Băn khoăn tài khoản thanh toán

T.Hằng 05/06/2017 07:40

Tại Thông tư số 32/2016/TT-NHNN quy định: Hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư (các tổ chức không có pháp nhân) sẽ không được mở sử dụng tài khoản thanh toán tại ngân hàng … Trong khi nhiều người trong cuộc tỏ ra lo ngại, thì phía Ngân hàng Nhà nước, bà Hoàng Tuyết Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán khẳng định là hoàn toàn hợp lý

Thông tư số 32/2016/TT-NHNN đem lại nhiều băn khoăn cho các tổ chức cá nhân (Ảnh minh họa).

Bà Hoàng Tuyết Minh nói rõ, thông tư 32 được ban hành sau khi Quốc hội thông qua Bộ Luật Dân sự 2015 và theo quy định tại Điều 1 Bộ luật Dân sự 2015, có hiệu lực từ 1/1/2017, chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân.

Do đó, Thông tư 32 được xây dựng trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về chủ thể trong quan hệ dân sự. Đối với các tổ chức không có tư cách pháp nhân, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, do đó, không đủ điều kiện là chủ thể độc lập tham gia quan hệ mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, mà bản chất là quan hệ hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

“Việc hạn chế chủ thể tham gia giao dịch mở, sử dụng tài khoản thanh toán chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và quy định về đối tượng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại Thông tư 32 là hoàn toàn phù hợp với quy định về chủ thể của quan hệ dân sự trong Bộ luật Dân sự 2015. Quy định này là cần thiết, hạn chế rủi ro cho các bên, bảo đảm các giao dịch mở, sử dụng tài khoản không bị vô hiệu do vi phạm quy định về chủ thể theo quy định của Bộ luật dân sự 2015”- bà Minh khẳng định

Nhưng trên thực tế, đã có nhiều tài khoản thanh toán của các tổ chức không có tư cách pháp nhân như: Hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư… đã được mở trước khi Thông tư 32 có hiệu lực thi hành?

Lý giải về tình trạng này, bà Hoàng Tuyết Minh cho biết thêm, việc tồn tại của các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân trước khi Thông tư 32 có hiệu lực thi hành là thực tế.

Để hạn chế xáo trộn trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư 32 đã có hướng dẫn quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc xử lý chuyển tiếp đối với các tài khoản thanh toán này.

Cụ thể, Thông tư 32 đã quy định trách nhiệm của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau: Thứ nhất, rà soát hồ sơ, hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức không có tư cách pháp nhân.

Thứ hai, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Thông tư 32 có hiệu lực, thực hiện thông báo cho khách hàng biết về việc chuyển đổi tài khoản hiện có sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung (đối với trường hợp tài khoản của nhiều cá nhân).

Thời hạn hoàn tất việc chuyển đổi tài khoản và việc xử lý sau khi kết thúc thời hạn chuyển đổi. Thứ ba, trong vòng 12 tháng kể từ ngày Thông tư 32 có hiệu lực thi hành, phải phối hợp với khách hàng hoàn thành việc thực hiện ký lại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán để chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản, nếu khách hàng có yêu cầu.

Thứ tư, sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư 32 có hiệu lực thi hành, thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản.

Ngoài ra cũng có lo ngại, theo quy định hiện hành thì văn phòng luật sư không có tư cách pháp nhân do đó không thuộc đối tượng mở tài khoản thanh toán và sẽ phải chuyển đổi sang hình thức tài khoản cá nhân theo quy định tại Thông tư 32.

Việc này theo dư luận và những người tham gia mở văn phòng thì sẽ ảnh hường đến nhiều vấn đề, nhất là về việc thực hiện các thủ tục thuế của họ. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, luật sư thành lập văn phòng luật sư là trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Bộ Luật Dân sự 2015, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Như vậy, do không có tư cách pháp nhân, văn phòng luật sư không đủ tư cách chủ thể độc lập để mở, sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định tại Thông tư 32 và do vậy, tài khoản thanh toán của văn phòng luật sư thuộc đối tượng phải thực hiện chuyển đổi sang tài khoản của cá nhân.

Về chính sách thuế đối với doanh nghiệp tư nhân, vừa qua, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn và ngày 25/4/2017, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5396/BTC-TCT hướng dẫn cụ thể cho phép khấu trừ chi phí vay vốn của cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băn khoăn tài khoản thanh toán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO