Bài 2: Nan giải mức giá bồi thường

Thanh Hải - L.H. 14/08/2015 09:35

Tình trạng người dân khiếu kiện, khiếu nại, không chấp hành giao đất khi có quyết định thu hồi đất, phần lớn do những bất đồng về giá bồi thường.

Bài 2: Nan giải mức giá bồi thường

Ảnh minh họa.

* Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai Luật Đất đai

Lúng túng vì văn bản hướng dẫn

Phản ánh từ nhiều địa phương cho thấy, sự không thống nhất về văn bản hướng dẫn đã khiến các địa phương rơi vào cảnh lúng túng. Điển hình như tại Khoản 5, Điều 34, Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định đối với đất sử dụng trước ngày 1/7/2014 có nguồn gốc do được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất một lần và cho cả thời gian thuê thì người có đất thu hồi được bồi thường chi phí đầu tư và đất còn lại theo Nghị định 197/2004/NĐ- CP.

Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 35 của Nghị định 47/2014/NĐ-CP lại quy định Nghị định này thay thế Nghị định 197/2004/NĐ-CP. Điều này gây lúng túng cho cán bộ thực thi vì không biết căn cứ vào văn bản nào để xử lý khi có vấn đề phát sinh do căn cứ thực hiện là Nghị định 197 đã bị Nghị định 47 thay thế.

“Xã Nham Sơn huyện Yên Dũng, Bắc Giang có diện tích đất nằm trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Nham Sơn. Gia đình tôi và một số gia đình khác bị thu hồi đất giao cho doanh nghiệp, trong đó có Công ty Thạch Bàn. Nay công ty mở rộng ra ngoài khu công nghiệp, có thỏa thuận với dân về bồi thường đất. Nhưng công ty chỉ bồi thường đất có GCNQSDĐ nhà và tài sản gắn liền với đất. Riêng đất liền kề vườn ao chưa có quy định bồi thường khoản đất liền kề nên rất khó để xác định bồi thường” - ông Hoàng Văn Nghĩa phản ánh.

Bản thân ông cũng tìm hiểu các văn bản hướng dẫn bồi thường nhưng không thấy có điều nào trong nghị định hay văn bản khác hướng dẫn. Vì vậy Công ty Thạch Bàn chưa thể bồi thường cho ông và cho dân, dân chưa thể đồng ý cho doanh nghiệp thu hồi đất để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Theo ông Phan Khắc Chưởng, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Nam, Điều 22 Hiến pháp năm 2013 quy định “công dân có quyền có nơi ở hợp pháp”. Tuy nhiên, một số lượng lớn người dân có nhu cầu xây dựng nhà ở, nhưng không có tiền chuyển mục đích sử dụng, dẫn đến sử dụng đất sai mục đích.

Đó là hiện tượng phổ biến trong một thời gian dài ở nhiều tỉnh thành trên cả nước mà chưa có giải pháp căn cơ. Điều đáng nói là những bất cập này trở nên gay gắt hơn khi đất sử dụng sai mục đích bị thu hồi bởi vì theo quy định của Nhà nước đất phải bồi thường theo giá đất nông nghiệp trong khi người dân cho rằng thực tế đó là đất ở.

Cùng thửa đất, hai mức giá đền bù

Bên cạnh đó thủ tục phê duyệt chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh có cùng mục đích sử dụng gây khó khăn cho các địa phương. Điển hình như theo Khoản 2 Điều 13 Nghị định 43/2014 NĐ- CP cho phép đất giáp ranh của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chênh lệch về mức giá không quá 30%. Với những trường hợp giá đất chênh lệch hơn 30% thì UBND các tỉnh giáp ranh phải chủ động thống nhất. Nếu không thống nhất được thì phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 9 của năm xây dựng bảng giá đất để giải quyết.

Tuy nhiên, trên thực tế các tỉnh có hạ tầng khác nhau sẽ có giá đất chênh lệch lớn, không dễ thống nhất. Mặt khác, các dự án kinh tế khi đầu tư cần có thời điểm thích hợp. Khi có dự án mới phát sinh vấn đề người dân bị thu hồi đất so sánh giá đất trước và sau dự án. Việc ấn định thời điểm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 9 của năm xây dựng bảng giá đất để giải quyết làm giảm tính thời điểm, gây khó khăn cho cả địa phương và doanh nghiệp.

Tại Huyện Cờ Đỏ giáp ranh với Quận Ô Môn và Quận Thốt Nốt, (Cần Thơ) trên cùng một trục đường, nhưng giá đền bù lại khác nhau. Nhiều trường hợp, hai nhà cạnh nhau hoặc chỉ cách nhau vài chục mét cùng trên một con đường, nhưng nhà thuộc Huyện Cờ Đỏ chịu mức giá đền bù chỉ bằng một nửa so với mức giá của nhà nằm trên địa bàn Quận Ô Môn và Quận Thốt Nốt, tình trạng này khiến người dân rất bức xúc.

“Theo quy định, những hộ dân bị thu hồi đất, nếu không có đất ở hoặc nhà ở nào khác, thì sẽ được hỗ trợ tái định cư, hoặc bồi thường bằng đất ở chỗ khác. Nhưng thực hiện điều này rất khó khăn vì thiếu quỹ đất” khiến người dân càng bức xúc thêm. Trong thời gian tới, thành phố Cần Thơ nên áp dụng cùng một giá đất đền bù theo trục đường chứ không theo địa giới trên đất hai Quận giáp ranh để tránh thiệt thòi cho người dân” .

Với mức giá đền bù 420.000 đồng/m2 thì đa phần người dân ở phường An Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam cho rằng, không có giá nào thấp hơn giá đó và không có gì rẻ hơn đất của họ. Gia đình ông Nguyễn Tấn Phúc, bị thu hồi 750 m2 đất được đền bù 200 m2 đất tại nơi tái định cư (tái định cư tại chỗ) cho biết: Điều ông thấy thiệt thòi nhất là, trên diện tích đất cũ có 3 căn nhà riêng, khi làm nhà đều có đầy đủ các giấy tờ theo quy định pháp luật, song khi thu hồi lại không được đền bù một cách hợp lý. Hơn nữa, khi thông báo đền bù thì Nhà nước trả 200 triệu đồng, nhưng để có đất ở nơi tái định cư thì gia đình ông phải trả 300 triệu đồng.

Theo ông Phan Khắc Chưởng, chính quy định các tỉnh khác nhau có khu giá đất khác nhau với biên độ tối đa 30%, làm cho tình hình khiếu kiện kéo dài giữa người dân và chủ đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 2: Nan giải mức giá bồi thường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO