Băn khoăn chất lượng dạy và học trực tuyến

M.Loan - H.Vũ 12/11/2021 06:26

Ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn. Theo đó, việc bảo đảm chất lượng dạy và học, trong đó có dạy, học trực tuyến, thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19 nhận được sự quan tâm của các đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Quang Vinh.

Hôm nay (12/11) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Dạy và học thêm thế nào cho đúng?

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cho rằng: Thực trạng dạy học thêm trực tuyến đang có xu hướng gia tăng, thậm chí có tình trạng học sinh bị ép học thêm trực tuyến.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã nghiêm cấm dạy thêm trong mùa dịch. Do đó, Bộ cần thanh tra về việc này. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Thái, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trong điều kiện bình thường, việc dạy thêm và học thêm đã cần phải ngăn chặn thì trong dịch bệnh, việc học thêm trực tuyến là rất đáng lên án.

Bộ GD&ĐT đã quy định số giờ trong dạy và học trực tuyến cho các cấp học, các lớp. Các trường thấy học sinh học quá số giờ quy định thì các Sở GD&ĐT cần tổ chức thanh tra xem có hiện tượng này hay không? “Quan điểm của Bộ là tăng cường thanh tra để ngăn chặn, xử lý nghiêm việc này”- ông Sơn nói.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) tham gia tranh luận: Dạy thêm, học thêm được coi như vấn nạn của xã hội và đã bị cấm. Có địa phương, người dân tổ chức “mật phục” bắt quả tang giáo viên dạy thêm để xử lý và còn đưa lên báo chí.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng, cách ứng xử với nhà giáo như thế là không phù hợp. Cần loại bỏ tư duy “cái gì không quản được thì cấm”, thay vào đó cần xem tác dụng của việc dạy thêm trong đời sống giáo dục thế nào?

“Là phụ huynh có con em trưởng thành, đỗ đạt, tôi thấy học thêm cũng có tác dụng. Tại sao ngành y tế được làm thêm còn giáo dục không được dạy thêm? Chúng ta có 38 vạn giáo viên phổ thông và bậc tiểu học. Việc dạy thêm xuất phát từ đời sống quá thấp, nhiều giáo viên coi dạy thêm là mưu sinh cho nên cần nhìn thẳng vào vấn đề để giải quyết thấu đáo. Do đó ngành giáo dục cần có giải pháp căn cơ” - ông Long nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Việc dạy và học trực tuyến là phù hợp trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh hiện nay nhưng chương trình thì không khác gì dạy trực tiếp. Bộ GD&ĐT có điều chỉnh gì để giảm áp lực cho học sinh? Ảnh: Quang Vinh.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Về việc dạy thêm ngoài giờ, trước đây đã có Thông tư 17 quy định về dạy thêm và học thêm như ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có thể điều tiết và quy định chặt chẽ. Nhưng năm 2016, Luật Đầu tư bỏ học thêm, dạy thêm ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện nên Thông tư 17 có nhiều quy định không còn hiệu lực.

Hiện Bộ GD&ĐT đang đề nghị bổ sung vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư đối với dạy thêm, học thêm. Còn trong dạy thêm, học thêm nếu giáo viên bớt nội dung chính thức hoặc dạy trước nội dung thì nó thuộc về điều lệ trường; là đạo đức nhà giáo và cái đó cần phải lên án.

Điểm tốt nghiệp cao vẫn trượt đại học?

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nêu vấn đề: Việc dạy và học trực tuyến là phù hợp trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh hiện nay nhưng chương trình thì không khác gì dạy trực tiếp. Vậy Bộ có điều chỉnh gì đối với việc này để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh?

“Những năm gần đây, nhiều học sinh thi tốt nghiệp đạt trung bình 9 điểm/môn mà vẫn trượt đại học. Có ý kiến cho rằng đây là do cơ chế các trường tự chủ trong tuyển sinh, theo Bộ trưởng ý kiến này có đúng không?” - bà Ánh chất vấn.

Trả lời lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Chương trình học trực tuyến không bê nguyên từ giáo án bình thường vào giảng dạy. Trong bối cảnh mới, Bộ đã ban hành văn bản xác định chương trình học cốt lõi theo hướng tinh giản để phục vụ dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình.

Các địa phương đang dạy trực tiếp sẽ dạy theo chương trình cốt lõi, sau đó quay lại củng cố mở rộng thêm. Với những nơi học trực tuyến, giáo viên bám theo chương trình cốt lõi và sẽ củng cố mở rộng thêm khi trở lại học trực tiếp.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Để đánh giá chất lượng triển khai dạy, học trực tuyến, Bộ GD&ĐT thường xuyên theo dõi diễn biến việc dạy, học trực tuyến. Tuy nhiên, chắc chắn có thách thức và có ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học. Ảnh: Quang Vinh.

Về dạy học trực tuyến, cả thế giới đang áp dụng. Việt Nam đã có kinh nghiệm. Với tư cách là hình thức bổ trợ, dạy học trực tuyến đã có từ lâu nhưng như những gì xảy ra trong năm 2021 thì chưa có tiền lệ về quy mô, tính chất.

Để đánh giá chất lượng triển khai dạy, học trực tuyến, Bộ GD&ĐT thường xuyên theo dõi diễn biến việc dạy, học trực tuyến. Tuy nhiên, chắc chắn có thách thức và có ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học.

Theo ông Sơn cần đầu tư để dạy, học trực tuyến hình thành nền tảng đủ lớn, mang tính bền vững và tầm quốc gia với 3 vấn đề chính: Hạ tầng cơ sở; hành lang pháp lý; con người.

“Điều này đã nằm trong chiến lược của ngành giáo dục. Việc dạy, học trực tuyến đang là ứng phó nhưng vẫn là nội dung quan trọng cần gắn liền với chiến lược lâu dài, chuyển đổi số quốc gia chứ không chỉ riêng trong bối cảnh dịch Covid-19”- ông Sơn nêu quan điểm.

Liên quan đến việc có những em học sinh điểm trung bình đạt 9 nhưng vẫn trượt đại học mà Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đặt ra, ông Sơn cho biết: 165 trường hợp học sinh từ 27 điểm trở lên nhưng không trúng tuyển đại học có nhiều nguyên nhân.

Trước hết là, phần lớn học sinh chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng, vào chủ yếu các trường thuộc ngành công an, quân đội. Bên cạnh đó, việc tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục đại học nhưng có hiện tượng các trường đặt ra quá nhiều cách xét tuyển, dành cho các nhóm riêng nên chỉ tiêu ít, ảnh hưởng đến khả năng trúng tuyển.

Theo ông Sơn, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, để không có quá nhiều phương án xét tuyển trong một cơ sở giáo dục đại học.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải trình, làm rõ nhiều vấn đề

Phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thu hút được sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội và hàng chục triệu học sinh, các bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh trong toàn quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mới giữ cương vị đứng đầu ngành GD&ĐT không lâu nhưng đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và lĩnh vực phụ trách, đã trả lời kỹ các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến tranh luận.

Phiên chất vấn đề cập nhiều vấn đề nóng bỏng của ngành giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trả lời làm rõ thực trạng, những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đối với những vấn đề thuộc chủ đề của chất vấn đặt ra có phân tích theo từng cấp học như giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học.

3 yếu tố để dạy và học trực tuyến

Trả lời thêm về dạy và học trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết có 3 vấn đề lớn. Theo đó, về hạ tầng mặt viễn thông cần 2.000 điểm phát sóng. Trong 2 tháng qua đã phủ sóng 1.000 điểm, 1.000 điểm còn lại cố gắng phủ sóng trong năm 2021, chậm nhất tháng 1 năm 2022. Về việc đưa cáp quang đến các hộ gia đình hiện còn 8 triệu hộ chưa có cáp quang. Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp trước năm 2025 cơ bản các hộ gia đình sẽ có cáp quang.

Về chương trình sóng và máy tính cho em do Thủ tướng phát động, tổng giá trị là 6.000 tỷ; và 1 triệu máy tính bảng giá trị 2.500 tỷ, theo ông Hùng, hiện đã giao 100.000 máy tính.

Cần đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa giáo dục

Để giải quyết biên chế giáo viên mầm non và phổ thông hiện nay, bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT đã rà soát.

Theo đó, thiếu 94.714 giáo viên, thừa 10.178 giáo viên, giáo viên đã giao nhưng chưa tuyển dụng là 42.774 giáo viên.

Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT đã tiến hành căn cứ vào định mức học sinh, giáo viên trên lớp thì còn thiếu 65.980 giáo viên.

Do đó các địa phương cần rà soát sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường lớp để giảm điểm trường, số trường mà tăng trường liên cấp, trường liên xã, trường bán trú. 37 địa phương vừa rồi đã làm thành công và giải quyết bài toán biên chế và tổ chức bộ máy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băn khoăn chất lượng dạy và học trực tuyến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO