Bản quyền trong lĩnh vực văn hoá: Loay hoay tìm cách tự bảo vệ

Minh Quân 21/09/2021 07:16

Các sản phẩm văn hoá (điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, sách…) không chỉ được đầu tư về tiền bạc mà còn là sự sáng tạo, “chất xám” của những người sáng tạo nghệ thuật. Thế nhưng, việc vi phạm bản quyền trong lĩnh lực văn hoá đang diễn ra tràn lan, công tác kiểm soát còn khá lỏng lẻo.

Tràn lan trên môi trường mạng

Câu chuyện sách bị in lậu, phim mới ra rạp đã bị quay trộm, các sản phẩm âm nhạc vi phạm bản quyền, tranh bị sao chép… trong những năm qua đã không còn là những điều quá mới với các sản phẩm văn hoá Việt Nam. Đơn cử như trên môi trường mạng, chỉ tính riêng lĩnh vực điện ảnh, theo số liệu thống kê có khoảng 200 trang web phim lậu vi phạm bản quyền. Nếu mở rộng ra ở cả lĩnh vực âm nhạc, truyền hình, thời trang, sách… thì đây là những con số không tưởng. Thậm chí các trang web lậu, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hoá còn đang lấn át các địa chỉ chính thống và đang mọc lên như “nấm”.

Mới đây, Công an TP HCM vừa khởi tố hình sự vụ án xâm phạm quyền tác giả liên quan đến trang web phimmoi.net. Đây cũng là trang web có lượng người xem khoảng gần 90 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Tuy nhiên, việc xử lý trên cũng chỉ là một trong những vụ việc điển hình bị cơ quan chức năng vào cuộc. Trong khi đó, số lượng trang web lậu chưa bị “tuýt còi” vẫn còn nhiều vô số. Nhiều trang web sau khi bị xử lý lại tiếp tục thay đổi tên miền để hoạt động.

Đơn cử như bộ phim “Bố già” dù đạt doanh thu hàng trăm tỷ nhưng cũng phải “kêu trời” khi mới phát hành có hàng chục đường link phim lậu. Trước đó, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng đã phải bật khóc “tức tưởi” khi bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” bị quay trộm ngay sau khi được phát hành.

Hay như câu chuyện vi phạm bản quyền sách, nhiều năm qua công ty First New - Trí Việt đã “miệt mài” truy vết, tố cáo hàng loạt các trang web, nhà sách… bày bán sách giả, vi phạm bản quyền. Thế nhưng dường như việc tố cáo này vẫn chỉ dừng lại việc xử lý hành chính, thu giữ. Nhiều fanpage bán sách lậu trên mạng xã hội sau khi bị “xoá sổ” lại sớm được xuất hiện dưới một cái tên mới để tiếp tục hoạt động. Bởi thực tế doanh thu từ việc bán sách lậu, sách giả lớn gấp nhiều lần so với khoản tiền bị xử phạt.

Không chỉ các trang web, thời gian qua thông qua trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok đang nở rộ phong trào làm review (giới thiệu) phim đang gây ra những bức xúc và tổn thất lớn cho các nhà sản xuất. Thông qua việc cắt ghép, chỉnh sửa nhiều bộ phim chỉ mới ra rạp, hay phát sóng trên truyền hình đã được giới thiệu đầy đủ về nội dung. Tuy vậy, chính sách bản quyền của nền tảng video ở Facebook hiện nay vẫn còn sơ khai, lỏng lẻo.

Nguồn video thường được lấy từ những nền tảng khác rồi đăng lại trên Facebook với chiến lược “ai đăng trước là của người đó” tạo điều kiện cho nhiều người kiếm tiền từ vi phạm bản quyền. Với TikTok, sự mập mờ giữa review phim và vi phạm bản quyền cũng tạo lỗ hổng lớn cho nhiều người kiếm tiền từ việc đọc lại toàn bộ nội dung phim. Ngoài kể trước nội dung phim, những nội dung này còn pha thêm những tình huống bên ngoài để tăng sự hấp dẫn nhằm thu hút lượt xem. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy như có thể khiến khán giả thất vọng về toàn bộ nội dung phim, gây tổn thất cho nhà sản xuất.

Việc review phim đang gây tổn thất lớn đến các đơn vị sản xuất.

Tạo “tường lửa” cho bản quyền

Có thể nói, với sự phát triển của văn hoá Việt trong những năm qua thì câu chuyện bản quyền đang là “rào cản” lớn cho việc sáng tạo. Mới đây, theo khảo sát của dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” do Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia phối hợp với Hội đồng Anh cho biết, vi phạm bản quyền văn hoá ở Việt Nam là rất phổ biến. Ở đó, chính người dân vẫn chưa nắm bắt được những quy định về bản quyền nên vô tình tiếp tay cho những hành động sai trái này. Thậm chí việc sử dụng miễn phí các sản phẩm văn hoá đã trở thành thói quen. Trong khi đó, với đại bộ phận các nghệ sĩ và người thực hành sáng tạo nghệ thuật bày tỏ quan điểm về sự yếu ớt trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí là chưa tìm ra được “tường lửa” để chống lại các hành vi xâm phạm bản quyền vẫn đang diễn ra tràn lan.

Theo NSND Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng cho rằng, bảo vệ bản quyền là khâu hết sức phức tạp và khó khăn khi thực hiện công nghiệp văn hóa. Các chương trình “hot” đều bị sao chép hàng loạt, bị phát tán tràn lan trên không gian mạng, các nhà đầu tư chưa sản xuất ra sản phẩm văn hóa nghệ thuật xong đã bị bán ra ngoài thị trường, nên hầu hết các sản phẩm sân khấu, âm nhạc, múa... chủ yếu sản xuất với hình thức băng đĩa để tặng.

Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân sáng tạo phân tích, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến và thủ tục tố tụng khá phức tạp. Người dân vẫn có thói quen sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ những cơ sở sản xuất có vi phạm bản quyền. Người ta sẵn sàng chia sẻ cho nhau các cuốn sách dưới dạng PDF, sẵn sàng tải và nghe các bản nhạc sao chép trộm trên internet, phát tác các bộ phim lên YouTube ngay khi bộ phim vừa ra rạp… Vẫn còn doanh nghiệp tiếp tay cho việc làm hàng giả, hàng nhái, gây thiệt hại nghiêm trọng đến các cơ sở kinh doanh có uy tín và tôn trọng bản quyền.

Để vấn nạn này được xử lý triệt để, theo ông Vinh, trước hết, những người sáng tạo và chủ doanh nghiệp cần nâng cao ý thức về bảo vệ sở hữu trí tuệ trong mọi khâu trong quá trình hình thành, hoạt động và phát triển doanh nghiệp. Không những bảo vệ quyền của mình mà còn phải dũng cảm từ chối sử dụng tài sản trí tuệ của người khác mà không có thỏa thuận chuyển giao. Vai trò chính của chính quyền là hoàn thiện các văn bản pháp luật, tăng cường vận động, tuyên truyền tới cộng đồng về văn hóa tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ, nhưng cũng đồng thời phải đi đầu, thực thi bảo vệ quyền tác giả và sở hữu trí tuệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bản quyền trong lĩnh vực văn hoá: Loay hoay tìm cách tự bảo vệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO