Bàn giải pháp cho nguồn nhân lực du lịch

Hương Thu 26/04/2022 21:55

Du lịch Việt Nam đã chính thức “rã đông” sau 1 tháng chính phủ tuyên bố mở cửa hoàn toàn. Nhưng trái ngược với tình hình khách tăng trưởng tốt của ngành du lịch là sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng của ngành ở thời điểm hiện nay.

Du lịch mở cửa nhưng đang thiếu nhân lực trầm trọng.

Ngày 26/4, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phối hợp tổ chức hội nghị tuyển sinh, đào tạo và cung ứng nhân lực lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn.

Thiếu hụt lao động trầm trọng

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm 78,7%so với năm 2019 do các nước áp dụng chính sách “đóng cửa biên giới”; Du lịch nội địahoạt động cầm chừng do liên tục bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Các doanh nghiệp (DN) du lịch lữ hành điêu đứng, nhiều DN ngừng hoạt động; các khách sạn, nhà hàng phải đóng cửa.

Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp ngành du lịch Việt Nam chịu tác động mạnh của đại dịch. Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch trong năm 2021, lượng khách quốc đến Việt Nam đạt hơn 157 nghìn lượt, giảm 95,9% so với năm trước; lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt; giảm 28% so với năm 2020; tổng thu từ khách du lịch đạt 180 nghìn tỉ đồng, giảm 42% so với năm 2020. Các DN lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng, 90-95% dừng hoạt động; chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự.

Nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng; bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống. Ví dụ điển hình như: hướng dẫn viên chuyển đổi qua kinh doanh bất động sản, kinh doanh trên mạng hoặc phải làm rất nhiều ngành nghề khác trong giai đoạn này để có thể tồn tại v.v...Và điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tuyển sinh và đào tạo của các trường có chuyên ngành du lịch.

Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch về số lượng tuyển sinh đối với 15 cơ sở GDNN du lịch được thực hiện vào tháng 9/2021 cho thấy, đến tháng 9 năm 2021 số lượng tuyển sinh đã bị sụt giảm 32%; đến hết năm (tháng 12/2021) kết quả tuyển sinh 2021 chỉ bằng 50% so với năm 2019, giảm khoảng 50%.

Năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch; năm 2020, gần 80% nhân sự trong lĩnh vực này bị cắt giảm; năm 2021, chỉ có 25% trong số còn lại làm đủ thời gian.

Giờ đây các hoạt động trở lại thì lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động. Giải pháp nào để có nguồn nhân lực du lịch đủ cả chất và lượng để cung cấp cho ngành trong giai đoạn du lịch đang phục hồi mạnh mẽ hiện nay và tương lai sắp đến?

Chủ động thay đổi để thích ứng

Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành du lịch–ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong tình hình hiện nay; Th.S Ngô Thị Quỳnh Xuân -Hiệu trưởng trường CĐ Du lịch Sài Gòn kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước –DN và các cơ sở đào tạo nhân sự trong ngành Du lịch. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ tích cực của các Hiệp hội Du lịch từ Trung ương đến địa phương, sự ủng hộ của các cơ quan báo chí...

Thứ nhất, Chính phủ cần có nguồn quỹ hỗ trợ DN trong việc tái đào tạo lực lượng nhân sự (bao gồm những lao động đang còn ở lại với DN và lao động vừa được tuyển mới) cho ngành trong thời gian nhanh nhất để có thể giữ được chất lượng dịch vụ phục vụ khách nội địa và khách quốc tế; giữ vững thương hiệu du lịch Việt Nam).

Đề xuất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch các địa phương (đặc biệt là các địa phương lựa chọn việc phát triển Du lịch là trọng tâm) có thể giao Phòng Quản lý Du lịch hỗ trợ tập hợp nhân sự của các DN vừa và nhỏ; phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Các DN lớn cần chủ động liên lạc trực tiếp với các cơ sở đào tạo để đặt hàng các chương trình đào tạo cho nhân sự của DN ngay tại cơ sở để vừa đảm bảo vẫn duy trì hoạt động kinh doanh và vừa có thể cập nhật lại kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ sau một thời gian dài ngưng không hoạt động do đại dịch.

Thứ hai, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực; ban hành các chính sách đặc biệt dành cho người theo học ngành du lịch. Cơ quan quản lý nhà nước định hướng việc tăng cường truyền thông đến người học du lịch, gây dựng lại niềm tin cho người học và phụ huynh về ngành du lịch–Đây là giải pháp căn cơ và bền vững lâu dài.

Thứ ba, các DN du lịch cần có chính sách khuyến khích sinh viên năm cuối thực tập có lương làm động lực cho người học du lịch. Các điểm tham quan tại các địa phương có trong chương trình thực tập tour của các cơ sở đào tạo: hỗ trợ giảm giá vé tham quan cho sinh viên chuyên ngành du lịch. Có như vậy thì ngành Du lịch mới có được một lực lượng lao động kế thừa tiếp tục để đảm bảo ngành phát triển bền vững.

Các đại biểu gặp nhau bàn giải pháp thúc đẩy tuyển sinh, đào tạo cung ứng nhân lực lĩnh vực
du lịch, nhà hàng, khách sạn.

“Du lịch sau hậu Covid-19 đã có rất nhiều thay đổi. Với bối cảnh du lịch mới, với sự thay đổi của hành vi khách hàng(đi du lịch nhóm nhỏ, đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, ứng dụng công nghệ trong việc book đặt tour…), để tồn tại, chắc chắn các DN du lịch không thể tiếp tục duy trì hình thức kinh doanh với các mô hình “truyền thống”như trước đây. Cần áp dụng đổi mới sáng tạo trong kinh doanh du lịch để vượt qua khủng hoảng. DN du lịch cần có ý tưởng/ sản phẩm/ giải pháp và mô hình kinh doanh mới” – bà Quỳnh nhấn mạnh và lấy ví dụ mô hình kinh doanh số hóa giúp DN có thêm kênh tiếp thị, tương tác và trải nghiệm mới, thêm nguồn doanh hu mới và đa dạng hơn, mở rộng quy mô kinh doanh.

Vậy, chương trình đào tạo các ngành về du lịch cần phải thay đổi gì để giúp sinh viên tốt nghiệp ra trường thích ứng với xu thế của du lịch giai đoạn hậu Covid-19? Để DN du lịch có thể có được lực lượng nhân sự sử dụng được ngay trong giai đoạn DN du lịch cũng phải đang cải tổ mạnh mẽ, đây là trách nhiệm rất quan trọng của các trường đào tạo Du lịch; điều cần làm ngay là cần phải cân nhắc, rà soát các chương trình đào tạo đã áp dụng thành công trước đây,để cập nhật và thay đổi các yếu tố mới để có thể đáp ứng kịp thời yêu cầu của DN và thị trường lao động hiện nay.

“Nếu không thực hiện điều này, các cơ sở đào tạo sẽ có “lỗi’ rất lớn với một thế hệ trẻ đã đặt niềm tin chọn theo học ngành du lịch, có “lỗi” với DN, với ngành du lịch và với cả xã hội” – bà Quỳnh nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bàn giải pháp cho nguồn nhân lực du lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO