Căng thẳng bất ngờ trở lại với bán đảo Triều Tiên, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã chỉ thị cho binh sỹ sẵn sàng chiến đấu, sau khi Bình Nhưỡng phát đi “tối hậu thư” yêu cầu Seoul ngừng ngay các chương trình phát thanh tuyên truyền gần khu vực biên giới hoặc sẽ đối mặt với hành động quân sự.
Xe quân sự trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng tại một căn cứ quân sự Mỹ
ở Dongducheon, Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. (Nguồn: EPA).
Seoul bắt đầu triển khai chiến dịch tuyên truyền bằng các dàn loa phóng thanh ở biên giới kể từ ngày 10-8, nối lại một chiến thuật mà cả hai bên đã từng ngừng từ năm 2004. Các dàn loa này hoạt động trở lại sau khi xảy ra vụ nổ mìn ở khu vực DMZ, mà Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đã gây ra, khiến 2 binh sỹ của họ bị thương. Kể từ hôm đầu tuần này, CHDCND Triều Tiên, trong động thái đáp trả, cũng triển khai các dàn loa phóng thanh của mình, phục vụ chiến dịch tuyên truyền ở biên giới. |
Hãng tin Yonhap ngày 21/8 đưa tin, một số nguồn do thám của Mỹ và Hàn Quốc cũng phát hiện ra rằng Bình Nhưỡng đang di chuyển một số hệ thống phóng tên lửa tầm trung và tầm ngắn để chuẩn bị cho trường hợp xảy ra đụng độ. Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Baek Seung-joo cho biết có khả năng Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa vào 11 địa điểm khác nhau, nơi đặt các đài phát thanh ở phần lãnh thổ phía họ.
Dù đã từng nhiều lần đe dọa sẽ biến Seoul thành “biển lửa” hay tấn công tên lửa trên đất Mỹ, nhưng lời cảnh báo mới nhất của Triều Tiên đã làm nảy sinh nhiều nỗi lo trong khu vực, đặc biệt khi Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ bằng sức mạnh vượt trội nếu họ bị tấn công.
Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên bắt đầu tăng nhiệt kể từ hôm 20-8 khi Bình Nhưỡng nã pháo về phía lãnh thổ của Hàn Quốc nhằm phản đối việc triển khai các đài phát thanh tuyên truyền đặt ở biên giới giữa hai bên. Phía Hàn Quốc sau đó đã đáp trả bằng một loạt đạn pháo. Cả hai bên đều cho biết không có bất cứ thương vong nào sau vụ đọ pháo.
Trước đó, hồi đầu tháng, Seoul đã lên án mạnh mẽ phía Triều Tiên sau vụ nổ mìn ở khu vực phi quân sự (DMZ) khiến 2 binh sỹ của họ bị thương. Ông Baek từng nói trước Quốc hội rằng sẽ tiếp tục hệ thống loa phát thanh tuyên truyền trừ khi phía Triều Tiên phải nhận trách nhiệm về vụ việc và đưa ra lời xin lỗi về vụ nổ mìn này. Tuy nhiên Bình Nhưỡng đã từ chối.
Sau cuộc đọ pháo hôm 20/8, Bình Nhưỡng đã truyền đi một “tối hậu thư” yêu cầu Hàn Quốc chấm dứt ngay hoạt động tuyên truyền bằng các hoạt động phát thanh vào buổi chiều ngày 22-8 bằng không sẽ đối mặt với chiến dịch quân sự của họ - một động thái đáng lo ngại vì từ trước đến nay Bình Nhưỡng thường án binh bất động sau những lời dọa dẫm. Về phần mình, một quan chức Hàn Quốc cho hay họ sẽ tiếp tục các chương trình phát thanh tuyên truyền.
KCNA hôm 21/8 cũng đưa tin, nhà lãnh đạo của họ đã đặt các binh sỹ “trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu” và tuyên bố tình trạng “cận chiến tranh” ở các khu vực tiền tuyến. Hãng tin này cũng cho biết “các tướng lĩnh quân đội đã nhanh chóng được triển khai để chỉ huy một số chiến dịch tấn công vào các cơ sở chiến tranh tâm lý của Hàn Quốc nếu như Hàn Quốc không ngừng hoạt động các cơ sở này”.
Yonhap dẫn một nguồn tin cho biết một số nguồn tin do thám của Mỹ và Hàn Quốc đã phát hiện Bình Nhưỡng cho di chuyển một số dàn phóng tên lửa tầm ngắn Scud và tầm trung Rodong, có khả năng để chuẩn bị phóng. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã từ chối xác nhận báo cáo này.
Tình hình căng thẳng trở lại trên bán đảo Triều Tiên thực sự là một cú sốc đối với chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, người đã rất nỗ lực để cải thiện mối quan hệ liên Triều. Sự việc bùng phát cũng gây khó cho nền kinh tế Hàn Quốc, khi đồng Won của nước này đã giảm giá ngay trong hôm 21/8 do quan ngại căng thẳng gia tăng, khiến cho thị trường nước này càng dễ vỡ.
Quân đội Mỹ hiện đang có 28.500 nhân sự đóng ở Hàn Quốc, cho hay họ đang theo dõi sát sao tình hình. Washington đã thúc giục Bình Nhưỡng ngừng mọi “hành động khiêu khích” sau khi xảy ra vụ nã pháo, vụ đụng độ đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ hồi tháng 10 năm ngoái.
Vụ đọ pháo hôm thứ Năm vừa qua diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang tổ chức tập trận chung thường niên, cuộc tập trận mà Bình Nhưỡng liên tiếp lên án là hành động “chuẩn bị cho chiến tranh”.