Bài 2: Sợ khó thì chỉ còn con đường 'đầu độc lẫn nhau'

Dạ Yến - Trần Ngọc Kha     (Còn nữa) 23/02/2016 08:35

Một trong những nhiệm vụ tiên quyết của MTTQ Việt Nam trong năm 2016 là giám sát an toàn thực phẩm. Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, vướng nhất cho nhiệm vụ này là tâm lý sợ không làm được. Nếu sợ khó mà không làm thì chỉ còn con đường “đầu độc lẫn nhau”. Vì tương lai đất nước, chúng ta phải quyết tâm làm, phải có một cuộc cách mạng về nhận thức. 

Bài 2: Sợ khó thì chỉ còn con đường 'đầu độc lẫn nhau'

Lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại Bình Liêu, Quảng Ninh.

Thực phẩm an toàn góp phần nâng tuổi thọ

Theo TS Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng và cấp thiết trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, trong những năm qua, Việt Nam đã hình thành được hệ thống văn bản luật và pháp quy tương đối đầy đủ, hệ thống quản lý được phân cấp, phân công rõ ràng, hạn chế tối đa sự chồng chéo chức năng, quyền hạn quản lý đảm bảo công tác an toàn thực phẩm.

Ông Phong dẫn chứng, thực phẩm của Việt Nam hiện đã đủ điều kiện xuất khẩu được sang nhiều nước, nhiều loại đứng vào tốp đầu như gạo, chè, thuỷ sản... Nhiều vùng thực phẩm an toàn đã được xây dựng và mở rộng, đạt tiêu chuẩn GAP, được chứng nhận HACCP (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm). Lương thực, thực phẩm chúng ta sản xuất ngoài đủ nuôi sống 90 triệu người dân Việt Nam còn có thể đảm bảo nuôi sống thêm trên 100 triệu người nữa trên thế giới.

Cùng với đó, hàng năm, khách du lịch vào Việt Nam vẫn tiêu dùng thực phẩm Việt Nam. Một số món ăn Việt Nam được các tổ chức quốc tế bình chọn là món ăn ngon nhất thế giới như bánh mì, phở...

“Với sự tiến bộ của nền y học nước nhà, thực phẩm còn góp phần không nhỏ vào việc nâng tuổi thọ trung bình người Việt Nam lên một bước đáng kể, trên 74 tuổi” - TS Nguyễn Thanh Phong khẳng định.

Tuy nhận thức về an toàn thực phẩm được nâng lên, công tác an toàn thực phẩm đã góp phần quan trọng vào đời sống nhưng cùng với đó, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn tiếp tục gia tăng và trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Có thể giải quyết tình trạng mất VSATTP được không? Giải pháp nào sẽ đem lại hiệu quả? Nói như Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thì đó chính là “món nợ” của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng là “món nợ” của Mặt trận với nhân dân. Vì vậy, để giải quyết “cái nợ” với dân, việc giám sát an toàn thực phẩm đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn.

Thách thức

Nhìn nhận từ góc độ nhà quản lý, TS Nguyễn Thanh Phong cho rằng, trước hết, phải kể đến một thực trạng là sản xuất, chế biến thực phẩm ở Việt Nam chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún.

“Chúng ta có hơn 10 triệu hộ nông dân thì hầu hết số này đều tham gia trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Chúng ta có gần 500 nghìn cơ sở chế biến thực phẩm thì 85% trong số này có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình. Do thiếu lực lượng thanh tra, kiểm tra và giám sát, do lợi nhuận hoặc thiếu kiến thức, hoặc đôi khi còn có sự buông lỏng trong quản lý nên tình trạng sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật ngoài danh mục, vượt ngưỡng cho phép, sai quy trình cũng như việc sử dụng chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, kháng sinh và chất kích thích tăng trưởng không đúng quy định còn diễn biến phức tạp” - ông Phong khẳng định.

Cũng theo ông Phong, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhanh chóng trong thời gian qua với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên trên 61/63 tỉnh, thành phố, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng tác động tiêu cực đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hơn nữa, quá trình hội nhập quốc tế và trong cơ chế thị trường, những vấn đề về đạo đức kinh doanh, sự xâm nhập của các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như thực phẩm giả, độc hại... trên thế giới đang từng bước diễn ra, hoành hành.

Trong bối cảnh đó, TS Nguyễn Thanh Phong cho rằng, hệ thống tổ chức quản lý về an toàn thực phẩm tuy đã hình thành nhưng chưa có tại xã, phường nên chưa thực sát sườn với người sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Bên cạnh đó, không ngoại trừ còn có cả sự bao che, nể nang, dung túng của một số cán bộ khi thực thi nhiệm vụ. Một trong những lý do của thực trạng này là hiện nay, mức đầu tư của Nhà nước cho công tác này còn rất thấp. Trong khi đó, do đời sống một bộ phận trong nhân dân còn khó khăn nên họ không có điều kiện để tiếp cận với thực phẩm an toàn.

“Đôi khi biết thực phẩm không bảo đảm an toàn nhưng họ vẫn mặc nhiên chấp nhận sự mất an toàn này. Điều đó tăng thêm nguy cơ mất an toàn thực phẩm”- ông Nguyễn Thanh Phong nói.

Vướng nhất là tâm lý sợ không làm được

Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã đề nghị Mặt trận tham gia vào quá trình giám sát an toàn thực phẩm và đó cũng là một bước để Mặt trận, với trách nhiệm của mình cùng với các cơ quan quản lý nhà nước có câu trả lời với nhân dân trước “món nợ” vi phạm an toàn thực phẩm.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, việc giám sát an toàn thực phẩm sẽ được xem như một tiêu chí trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. “Tức là gia đình nông thôn mà không đảm bảo an toàn thực phẩm thì không phải gia đình văn hóa”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.

Tuy nhiên, điều lo lắng của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân là khi áp tiêu chí này vào cuộc vận động chắc chắn tỉ lệ gia đình văn hóa sẽ “giảm dữ dội” nhưng như thế vẫn chưa bằng những khó khăn cụ thể không dễ vượt qua.

“Cần có một cuộc vận động quyết liệt về nhận thức người Việt Nam đừng đầu độc người Việt Nam. Bởi việc này trái với đạo lý con người Việt Nam. Chúng ta vẫn thường nói “thương người như thể thương thân” nhưng có phải ai cũng thương đâu. Thương nhưng lại làm luống rau ăn riêng, nuôi gà, lợn ăn riêng trong khi lại bán cho người khác sản phẩm không an toàn. Vì vậy, cần phải làm cuộc cách mạng nhận thức chứ không ai đi giám sát được mười mấy triệu người”- theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân.

Để thực hiện được điều này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, có hai việc cần làm.

Thứ nhất trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đối với người sản xuất thực phẩm, Mặt trận cần vận động nhân dân đăng ký cam kết sản xuất an toàn thực phẩm. Nếu không đăng ký thì không công nhận gia đình văn hóa.

Thứ hai, trong quá trình giám sát, Mặt trận sẽ giao cho các tổ chức thành viên đảm nhận việc vận động và giám sát các hộ. Đây chính là bài học từ chương trình giám sát Tổng rà soát chính sách cho người có công giai đoạn 2014- 2015 và đã tổng kết thành công, được dư luận nhân dân đánh giá cao.

“Bước đầu là như vậy nhưng vướng nhất hiện nay là tâm lý sợ không làm được. Chúng tôi đã trao đổi một số tổ chức đoàn thể ở tỉnh, một số hội có người bảo thích, có người bảo không làm được. Nếu sợ không làm được thì chỉ còn con đường là tiếp tục đầu độc lẫn nhau. Hội nhập quốc tế mà không dám tuyên bố tôi sản xuất sạch thì làm sao người ta mua hàng. Cho nên trong nước đừng đầu độc nhau còn khi xuất khẩu phải là sản xuất an toàn”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Như vậy, cần lắm một cuộc vận động toàn xã hội để nâng cao nhận thức không được làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, nòi giống người Việt. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, tinh thần Trung ương làm, địa phương có mô hình điểm, kết hợp lại chắc chắn sẽ thành cuộc vận động tốt.

Bài 2: Sợ khó thì chỉ còn con đường 'đầu độc lẫn nhau' - 1

Có ý kiến cho rằng, hiện chúng ta chưa có đủ các chế tài răn đe, xử lý các vi phạm về ATTP. Tôi cho rằng nhận định này chưa đúng. Hiện nay, chúng ta quy định mức phạt các vi phạm này có thể lên đến 200 triệu đồng hoặc gấp 7 lần giá trị hàng hoá vi phạm. Trường hợp vi phạm có dấu hiệu tăng nặng có thể được chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý về mặt hình sự. Tuy nhiên, trong thực tế, số vụ được xử lý tối đa khung hình phạt cũng như chuyển cơ quan điều tra còn rất ít. Từ thực trạng nói trên, chúng tôi kiến nghị: Thứ nhất là, các cơ quan được giao chức năng xử lý vi phạm về ATTP phải làm hết trách nhiệm và xử lý nghiêm minh, công khai kết quả xử lý này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thứ hai là, cần nhanh chóng hoàn thiện, bổ sung hệ thống tổ chức mạng lưới quản lý ATTP, đặc biệt là địa bàn xã, phường. Trong năm 2015, Chính phủ đã cho phép thí điểm thành lập thanh tra chuyên ngành về ATTP tại một số quận, huyện, xã phường tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. Từ việc này, cần nhanh chóng tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.

(TSNguyễn Thanh Phong -
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 2: Sợ khó thì chỉ còn con đường 'đầu độc lẫn nhau'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO