Bài học công tác cán bộ

Kiên Long 08/07/2021 10:00

Hội nghị Trung ương 3, khóa XIII đang diễn ra. Ngay vào đầu kỳ họp, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, kết luận và ra biểu quyết thi hành kỷ luật với nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam. Sự việc không làm người ta ngạc nhiên, nhưng cũng đã khiến dư luận không khỏi trăn trở, đau lòng. Vì đâu những người từng trong cương vị đứng đầu một bộ, một địa phương lại thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý như vậy?

Ông Vũ Huy Hoàng (trái) và ông Trần Văn Nam. Ảnh: VGP.

Với những sai phạm, vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, cựu Bộ trưởng Nguyễn Huy Hoàng đã bị Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Trước đó, ông Hoàng đã bị kỷ luật cách chức nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương từ năm 2016. Cuối tháng 4/2021 vừa qua, ông Hoàng đã bị TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt 11 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Âu cũng là luật nhân quả cho quá trình sa ngã của một quan tham.

Điều mà dư luận đặc biệt quan tâm là trường hợp Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam - Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm đầu tiên bị kỷ luật kể từ sau Đại hội XIII. Ông Nam đã bị Trung ương Đảng kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2010-2015; 2015-2020; 2020-2025.

Sai phạm, vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng cũng như nhiều quan chức khác như Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… cũng đều bắt nguồn từ việc xuống cấp đạo đức, tha hóa quyền lực, vì đồng tiền. Chuyện cư dân ở phố Triệu Việt Vương (Hà Nội) đến nay có người còn nhớ khoảng 20 năm trước, nhà riêng của ông Thứ trưởng Vũ Huy Hoàng khi ấy lấn chiếm đất công, xây nhà trái phép.

Tầng một được xây, chính quyền phạt, đình chỉ, nhưng rồi tầng hai lại mọc lên, lại phạt, lại đình chỉ; nhưng tầng nữa lại mọc lên... Cứ như vậy cho đến khi ngôi nhà hoàn thành. Có lẽ sự nghiệp của ông Hoàng cũng vậy. Cứ vi phạm, cứ thăng tiến, rồi vi phạm... cho đến khi “ngã ngựa”.

Vi phạm, sai phạm của ông Trần Văn Nam cũng tương tự sai phạm của một loạt các cán bộ đứng đầu nhiều tỉnh, thành. Cũng vẫn lại vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Đảng và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước.

Đa số sai phạm đều liên quan đến đất đai, tài sản của nước, của dân. Ông Nam chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020. Cá nhân ông Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng công ty 3/2; buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; chỉ đạo hợp thức hóa tài liệu để che giấu vi phạm; gây thất thoát lớn tài sản, ngân sách của Đảng, Nhà nước…

Với việc hàng loạt các cán bộ cao cấp, lãnh đạo chủ chốt các bộ, ngành, địa phương phải chịu kỷ luật, chịu hình phạt như ông Vũ Huy Hoàng, ông Trần Văn Nam... cho thấy có một thời kỳ công tác quản lý, công tác cán bộ đã có nhiều lơi lỏng…

Nhiều vấn đề trong các khâu cần phải được nhìn nhận, rà soát, chỉnh đốn. Đặc biệt như trường hợp ông Trần Văn Nam, người vừa lọt qua hàng loạt các khâu giới thiệu, rà soát, tuyển chọn để rồi nghiễm nhiên ngồi trong cái vị trí của một Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy... Điều này cho thấy một số quan tham đã bằng các thủ đoạn tinh vi để leo cao, luồn sâu. Đồng thời cho thấy còn có những kẽ hở trong công tác cán bộ, giới thiệu, chọn lọc, bầu cử...

Với quyết tâm làm trong sạch đội ngũ, phòng chống tham nhũng, tấm lưới pháp luật của Nhà nước, của Đảng, mọi vi phạm của kẻ tham, quan tham đều sẽ bị xử lý, dù cho giấu kín đến đâu, như cái kim bọc trong giẻ lâu ngày rồi cũng phải lòi ra. Và cũng từ đây, bài học về công tác cán bộ càng đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt nhấn mạnh, một trong những vấn đề quan trọng là công tác cán bộ. Tại Hội nghị Trung ương lần này, việc giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021- 2026 là một công việc rất hệ trọng, liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới.

Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, mọi cán bộ công quyền từ Trung ương đến địa phương được ủy quyền từ dân để thực hiện nhiệm vụ nhân dân giao phó. Tuy nhiên vẫn có cá nhân quên đi sự ủy quyền của dân, lời nói đã không đi đôi với việc làm, lời hứa ban đầu, cũng chỉ vì lòng tham. Đây đã là cội nguồn, nguyên nhân của sự xuống cấp, sa ngã, vi phạm pháp luật...

Phải thực sự “Vì Nước, vì Dân”; “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”... như Bác Hồ đã răn dạy mà mọi công bộc phải nằm lòng. Cũng cần nhớ rằng chuyện lớn, chuyện nhỏ của cán bộ người dân đều rõ. Khi một địa phương có vấn đề, chắc chắn cán bộ địa phương ấy có vấn đề. Cán bộ quan liêu, xa dân, tiêu cực, không vì dân, cán bộ ấy chắc chắn sẽ bị đào thải.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học công tác cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO