Bàn giải pháp phát triển bền vững

M.Loan - H.Vũ 01/11/2019 07:30

Ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Nhiều đại biểu đã hiến kế về các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bàn giải pháp phát triển bền vững

Cần quan tâm nhiều hơn nữa đến thị trường trong nước với 96 triệu dân, tiến đến người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam. Ảnh: TL.

Ứng phó với chiến tranh thương mại và cách mạng công nghiệp 4.0

Đề cập đến bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều diễn biến khó lường, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có nhiều tác động đến kinh tế nước ta, trong đó có cả thuận lợi và không thuận lợi, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng: Về mặt không thuận lợi, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc dẫn tới việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phá giá đồng tệ. Trong 10 tháng đầu năm 2019, chúng ta đã nhập khẩu từ Trung Quốc 62 tỷ USD, tăng 12,6%, dẫn đến nhập siêu trên 29 tỷ USD. Trong khi đó Việt Nam là nước nhập siêu hàng hóa Trung Quốc. Điều này khiến nhập siêu tăng cao. Cùng với đó, gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa diễn biến phức tạp. “Vì thế Chính phủ cần quan tâm và ngăn chặn hiệu quả những tồn tại này”-ông Ngân lưu ý.

Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều nước đang đi theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cản thương mại, ông Ngân cho rằng Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước với 96 triệu dân. Triển khai có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, tiến đến người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam.

Về vấn đề tín dụng, ông Ngân cho rằng, một trong những đầu vào quan trọng của tăng trưởng kinh tế là vốn, quyết định 45-50% GDP. Trong việc huy động vốn, nguồn vốn từ tín dụng là quan trọng. “5 năm qua, với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và quyết tâm của Chính phủ, chúng ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát liên tiếp trong 5 năm ở mức dưới 4%. Kéo giảm bội chi, nợ công, xử lý nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và an toàn ngân hàng, Nhà nước giữ được niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng, giúp tiền vẫn được gửi tiết kiệm”- ông Ngân nói và đề nghị cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, tránh để nợ xấu quay lại.

Đề cập đến thị trường chứng khoán, theo ông Ngân, đây như một kênh cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế trong trung và dài hạn. Chính vì vậy, cần tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính để thị trường chứng khoán để có thể hiện thực hóa được mục tiêu này.

Cũng liên quan đến phát triển bền vững, theo ĐB Nguyễn Thành Công (Ninh Bình), Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên Việt Nam gặp nhiều bất lợi do trình độ phát triển còn có khoảng cách so với các quốc gia công nghệ hàng đầu. Tiềm lực công nghệ và tiềm lực tài chính cho đầu tư đổi mới, phát triển công nghệ còn hạn chế. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần có những chính sách hợp lý để thu hút được các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy việc tận dụng các thành tựu công nghệ, giúp Việt Nam tăng tốc và thu hẹp khoảng cách với các quốc gia trong quá trình phát triển.

Từ hiện tượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không đăng ký hoạt động ở Việt Nam mà chuyển sang các quốc gia khác đăng ký hoạt động do những lo ngại về an toàn pháp lý, ông Công đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm sớm có kế hoạch cụ thể để hoàn thiện thể chế về đầu tư mạo hiểm, quản lý tài sản kỹ thuật số, huy động vốn, cộng đồng kinh tế chia sẻ, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chia sẻ và kết nối các cơ sở dữ liệu để thúc đẩy ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trách nhiệm người đứng đầu nơi để xảy ra sai phạm

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, giữa những điểm sáng trong báo cáo của Chính phủ còn có những câu hỏi đáng suy nghĩ trong xã hội hiện nay. “Chúng ta đang đẩy mạnh áp dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng áp dụng công nghệ thu phí BOT tự động vẫn không thực hiện được? Địa ốc Alibaba lừa dân nhiều năm với hàng nghìn nạn nhân; sau vụ cháy Rạng Đông mới thấy chủ trương di dời nhà máy cũ diễn ra chậm chạp; hàng triệu người Hà Nội lao đao vì nước sạch; thí điểm taxi công nghệ vẫn chưa có kết quả…”.

Ông Quốc nhìn nhận: Những điểm tối đang làm xấu đi bức tranh sáng, những thành tựu tích cực mà Chính phủ cùng người dân dày công phấn đấu.

Bàn giải pháp phát triển bền vững - 1

Đại biểu Lê Công Định (Long An) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, ngày 31/10. Ảnh: Quang Vinh.

ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cũng cho rằng, trong thời gian qua, một số địa phương trong cả nước còn xảy ra nhiều vụ sai phạm tại các công trình xây dựng, các dự án lớn liên quan đến đất đai. Từ vụ lừa đảo lớn của Công ty địa ốc Alibaba, bà Thủy đặt vấn đề: “Cử tri đặt câu hỏi có hay không sự buông lỏng quản lý, hoặc có sự tiếp tay của cán bộ công quyền để các dự án “ma”, các công trình xây dựng đồ sộ, trái pháp luật ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài?”. Từ đó bà Thủy đề nghị, Chính phủ chỉ đạo, xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương nơi xảy ra các sai phạm trên. Có như vậy mới tạo niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhiều chuyên gia và quốc tế đã cảnh báo Việt Nam về phương pháp luận đánh giá GDP được trả bằng giá nào? Với những hệ lụy gì? Và nếu không được phân bổ hợp lý thì GDP đó có bền vững hay không? Vì thế không nên lấy GDP là chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo và thành tích của các địa phương vì có thể dẫn đến chạy theo con số mà không quan tâm đến nhiệm vụ chính của vùng miền. Để phát triển bền vững, ông Nghĩa cho rằng, cần áp dụng những bài học của thế giới vào Việt Nam xoay quanh 3 trụ cột: Nâng cao văn hóa; bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản.

Quan tâm đến giáo dục

Theo ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa), cử tri rất băn khoăn về chất lượng giáo dục, quản lý giáo dục hiện nay ở tất cả các cấp học, ở bậc mầm non có việc trẻ em bị bạo hành bởi chính các cô nuôi dạy trẻ; việc bỏ quên trẻ em trong xe đưa đón dẫn đến chết người; việc quản lý ở các cơ sở giáo dục gọi là chất lượng cao cho thấy có nhiều lỗ hổng về quản lý khiến cho cha mẹ học sinh hết sức bất an. ĐB Thu cũng nhìn nhận việc cô giáo chấm bài cho học sinh vứt vở xuống đất để các em tự lên nhặt vở, đánh học sinh thường xuyên đến mức cha mẹ phải lén đặt camera… cho thấy sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận giáo viên. Vấn nạn dạy thêm, học thêm, mua điểm, gian lận thi cử hết sức nhức nhối, nhất là ở kỳ thi đại học vừa qua ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang là hậu quả của một nền giáo dục quản lý lỏng lẻo, cải tiến giáo dục không đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý giáo dục.

Trong khi đó, nhìn nhận bạo lực gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến sự bền vững của gia đình và làm suy yếu khả năng tăng cường rào chắn trước các vấn đề xã hội không lành mạnh nảy sinh từ trong gia đình khi năm 2017 có 31,8% phụ nữ bị chồng bạo lực tinh thần và 3,6% bạo lực thể chất; hay vụ anh trai đã truy sát gia đình em trai làm 4 người chết và một người bị thương tại Đan Phượng, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị, Chính phủ tiếp tục đầu tư cho chính sách an sinh xã hội theo hướng tiếp cận tới đơn vị gia đình vì đây là cốt lõi của an sinh xã hội bền vững. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về dân số, gia đình, phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới đủ mạnh để thực hiện các chức năng quản lý nhà nước và dịch vụ công dành cho gia đình.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng, cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Bởi môi trường văn hóa lành mạnh thì gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là nơi hình thành, nuôi dưỡng, vun đắp nhân cách văn hóa và giáo dục lối sống cho con người để cái tốt, cái thiện được bảo vệ nhân lên, cái xấu cái ác bị lên án, bài trừ.

Đảng, Nhà nước luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lên hàng đầu

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: Thời gian vừa qua, đối ngoại an ninh quốc phòng được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả từ báo cáo của các bộ ban ngành và báo cáo của Chính phủ cũng như lắng nghe ý kiến phát biểu, quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước có thể khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo lên hàng đầu. Chúng ta kiên quyết, kiên trì trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói những vấn đề thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là cương quyết không nhân nhượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bàn giải pháp phát triển bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO