Bài 1: Bất động sản ‘nhảy múa’ tăng gấp nhiều lần

Minh Lộc 11/01/2022 07:00

Thị trường bất động sản chứng kiến hàng loạt cơn sốt đất trên diện rộng từ bắc chí nam, thành thị đến nông thôn. Nhiều tỉnh giá đất nhảy múa từng ngày, cao gấp nhiều lần...

Giá đất tăng nhiều lần

Điển hình, tại một số khu vực ở Hà Nội như Đông Anh, Long Biên, Thanh Trì… hồi đầu năm cho thấy, giá đất đã tăng chóng mặt. Từ những mảnh đất nằm ngoài đê tại Long Biên trước chỉ có giá 20-30 triệu đồng/m2 thì đã được đẩy lên 50-60 triệu đồng/m2. Hay những mảnh đất nông nghiệp mua bán bằng giấy viết tay, giá thấp nhất môi giới cũng “hô” 12 triệu đồng/m2… Xa hơn nữa, nhiều mảnh đất trong làng, mặt đường lớn ở huyện Đông Anh có giá rao bán dao động 40-70 triệu đồng/m2....

Thậm chí tại thôn Dy, xã Minh Quang (Ba Vì), đất nông nghiệp cũng tăng giá vùn vụt, từ vài năm trước giá đất nơi đây chỉ 40 triệu đồng/sào (360m2), sau đó cứ tăng dần lên các mức giá 60 triệu đồng, 100 triệu đồng, rồi 120 triệu đồng/sào, cao nhất là vài trăm triệu mỗi sào, tùy khu vực và diện tích.

Không riêng gì Hà Nội, giá đất nhiều tỉnh như Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa... cũng tăng mạnh. Theo đó, tại tại TP Bắc Giang, huyện Việt Yên và Yên Dũng... là những nơi có giá đất tăng khoảng từ 50-70% so với cuối năm 2020, giá đất dao động từ 25-40 triệu đồng/m2.

Tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang), giá đất cũng nhảy múa từng ngày. Nếu trước Tết Nguyên đán, giá đất ở xã Nội Hoàng mới khoảng 12-15 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 25-30 triệu đồng/m2.

Tại huyện Việt Yên (Bắc Giang), giá đất tăng nhanh, trung bình từ 30-40 triệu đồng/m2, có nơi lên 50 triệu đồng/m2. Ví dụ, một mảnh đất có diện tích 77m2 nằm ở tỉnh lộ 295B, huyện Việt Yên được rao bán với giá 3,92 tỷ đồng, tương đương 50,9 triệu đồng/m2. Mảnh đất được quảng cáo là "nằm gần ngay trục chính chợ My Điền và áp giữa 2 khu công nghiệp hiện đại, đông đúc nhất Bắc Giang là Vân Trung, Đình Trám".

Không chỉ đất thổ cư mà đất đấu giá tại các khu vực này cũng “sốt nóng” trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, 86 lô đất ở thị trấn Nham Biền có đến hơn 3.100 hồ sơ đăng ký tham gia. Tổng giá khởi điểm gần 91,9 tỷ đồng nhưng giá trị trúng đấu giá gần 211,5 tỷ đồng.

Hay phiên đấu giá 45 lô đất nền tại Yên Dũng vừa qua (23/1) có rất nhiều nhà đầu tư tham gia, thậm chí cả "cò đất", khiến giá đất tăng chóng mặt, gần gấp đôi. Giá khởi điểm đưa ra đấu giá lô 72 m2 là 25 triệu đồng/m2, tương đương 1,8 tỷ đồng. Kết thúc phiên đấu, lô này được chốt giá cho khách trúng là 3,2 tỷ đồng. Toàn bộ 45 lô đất đã bán với tổng giá trị tổng giá trị 158 tỷ đồng, chênh lệch 67 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Lô thấp nhất trúng với giá 3,2 tỷ đồng, cao nhất là 5,4 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân “sốt đất” tại Bắc Giang, các chuyên gia cho rằng, Bắc Giang đã và đang hình thành các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị... khiến bất động sản có khả năng sinh lời cao, thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp.

Tại Hải Phòng, ở các vùng ven thành phố, hoạt động mua bán đất trong dân diễn ra sôi động. Giá hiện tại dao động 8-15tr/m2. So với cuối năm 2020, giá trung bình tăng 60-70%.

Tại Thanh Hóa, từ đầu tháng 3 trở lại đây, giá đất nền tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hoá đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 – 60% so với cuối năm 2020. Thậm chí, những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua.

Giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12-15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kì năm trước, và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.

Lãnh đạo ngành Xây dựng cho rằng, giá đất tăng khiến nhiều người dân bỏ cả công việc, bỏ cả sản xuất để đi kinh doanh đất, tạo nên hiện tượng sốt đất cục bộ và tạo nên những rủi ro, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cũng như trên cả nước.

Chưa hết, năm 2021 là năm mà đất đấu giá “sôi sục” từ nông thôn đến thành phố. Trong đó nhiều cuộc đấu giá đất ở nông thôn mà có mức giá trúng cao gấp đôi, gấp ba giá khởi điểm.

Đáng chú ý nhất là phiên đấu giá đất Thủ Thiêm (TP.HCM), chung cuộc giá đất đẩy lên mức 2,4 tỷ đồng/m2, lập kỷ lục gây sững sờ trên thị trường bất động sản.

Cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm ghi nhận mức giá cao kỷ lục của thị trường bất động sản ở Việt Nam. Ảnh: TL

Khan hiếm nguồn cung?

Ở quý 1/2021, Bộ Xây dựng nhận xét, giá căn hộ chung cư tại các địa phương có xu hướng tăng đều theo tháng. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng do khan hiếm nguồn cung. Mức tăng giá bình quân khoảng 5 - 10% so với quý cuối năm ngoái.

Sang quý 2/2021, cũng theo Bộ Xây dựng, giá giao dịch tại hầu hết địa phương vẫn có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt tại Hà Nội vẫn tăng khoảng 5 - 7% so với quý 1.

Tiếp tục sang quý 3/2021, số lượng giao dịch giảm nhưng giá vẫn tiếp tục tăng. Do ảnh hưởng của Covid-19 nghiêm trọng trong quý này với việc giãn cách toàn thành phố trong vòng 2 tháng, số lượng căn bán được giảm mạnh song giá bán căn hộ vẫn tăng. Số liệu đưa ra cho thấy, giá bán sơ cấp trung bình căn hộ đạt 1.650 USD/m2, tăng 9,3%...

Nguyên nhân tăng giá căn hộ đến từ việc khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao. Cùng với đó, giá nhà tại các địa phương, khu vực tăng có thể do nguyên nhân khác như điều chỉnh địa giới hành chính, quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng…

Bộ Xây dựng yêu cầu đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra “bong bóng” hoặc các diễn biến bất thường khác, dự báo tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 1: Bất động sản ‘nhảy múa’ tăng gấp nhiều lần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO