nghĩ về việc khi nào thì tôi nên đưa ra lời tuyên bố của mình, vào thứ ba tới hay ngay trong ngày hôm nay. Cuối cùng thì tôi quyết định làm việc này ngay trong ngày hôm nay, vào cuối buổi chiều. Vì thế, trước tiên tôi muốn chúc mừng Giáng sinh và chúc tất cả những gì tốt đẹp nhất.

Và bây giờ tôi phải nói rằng, trong khoảng hai giờ nữa tôi sẽ lên đài truyền hình Moskva với lời phát biểu ngắn về quyết định mà tôi đã đưa ra. Tôi đã gửi cho anh một bức thư, George ạ. Tôi hy vọng anh sẽ mau nhận được nó. Trong bức thư, tôi đã nói ra điều quan trọng nhất. Bây giờ tôi cũng muốn nhắc lại là tôi đánh giá cao những gì mà chúng ta đã làm được trong thời gian cộng tác cùng nhau – ngay từ khi anh còn là Phó Tổng thống, và sau đó, khi anh trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Tôi hy vọng tất cả các lãnh đạo quốc gia của Cộng đồng (các quốc gia độc lập, SNG), và trước hết là của Nga, đều hiểu được giá trị quý giá của những kinh nghiệm chung, được tích tụ nhờ các nhà lãnh đạo của hai quốc gia chúng ta. Tôi hy vọng họ sẽ hiểu trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và nhân lên những nguồn lực quan trọng đã được tích tụ này.

Tại Liên bang chúng tôi, những cuộc tranh luận về việc cần thành lập một nhà nước như thế nào đã không đi theo đúng hướng mà tôi coi là đúng. Nhưng tôi muốn cam kết với anh rằng, tôi sẽ sử dụng tất cả các ảnh hưởng chính trị và uy tín của mình để Cộng đồng hoạt động có hiệu quả. Tôi rất hài lòng vì các nhà lãnh đạo trong Cộng đồng ở Ama Ata đã đạt được thỏa thuận trong các vấn đề hạt nhân và các vấn đề chiến lược quan trọng khác. Tôi hy vọng rằng ở Minsk sẽ thông qua các quyết định về các vấn đề khác có thể tạo ra một hợp tác giữa các nước cộng hòa.

Anh George, hãy cho phép tôi nói cho anh nghe về những gì tôi nghĩ là cực kỳ quan trọng.

Tổng thống Bush: Tôi đang nghe đây.

Tổng thống Gorbachev: Hiển nhiên là cần phải đi theo con đường công nhận tất cả các nước cộng hòa này. Nhưng tôi muốn anh phải tính tới việc rất quan trọng đối với tương lai của Cộng đồng là phải ngăn chặn sự leo thang của quá bất hợp tác và hủy diệt. Vì vậy, trách nhiệm chung của chúng ta là phải giúp đỡ quá trình xây dựng hợp tác giữa các nước cộng hòa. Tôi rất muốn nhấn mạnh tới việc này.

Bây giờ nói về nước Nga, đó là chủ đề lớn thứ hai trong cuộc trò chuyện của chúng ta hôm nay. Trước mặt tôi ở trên bàn là sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Xôviết về việc từ chức của tôi. Tôi cũng từ bỏ trách nhiệm của Tổng tư lệnh Tối cao và chuyển quyền sử dụng vũ khí hạt nhân cho Tổng thống Liên bang Nga. Tức là tôi lãnh đạo mọi việc cho tới khi kết thúc chu trình hiến pháp. Tôi có thể cam đoan với anh rằng, mọi việc đều trong tầm kiểm soát chặt chẽ. Ngay sau khi tôi từ chức, tất cả những sắc lệnh này sẽ có hiệu lực ngay. Sẽ không có bất cứ sự thiếu đồng bộ nào. Anh có thể bình tâm hưởng đêm Giáng sinh. Trở về vấn đề nước Nga, một lần nữa tôi muốn khẳng định lại là, chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ cho nó. Tôi sẽ làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình để hỗ trợ nước Nga. Nhưng đối tác của chúng tôi cũng phải cố gắng và đóng đủ vai trò của mình trong việc giúp đỡ và hỗ trợ cho nước Nga.

Về phần mình, tôi sẽ không lẩn trốn trong rừng taiga. Tôi sẽ vẫn tích cực hoạt động chính trị, vẫn ở lại trong đời sống chính trị. Mục đích chính của tôi là giúp đỡ những quá trình đã được bắt đầu bởi cải tổ và tư duy mới trong chính sách đối ngoại. Các đại diện của làng báo Mỹ đã nhiều lần hỏi tôi về mối quan hệ cá nhân giữa chúng ta với nhau. Trong khoảnh khắc lịch sử này, tôi muốn bạn biết rằng tôi đánh giá cao mối quan hệ đối tác, hợp tác và tình bạn của chúng ta. Vi trí của chúng ta có thể thay đổi, nhưng tôi muốn anh tin rằng, những gì mà chúng ta đã đạt được thì sẽ không thể ai thay đổi được. Tôi và Raisa xin chúc anh với chị Barbara tất cả những gì tốt đẹp nhất.

Tổng thống Bush: Anh Mikhail, đầu tiên và trước hết tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn vì anh đã gọi điện tới. Tôi nghe những gì anh thông báo với mối quan tâm lớn. Chúng tôi vẫn như trước đây sẽ tiếp tục tham gia, đặc biệt là trong những gì liên quan tới nước Nga mà những khó khăn to lớn của nó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong mùa đông này. Tôi rất vui vì anh sẽ không vào rừng ở ẩn mà vẫn tiếp tục hoạt động chính trị. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng điều đó sẽ đem lại lợi ích cho Cộng đồng mới.

Tôi cảm ơn anh về những lý giải liên quan tới vũ khí hạt nhân. Đó là vấn đề mang ý nghĩa quan trọng sống còn trong đời sống quốc tế và tôi cũng cảm ơn anh cùng các nhà lãnh đạo các nước cộng hòa đã tổ chức và thực hiện một cách xuất sắc quá trình này. Tôi sẽ lưu ý tới việc trách nhiệm hiến pháp về vấn đề này đã được chuyển giao cho Boris Nikolayevich Yeltsin. Tôi xin đảm bảo với anh rằng, về vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ.

Bây giờ nói về chuyện cá nhân, anh Mikhail. Những nhận xét tuyệt vời của anh về mối quan hệ đã hình thành giữa tôi và anh và giữa anh với James Baker (ngoại trưởng trong nội các của ông Bush cha), sẽ không bị bỏ qua. Tôi thực sự đánh giá cao những lời nói của anh vì chúng cũng thể hiện những cảm xúc của chính tôi nữa. Cuộc gọi của anh đã tới với tôi ở trại David, chúng ta đang ở đây cùng với Barbara, cùng ba người con và cháu của chúng tôi. Một người con nữa của chúng tôi hiện đang ở Florida, và một người con khác đang ở cùng với gia đình tại Virginia.

Sân chơi cho trò “móng ngựa”, nơi anh từng ném chiếc nhẫn đó, vẫn ở trong trạng thái tốt. Điều này khiến tôi lại nhớ tới câu tôi đã viết trong lá thư gửi anh: Hy vọng rằng con đường của chúng ta sẽ lại cắt nhau. Anh luôn là người khách được chào đón ở Hoa Kỳ. Có thể chúng ta lại gặp nhau ở đây, trong trại David sau khi anh đã giải quyết xong các vấn đề của mình. Tình bạn của chúng ta vẫn bền chắc như trước và sẽ vẫn như vậy trong tương lai. Không thể có bất cứ sự hoài nghi nào về điều đó.

Tất nhiên, tôi sẽ xây dựng quan hệ với các nhà lãnh đạo của nước Nga và nước cộng hòa khác, với sự tôn trọng và cởi mở. Chúng tôi sẽ đi theo hướng công nhận và tôn trọng chủ quyền của từng nước cộng hòa. Chúng tôi sẽ hợp tác với họ trên một loạt rộng rãi các vấn đề. Nhưng việc đó sẽ không ảnh hưởng gì tới mong muốn của tôi duy trì liên lạc với anh và để lắng nghe những lời khuyên của bạn, bất kể vai trò mới của anh là gì. Tôi thực sự muốn gìn giữ tình bạn của chúng ta, tình bạn mà tôi và Barbara vô cùng trân quý.
Vì vậy, trong những ngày nghỉ lễ này và trong khoảnh khắc lịch sử này, chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của anh và tất cả những gì mà anh đã làm cho hòa bình trên toàn thế giới. Cảm ơn anh rất nhiều!

Tổng thống Gorbachev: Cảm ơn, anh George. Tôi rất vui khi được nghe những điều này trong ngày hôm nay. Xin tạm biệt và xin được bắt tay anh. Anh đã nói với tôi rất nhiều thứ quan trọng, và tôi rất biết ơn vì điều đó.

Tổng thống Bush: Chúc mọi điều tốt lành nhất, anh Mikhail.

Tổng thống Gorbachev: Tạm biệt!

(Kết thúc cuộc trò chuyện)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạch hóa tài liệu mật liên quan tới quá trình tan vỡ Liên bang XôViết: Phản bội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO