Bài học cán bộ từ cuộc Tổng tuyển cử 75 năm trước

Hà Trọng Nghĩa 05/01/2021 07:00

Bài học vô giá về công tác chọn người (hay có thể nói là công tác cán bộ) của cuộc Tổng tuyển cử cách đây 75 năm tới nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (ngày 3/1). Ảnh VGP.

Ngày 3/1, phát biểu tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2021) và tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã và đang để lại bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là Tổng tuyển cử để xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Thứ hai, tin tưởng phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân trong công tác kiến quốc, lôi cuốn nhân dân tham gia công việc của Nhà nước, kể cả người ứng cử lẫn người đi bầu. Thứ ba, bảo đảm quyền tự do bầu cử với những quy định linh động, sáng tạo. Thứ tư, bảo đảm vận động bầu cử dân chủ và thực chất để tìm người có đức, có tài, gánh vác việc nước.

Khi mà Đại hội XIII của Đảng đã đến gần, xin được bày tỏ tâm đắc với ý kiến của Thủ tướng, trong đó đặc biệt là việc dân chủ và thực chất tìm người có đức, có tài, gánh vác việc nước.

Lâu nay, công tác cán bộ luôn được Đảng ta coi trọng. Đó cũng là tâm huyết, sự đau đáu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong thời chiến cũng như thời bình, lúc nào Đảng ta, Bác Hồ cũng chăm lo công tác cán bộ. Với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, vào ngày này cách đây 75 năm (ngày 6/1/1946), trong bối cảnh vô vàn khó khăn của đất nước với thù trong giặc ngoài và cả dân tộc chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới (ngày 23/12/1946, toàn quốc kháng chiến) thì công tác cán bộ cũng đã được đặt ra và nhấn mạnh. Lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.

Cũng chính vì tư tưởng vĩ đại đó nên chỉ trong một thời gian rất ngắn chưa đầy 5 tháng, kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công (ngày 19/8/1945) cho đến ngày toàn dân đi bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử (6/1/1946), đất nước đã có Quốc hội, điều mà trước đó chưa từng có. Trong cuộc bầu cử vĩ đại đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải lựa chọn được người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Đây là luận điểm rất quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là cán bộ là công bộc của dân, xác định xả thân vì dân vì nước chứ không phải là người “ăn trên ngồi trốc”. Cũng chính từ đó nước nhà đã chọn được rất nhiều người tài, người tốt, trong đó có nhiều kiều bào từ bỏ vinh hoa phú quý nơi xứ người để về nước đồng cam cộng khổ tham gia kháng chiến, kiến quốc.

Những năm tháng đầu tiên của chính quyền cách mạng và những năm tháng gian nan tiến hành những cuộc chiến tranh gian khổ dài lâu giữ gìn nền độc lập dân tộc, đấu tranh thống nhất nước nhà… trong đội ngũ đảng viên, cán bộ có biết bao người đã xả thân vì nước. Họ luôn đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết. Giữa sự sống và cái chết, họ luôn tiên phong gương mẫu, lao vào nơi hiểm nguy, khó khăn. Đất nước từng trải qua những tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng bằng sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc đoàn kết một lòng, dưới sự lãnh đạo của Đảng chúng ta đã chiến thắng. Trong vinh quang đó có phần đóng góp rất quan trọng của các thế hệ cán bộ “công bộc của dân”.

Bài học vô giá về công tác chọn người (hay có thể nói là công tác cán bộ) của cuộc Tổng tuyển cử cách đây 75 năm tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta tự hào về vị thế của đất nước nhưng cũng không thể không day dứt, căm phẫn trước việc một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao đã suy thoái, biến chất, làm hại dân hại nước. Nhiều người đã bị kỷ luật, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Trong số đó, có thể có người có tài nhưng không có đức, họ đã không “gánh vác công việc nước nhà” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trái lại còn đục khoét, chiếm đoạt tài sản của dân của nước.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến cách làm công tác cán bộ rất bài bản, chặt chẽ, dân chủ, nghiêm minh của Đảng qua Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, và đặc biệt là trong cuộc chiến chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ. Điều đó đã đem lại niềm tin cho xã hội, và cũng là niềm hy vọng lớn lao Đảng ta sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ tốt, vừa có tâm, vừa có tài và có tầm để gánh vác đại sự quốc gia.

Từ bài học về công tác “chọn người” của cuộc Tổng tuyển cử 75 năm trước; từ sự chặt chẽ, quyết liệt của Đảng về công tác nhân sự thời gian qua, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào đội ngũ “công bộc của dân” tại Đại hội XIII, những người sẽ hành động vì mục tiêu cao cả là gánh vác việc dân việc nước khi nước nhà bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học cán bộ từ cuộc Tổng tuyển cử 75 năm trước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO