Bài 1: Chất cấm len lỏi vào bữa ăn

Nguyễn Chung     (Còn tiếp) 15/12/2015 10:00

Chưa bao giờ câu chuyện về thực phẩm “bẩn” lại được dư luận quan tâm như hiện nay. Rau, thịt, gạo... không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành nỗi lo canh cánh đối với người tiêu dùng. Giải pháp nào để hạn chế và quản lý hiệu quả các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt len lỏi vào bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình đang là bài toán chưa có lời giải.

Bài 1: Chất cấm len lỏi vào bữa ăn

Người tiêu dùng hoang mang khi lựa chọn thực phẩm tại chờ Đầu Mối (TP Thanh Hóa).

Tình trạng buông lỏng quản lý về chất lượng thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa “nóng” đến mức phải đưa lên bàn nghị sự tại Kỳ họp HĐND tỉnh vừa diễn ra cách đây ít ngày.

Ăn trong bất an!

Tại chợ đầu mối (TPThanh Hóa) vào mỗi sáng sớm, các cửa hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm tấp nập cảnh bán buôn. Những tảng thịt lợn đỏ tươi màu nạc, những “núi” rau quả xanh rờn rất bất thường… Từ đây các mặt hàng phục vụ cuộc sống của con người sẽ được phân phối đi khắp các ngõ ngách trong thành phố và vùng phụ cận. Các bà nội trợ, nâng lên, đặt xuống rồi cuối cùng cũng phải lựa cho mình những mớ rau, miếng thịt ưng ý nhất. Song thực chất họ không biết rõ nguồn gốc, độ an toàn của sản phẩm mang về chế biến bữa ăn cho cả gia đình.

Chị Lê Thị Tuyết (trú phường Lam Sơn, TP.Thanh Hóa) phân trần: “Bây giờ ra chợ, lo nhất là mua phải thực phẩm “bẩn”. Nhưng lo là vậy, chứ bằng mắt thường, người dân không thể phân biệt được đâu là thịt có chất tạo nạc, đâu là gạo sạch, đâu là rau quả còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và có sử dụng chất kích thích...”.

Ông Nguyễn Văn Hải, chủ lò mổ trên địa bàn TP Thanh Hóa cho biết: Cơ sở giết mổ lợn của ông mỗi ngày cung cấp ra thị trường gần 2 tấn thịt. “Song thú thực, làm nghề có thâm niên nhưng bằng mắt thường, tôi cũng không thể phân biệt được đâu là lợn được nuôi kích bằng chất tạo nạc. Chỉ biết rằng, thịt lợn ngày càng nạc hơn nhưng khô, kém thơm ngon hơn trước”- ông Hải nhận định.

Chưa có lời giải

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 900 nghìn con lợn được chăn nuôi tại 682 trang trại và gia trại. Đây là nguồn thịt chủ yếu cung cấp hàng ngày cho nhu cầu của người dân tại địa phương. Tuy nhiên, để kiểm soát được quy trình cũng như vấn nạn các hộ dân đưa chất cấm trong chăn nuôi vào sử dụng lại là việc gần như không thể đối với các cơ quan chức năng.

Tương tự, đối với vấn đề an toàn trên các mặt hàng rau, củ, quả thì các cơ quan chức năng cũng không thể kiểm soát. Gặp chúng tôi khi đang phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho gần 2 sào đậu cô-ve, ông Cao Quang (thôn 5, xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa) ngừng tay, cho biết: Ruộng đậu của ông chỉ còn 2 ngày nữa là thu hoạch nhưng vẫn phải phun bảo vệ. Bởi nếu không làm như vậy thì chỉ sau một đêm, quả đậu sẽ bị sâu bệnh phá hoại, bán không được giá.

“Chắc chắn, lượng thuốc còn tồn dư trong rau quả khi đến tay người tiêu dùng vẫn còn. Người dân trồng rau không thể chờ đủ thời gian để thuốc tiêu hết như khuyến cáo!”- ông Quang nói. Bán ra thị trường là vậy, nhưng chính gia đình ông lại không sử dụng rau vừa phun thuốc xong mà phải chờ sau 10 ngày, khi lượng thuốc trên đậu đã tiêu hết.

Vậy đâu là giải pháp cho tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt của người dân? Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa cũng lắc đầu: “Rất khó quản lý! Chi cục thường xuyên tổ chức đoàn đi kiểm tra nhưng chưa lần nào phát hiện hay bắt quả tang người dân sử dụng thuốc cấm trong trồng trọt. Cách duy nhất vẫn là… tuyên truyền để bà con nông dân tự giác!”.

Ông Giang Ánh Hồng - Chánh Thanh tra Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cùng chung quan điểm với lãnh đạo, thoái thác: “Các chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu được sử dụng lén lút. Thêm vào đó là người dân gây khó dễ cho công tác lấy mẫu nên việc kiểm tra và xử lý đều gặp rất nhiều khó khăn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 1: Chất cấm len lỏi vào bữa ăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO