Bán lẻ nội tăng tốc

Minh Phương 17/01/2017 09:05

Trong lúc làn sóng M&A (mua bán và sáp nhập) đang diễn ra thì ngày 14 và 15/1, có 2 siêu thị thuộc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM- Saigon Co.op ra đời. 2 siêu thị này “đóng đô” tại Châu Đốc (An Giang) và Đức Phổ (Quảng Ngãi), nâng tổng số Co.opmart trên cả nước lên 87 siêu thị. Đây được coi là một bước tăng tốc của các nhà bán lẻ Việt Nam trong cuộc cạnh tranh khá khốc liệt trên thị trường này.

Bán lẻ nội tăng tốc

Hệ thống siêu thị trong nước đang dần lấy lại sức cạnh tranh.

Mở rộng quy mô, giữ thế chủ động

2 siêu thị Co.opmart mới của Saigon Co.op được đầu tư hơn 160 tỉ đồng, kinh doanh hơn 30.000 mặt hàng thiết yếu của cả 5 ngành hàng gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ chế biến, hóa phẩm, đồ dùng gia đình, thời trang và các dịch vụ tiện ích. Sự xuất hiện của hai siêu thị nội mới ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn lượt khách tại hai địa phương Châu Đốc và Đức Phổ.

Theo phản ảnh của người tiêu dùng tại hai địa phương này, đây là thời điểm cận Tết, nhiều mặt hàng không rõ xuất xứ tràn vào thị trường, vậy nên việc Saigon Co.op cho ra đời thêm 2 siêu thị nữa ở các điểm xa trung tâm như vậy đáp ứng nhu cầu tiêu dùng rất lớn của bà con tại Châu Đốc và Đức Phổ cũng như các vùng lân cận.

Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, An Giang và Quãng Ngãi đều là 2 địa phương có tiềm năng về phát triển thương mại dịch vụ phục vụ du lịch và 2 siêu thị Co.opmart vừa khai trương cũng đều là siêu thị Co.opmart thứ 2 tại những địa phương này.

Hệ thống siêu thị Co.opmart khá quen thuộc với người tiêu dùng trên cả nước như một điểm mua sắm đang tin cậy với hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng.

Hai siêu thị này cũng sẽ trở thành điểm phân phối hàng bình ổn giá và hàng Việt hiệu quả đến tận tay người tiêu dùng. Tính đến nay, hệ thống phân phối bán lẻ Saigon Co.op đã có 87 siêu thị trên cả nước.

Sự ra đời của hai siêu thị giúp hệ thống bán lẻ nội địa củng cố thêm về số lượng và chất lượng trong cuộc đua khá khắc nghiệt hiện nay tại thị trường này.

Thời gian qua, dư luận đã chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Việc có nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài xâm nhập vào thị trường trong nước và nắm bắt, thâu tóm các DN bán lẻ nội khiến ai cũng phải lo ngại về một tương lai không xa của ngành bán lẻ nước nhà, đó là một tương lai với nhiều gam màu tối.

Không ít ý kiến cho rằng, sự xâm lấn mạnh mẽ của các DN ngoại và xu hướng M&A ngày một gia tăng có thể đẩy các DN bán lẻ nội ra khỏi sân chơi của chính mình.

Thế nhưng, ngược lại với những suy đoán của dư luận, các DN bán lẻ nội không chịu khuất phục, vẫn âm thầm mở rộng quy mô, mở rộng thị trường.

Đơn cử, Tập đoàn Vingroup đến nay đã mở thêm được hàng trăm siêu thị Vinmart và hàng ngàn cửa hàng tiện lợi Vinmart+ và điểm đặc biệt của hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi này là có thể len lỏi vào từng khu phố nhỏ, khu dân cư, bất cứ nơi nào có đông dân cư là thấy có mặt Vinmart, Vinmart+…

Đối với Saigon Co.op, với gần 90 siêu thị lớn đặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước cho thấy, các DN bán lẻ nội vẫn đang rất nỗ lực giữ vững thị phần và bằng năng lực của mình, họ tiếp tục mở rộng quy mô, giữ thế làm chủ sân nhà.

Nâng cao nội lực

Theo TS Lê Huy Khôi- Trưởng ban Nghiên cứu dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), các DN bán lẻ nội đang khôn khéo khi nhắm đến các thị trường ngách.

TS Khôi cho rằng, chúng ta có thể không bằng được DN ngoại về vốn, về quy mô nhưng điểm mạnh của các DN Việt là nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng cũng như thói quen mua sắm của người dân Việt Nam.

Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa cách mua sắm nhanh, tiện lợi do đó, việc mở ra những cửa hàng tiện lợi hoặc lựa chọn điểm đông dân cư để mở siêu thị là một cách lựa chọn khôn khéo.

“Tôi đã thấy sự gia tăng của các siêu thị chuyên doanh, đặc biệt là các siêu thị mini nhỏ xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là một hướng đi đúng đắn của các kênh bán lẻ hiện nay. Khi chúng ta chưa đủ quy mô, chưa đủ vốn để chống chọi với các đại gia thì việc tìm đến thị trường ngách, nhỏ là rất khôn khéo. Điều quan trọng, các DN cần phải ý thức làm sao quản lý vận hành tốt các chuỗi siêu thị đó, và đi theo đúng từng phân khúc thị trường nắm bắt được đúng nhu cầu thị trường để cung ứng những sản phẩm, dịch vụ hợp lý… thì chắc chắn sẽ thành công, thậm chí còn có thể hạn chế được sự gia tăng của các DN nước ngoài”- ông Khôi nhận định.

Nhiều ý kiến cho rằng, làn sóng M&A có thể gây áp lực đối với các DN bán lẻ nội, song cần phải coi đây cũng chính là cơ hội để các DN Việt tự mình nâng sức cạnh tranh, bứt phá hơn nữa.

Vì nếu không có sự thâm nhập của các DN ngoại, chắc rằng thị trường bán lẻ sẽ không thực sự sôi động như thời gian gần đây, và các DN nội vẫn sẽ không cố gắng để thay đổi.

Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, thông qua hoạt động M&A, các DN có thể lớn mạnh lên để đáp ứng các điều kiện của thời kỳ hội nhập.

“Do đó, quan điểm của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam là không bi quan, không hoảng sợ trước làn sóng M&A. Vấn đề quan trọng là trong làn sóng ấy, các DN của chúng ta thực chất sẽ nhận được những gì, về kinh nghiệm, về công nghệ, về phương thức quản trị”.

TS Loan cho rằng, các DN Việt Nam chỉ tự trông vào sức mình là rất khó, vì ngay cả nguồn lực về mặt tài chính đã rất yếu chưa kể những yếu tố khác như công nghệ, kinh nghiệm… Và làn sóng M&A chính là cơ hội bứt phá của các DN nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bán lẻ nội tăng tốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO