Bài học từ cú sốc SVB

Mai Phương 16/03/2023 07:01

Không lâu sau khi các công ty công nghệ khởi nghiệp ở California (Mỹ) bắt đầu gặp khó khăn khi rút tiền ra khỏi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), doanh nhân trên thế giới cũng đã bắt đầu “thức giấc”.

Các công ty khởi nghiệp công nghệ nhanh chóng rút ra bài học sau cú sốc SVB. Ảnh: Reuters.

Tỉnh giấc

“Khoảng 90% tiền mặt của chúng tôi đang ở SVB” - anh Sam Franklin, 28 tuổi, Giám đốc Điều hành công ty tuyển dụng Otta chuyên về nhân tài công nghệ, có trụ sở tại London - cho biết. Anh ấy đã phải từ bỏ thời gian nghỉ ngơi cuối tuần của mình để tìm cách trả lương cho nhân viên vào cuối tháng.

Trong khi đó, tại Hồng Kông (Trung Quốc), anh Florian Simmendinger cho biết: "Nó (SVB) giống như nhà của tôi. Nhưng giờ chúng tôi không thể đăng nhập vào tài khoản của mình trong giờ hành chính” – anh Simmendinger nói.

Khi những tác động toàn cầu từ sự sụp đổ của SVB bắt đầu xuất hiện, có một điều rõ ràng là các công ty khởi nghiệp công nghệ dù cách xa nhau đến đâu cũng đều có sự liên kết với nhau. Nhiều công ty cùng phụ thuộc vào một ngân hàng cỡ trung duy nhất đáp ứng cho sự hoạt động của bộ máy.

Theo sự dẫn dắt của các đồng nghiệp ở California, các công ty khởi nghiệp ở châu Âu và châu Á đã bị thu hút bởi ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ vào năm ngoái, cái tên đã nổi lên trong giới công nghệ và cung cấp cho họ các dịch vụ tài chính chuyên biệt.

Anh Quincy Lee - người sáng lập công ty khởi nghiệp sạc xe điện Electra Era - đã cố gắng rút hàng triệu USD từ SVB vào chiều ngày 9/3 khi các dấu hiệu cảnh báo tăng lên. Tuy nhiên, trang web đã ngừng hoạt động, một nhân viên dịch vụ khách hàng giải thích rằng có thể có sự chậm trễ vì quá nhiều người đang cố gắng rút tiền. Đến chiều ngày 13/3, anh đã rút được tiền thành công và đang tìm kiếm một ngân hàng thay thế.

Khi thảo luận về tương lai của SVB, các nhà quản lý Mỹ đã tiết lộ một kế hoạch tài trợ khẩn cấp cho phép khách hàng của SVB tiếp cận với tất cả các khoản tiền gửi của họ. Tại Vương quốc Anh, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cho biết, chính phủ và Ngân hàng Trung ương đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán riêng chi nhánh của SVB tại nước này cho HSBC, như một động thái nhằm bảo vệ tiền gửi mà không cần sự hỗ trợ của người nộp thuế.

Các quan chức Liên minh châu Âu cũng đảm bảo với người tiêu dùng rằng, ngân hàng có "sự hiện diện rất hạn chế" trong khối. Còn ông Christoph Stresing - Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Khởi nghiệp Đức bày tỏ sự lạc quan thận trọng khi cho rằng, các công ty trong nước vẫn sẽ khởi sắc nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, chỉ số chứng khoán châu Âu đã giảm do lo ngại về tác động của ngành ngân hàng và ngay cả những công ty khởi nghiệp không liên kết với SVB cũng đang bị ảnh hưởng. Bà Rachael Crook, người sáng lập và Giám đốc Điều hành của công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe Lifted có trụ sở tại London - cho biết: “Thật khó để diễn tả SVB có mối liên hệ chặt chẽ với hệ sinh thái khởi nghiệp như thế nào”.

Bài học nhớ đời

Ông Stefan Kalb - Giám đốc Điều hành của công ty khởi nghiệp Shelf Engine ở Seattle – cho rằng, SVB là từng là tiêu chuẩn vàng và sẽ có vẻ kỳ lạ nếu làm trong ngành công nghệ mà không có tài khoản ở ngân hàng này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã buộc mọi công ty phải đánh giá lại các thỏa thuận ngân hàng và các công ty mà họ hợp tác.

Các doanh nhân từng gửi tất cả tiền đã thu xếp được để khởi nghiệp của họ vào SVB hiện đang nhận ra rằng, việc phân bổ tiền cho một số tổ chức sẽ là khôn ngoan hơn, trong đó các ngân hàng lớn được coi là bến đỗ an toàn hơn. Sau chuyến “tàu lượn siêu tốc” vào cuối tuần trước, Giám đốc Điều hành Otta Franklin cho biết, công ty của ông sẽ tiếp tục giao dịch với chi nhánh SVB tại Vương quốc Anh và đồng thời cũng mở thêm tài khoản tại nhiều ngân hàng khác. “Nếu bạn có nhiều tiền mặt, bạn nên phân bổ nó ra khắp nơi" – ông Otta Franklin nói.

Ông Kalb từ Shelf Engine cũng đã bắt đầu sửa sai bằng cách mở một tài khoản tại ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - JP Morgan Chase, và gửi vào đó khoảng 2,4 tỷ USD. Con số này gấp 13 lần số tiền mà ông từng gửi tại SVB.

Bank of America đang nhận được số tiền mà công ty Electric Era đã gửi tại SVB và Giám đốc điều hành của công ty Quincy Lee hy vọng sẽ không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm các ứng cử viên khác để giữ phần tiền còn lại của công ty như một phần trong kế hoạch đa dạng hóa. “Bất kỳ ngân hàng nào cũng sẵn lòng nhận tiền của một công ty khởi nghiệp” – ông Lee nói.

Đối với ông Lee, ngay cả khi phải hoàn toàn tập trung vào việc phát triển hoạt động kinh doanh của Shelf Engine, ông đã thề sẽ không quên bài học nhớ đời: “Các ngân hàng không tuyệt đối an toàn như tôi từng nghĩ”, ông Lee nói.

Mặc dù khách hàng của SVB đang được trợ giúp, nhưng sự sụp đổ của ngân hàng này sẽ để lại một khoảng trống khó lấp đầy trong lĩnh vực công nghệ bởi đây là thời điểm mà các công ty khởi nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn, với sự suy giảm giá trị cổ phiếu công nghệ và lãi suất tăng đều đặn khiến các nhà đầu tư mạo hiểm phải cắt giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học từ cú sốc SVB

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO