Bách khoa toàn thư cần sự chung tay của cộng đồng

Đoàn Xá 30/11/2020 15:54

Bộ sách Bách khoa toà thư Việt Nam gồm 60.000 mục từ với 36 quyển (1 quyển sách dẫn) cùng sự tham gia của hàng ngàn nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia... sẽ là nguồn tri thức quy báu, dành cho tất cả mọi người.

Ngày 30/11 tại TP HCM, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo "Đề án bách khoa toàn thư Việt Nam: Truyền thống và cộng đồng". Hội thảo thu hút nhiều GS, TS, nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên các trường ĐH trên địa bàn TP HCM tham gia. Trong đó có nhiều tham luận, ý kiến được trình bày để làm rõ những vấn đề lấy nguồn tri thức từ truyền thống (các nhà bác học, khoa học) hay từ cộng đồng (người sử dụng, không chính danh) cho bộ Bách khoa toàn thư (BKTT) này.

Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì thực hiện, dự án biên soạn (BKTT dự kiến gồm 36 quyển (và 1 quyển sách dẫn), quy tụ hàng ngàn nhà khoa học của nhiều lĩnh vực tham gia. Bộ sách được chia làm 70 khối ngành như nghệ thuật, cơ học, vật lý, thiên văn, địa chất… với quy mô khoảng 60.000 mục từ. Hiện, toàn bộ những nội dung này đã được đưa lên trang mạng bktt.vn.

Tuy nhiên, trong không gian kiến thức ngày càng mở rộng như hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn BKTT đã có chỉ đạo mời cộng đồng cùng phối hợp tham gia biên soạn. Việc có thêm tri thức thực tiễn từ cộng đồng là điều rất quý báu mang đến cho bộ BKTT những giá trị phổ cập nhưng cũng mang đến nhiều thách thức, đặc biệt là những luồng thông tin chưa được kiểm soát, chưa được biên tập, ghi nhận hay những thông tin mang ý nghĩa cá nhân.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: “BKTT là loại sách tổng hợp tri thức nhằm phục vụ cho việc tra cứu, học tập, truyền bá tri thức trong xã hội. Từ xa xưa ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã có nhiều bộ sách BKTT được ra đời, ghi dấu ấn của từng thời kỳ lịch sử. Có thể kể đến bộ “Lã Thị Xuân Thu” bộ BKTT đầu tiên trên thế giới (năm 239 trước CN) hay “Vân đài loại ngữ” (Lê Quý Đôn, năm 1773) và “Lịch triều hiến chương loại chí” (Phan Huy Chú, 1821) là những bộ BKTT đầu tiên của Việt Nam. Đến nay, những bộ sách này vẫn còn nhiều giá trị lịch sử, tri thức.

Đặc điểm của những bộ BKTT này là có tác giả, có sự nghiên cứu tỉ mỉ được cộng đồng công nhận. Ngày nay, với sự xuất hiện của công nghệ máy tính và mạng internet nên người xuất bản (và cả người dùng) có thể dễ dàng truy cập tự do và xuất hiện nhiều BKTT mở. Trong đó tiêu biểu là Wikipedia phiên bản tiếng Việt với 1,2 triệu đề mục. Vì vậy, bộ sách BKTT mới phải bao gồm 2 yếu tố quan trọng là bác học và cộng đồng. Trong đó bác học (hay truyền thống) là hệ thống tri thức chuẩn mực, chính xác, khách quan nhằm giúp người đọc có thể tin cậy.

Những kiến thức này đều do các người có uy tín trong từng lĩnh vực biên soạn, chịu trách nhiệm. Nhưng trong thời đại công nghệ 4.0, khi mà dòng chảy tri thức không ngừng biến đổi, tăng thêm thì việc chính người sử dụng tiếp tục cập nhật là điều cần thiết, nhanh chóng và sát với thực tiễn. Tuy nhiên, độ tin cậy của các thông tin này chưa cao, thường mang ý nghĩa chủ quan, thiếu khách quan. Vì vậy, kết hợp giữa truyền thống và cộng đồng là cần thiết, nhưng phải có sự kiểm soát.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn phát biểu tại Hội thảo.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ tri thức từ cộng đồng, GS.TS Hồ Sĩ Quý (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng về nguyên tắc, BKTT là tác phẩm có bản quyền và mỗi từ, mục phải có người chịu trách nhiệm về nội dung. Nhưng trong điều kiện hiện nay, có thể và nên sử dụng tri thức cộng đồng để biên soạn BKTT dạng Wikipedia để tăng chất lượng và tiến độ công trình, đồng thời giảm chi phí biên soạn.

Để làm được điều này, BKTT dạng Wikipedia cần có nền tảng kỹ thuật, phần mềm đủ mạnh, thuận lợi cho các cá nhân tham gia viết các mục từ. Nhưng cũng phải có cơ chế kiểm soát, ngăn chặn sự phá rối về nội dung. Ngoài ra, GS.TS Quý cũng dẫn chứng các số liệu thống kê liên quan đến tri thức cộng đồng trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Cụ thể, như trang Wikipedia bản tiếng Việt hiện nay là một dữ liệu thông tin khổng lồ và liên tục được cập nhật. Thậm chí, thói quen sử dụng từ điển, sách để tìm kiếm thông tin đã quá lỗi thời so với sử dụng thông tin trên Wikipedia.

Bên cạnh đó, TS Quý cũng nêu ra một số hạn chế của từ điển trên mạng này mà người sử dụng cần lưu ý. Đó là thông tin liên tục thay đổi, thiếu nhất quán, không đều, văn phong khó hiểu. Ngoài ra, Wikipedia cũng có tình trạng thiên vị, chính trị hoá và không có sự chịu trách nhiệm (nếu sai).

Với mong muốn thu hút rộng rãi các nhà khoa học, trí thức, nhà nghiên cứu, nhà quản lý… tham gia cùng biên soạn BKTT, đầu tháng 10/2020 vừa qua, Đề án biên soạn BKTT, Cục Khoa học Bộ Công nghệ và Viện Nghiên cứu khoa học FPT đã ký hợp tác đưa toàn bộ 60.000 mục từ lên mạng bktt.vn để chờ cộng đồng hưởng ứng biên soạn. Mục tiêu của bktt.vn là tạo ra môi trường mà các thành viên tham gia chính danh, viên soạn mục từ theo từng lĩnh vực chuyên môn, sẽ được vinh danh xứng đáng với đóng góp của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bách khoa toàn thư cần sự chung tay của cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO