Bãi bồi trôi theo dòng nước

Anh Tuấn-Đình Minh 24/09/2022 10:00

Từ một bãi bồi trù phú, chỉ trong gần 10 năm, “hà bá” đã nuốt trọn hơn 10 ha đất nông nghiệp ven sông Mã của người dân xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Người dân đã cố tìm mọi cách để cứu vãn như ném đá xua đuổi tàu hút cát, đóng cọc tre, đổ đất đá gia cố bờ sông nhưng đều không hiệu quả. Cầu cứu chính quyền địa phương, cũng chẳng có một giải pháp nào đủ tốt được đưa ra, và cứ ngày ngày, họ phải chứng kiến từng mét đất nhà mình bị sạt lở…

Người dân thôn Nghĩa Kỳ mong muốn chính quyền sớm có giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bãi bồi.

Hoa màu trước miệng “hà bá”

Xã Vĩnh Hòa có 63ha đất bãi bồi ven sông. Số diện tích đất màu này được giao khoán lại cho người dân tại 2 thôn: Giang Đông và Nghĩa Kỳ canh tác. Theo người dân địa phương, từ khi mỏ cát số 18 thuộc xã Vĩnh Hòa đi vào hoạt động khoảng 8 năm nay, bờ bãi của người dân bắt đầu bị sạt lở. Cụ thể, chỉ tính riêng từ năm 2019 trở lại đây, bãi bồi đã bị mất khoảng 30m hướng vào đất liền và kéo dài hơn 2km, ước tính gần 10ha đất đã bị trôi xuống lòng sông. Từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn, mặc dù chính quyền địa phương đã cố gắng đưa ra nhiều biện pháp khắc phục.

Có mặt tại bờ sông Mã, chúng tôi được anh Lê Văn Đại (40 tuổi, trú thôn Nghĩa Kỳ) cho biết: Khoảng năm 2014, gia đình đấu thầu được gần 2ha đất bãi bồi ở khu vực bờ sông. Từ thời điểm đấy, gia đình bắt đầu trồng ngô, lạc… nuôi trâu, bò cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, kể từ khi mỏ cát số 18 xuất hiện, anh thường xuyên phải đối diện với tình trạng tàu hút cát tiến sát vào bờ sông, móc ruột bãi bồi nhà mình. “Từ 2ha đất ban đầu, đến nay, sau 8 năm, phần đất này chỉ còn lại hơn 1ha, lại đang tiếp tục sạt lở. Bây giờ, gia đình không dám trồng quá nhiều hoa màu trên phần đất trên nữa, vì cứ mỗi khi mưa, lũ, bãi bồi lại bị sạt lở, cuốn theo hết cây cỏ của bà con. Nếu không có biện pháp gì để giải quyết, chỉ 10 năm nữa thôi, nước sông sẽ ăn hết bờ bãi, vào tới tận làng” - anh Đại lo âu.

Cùng chung tình cảnh, bà Trịnh Thị Sơn (69 tuổi, trú thôn Nghĩa Kỳ) cho biết: Năm 2014, gia đình bà có gần 1 mẫu đất (khoảng 3.600m2) để trồng hoa màu và cỏ voi. Đến nay, số đất trên chỉ còn lại khoảng 3 sào (hơn 1.000m2), lại đang tiếp tục sạt lở, ăn sâu vào diện tích trồng ngô khiến bà rất lo lắng. Theo quan sát, từ tả ngạn sông Mã, cả một triền sông kéo dài nhiều ki lô mét đang bị sạt lở nghiêm trọng phía dưới bờ sông đã tạo thành những taluy dựng đứng, có nhiều đoạn tạo thành hàm ếch sâu hoắm, cắm sâu vào bờ. Từng khối đất bồi pha cát màu vàng đổ ụp xuống lòng sông rồi biến mất dưới những con sóng, mang theo từng mảng màu xanh của lạc, ngô, vừng… đang vào kỳ đơm hoa, kết trái.

“Cát tặc” là nguyên nhân chính?

Theo người dân địa phương, nguyên nhân chính khiến bờ bãi bị sạt lở vẫn là do tình trạng nạo hút cát rầm rộ trên đoạn sông Mã chảy qua xã. Để đối phó với nạn cát tặc, chính quyền cũng như người dân trong xã đã nhiều lần có ý kiến, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, cùng với sự buông lỏng quản lý, nạn khai thác cát vô tội vạ không những không thuyên giảm mà còn tăng lên. Hết cách, người dân tại 2 thôn Giang Đông và Nghĩa Kỳ đành phải kêu gọi nhau ra bờ sông gác cả ngày lẫn đêm. Mỗi khi có thuyền vào hút cát xâm phạm thì nồi, niêu, mâm, bát, xô, chậu… được bà con huy động ra để gõ, xua đuổi cát tặc. Thậm chí, có người còn dùng cả súng cao su ra bắn vào thuyền cát để xua đuổi.

Ông Nguyễn Văn Truy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa cho biết: Tình trạng sạt lở đất bãi bồi tại xã đã diễn ra từ khoảng gần chục năm nay, nguyên nhân là do mưa lũ và ảnh hưởng từ việc hoạt động của các tàu cát. “Để đảm bảo an toàn cho người dân, chúng tôi đã cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm, đồng thời thường xuyên điều động lực lượng Công an, dân quân tự vệ kiểm tra thường xuyên các đoạn tuyến có nguy cơ sạt lở cao” - ông Truy thông tin.

Đối với viêc giám sát, truy bắt các tàu cát hoạt động trái phép, ông Truy nói là rất khó, vì xã không có kinh phí để đầu tư ca nô hay nguồn tiền để duy trì lực lượng chuyên trách 24/24 tại các điểm “nóng” về khai thác cát.

Về lâu dài, theo ông Truy, chỉ có đầu tư kè thì mới xử lý dứt điểm được tình trạng sạt lở tại bờ sông. “Tôi được biết, trước kia, Vĩnh Hòa từng xin kè gần 2km dọc bờ sông nhưng cuối cùng chỉ xin được 400m, đoạn giáp với xã Vĩnh Hùng. Thực tế thì chiều dài bờ sông bị sạt lở ở đây lớn, cần đầu tư đồng bộ hệ thống kè mới đảm bảo được. Thẩm quyền xã thì có hạn, chỉ biết xử lý các vấn đề trước mắt chứ về lâu dài, phải chờ kinh phí thôi”- ông Truy phân trần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bãi bồi trôi theo dòng nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO