Bản tin y tế ngày 15/2: Ca mắc mới Covid-19 giảm mạnh so với hôm qua

P.Vân 15/02/2023 18:59

Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 15/2 của Bộ Y tế cho biết, có 19 ca mắc mới Covid-19, giảm mạnh so với hôm qua nhưng vẫn gấp gần 10 lần số khỏi bệnh.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.773 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.487 ca nhiễm).

Biểu đồ số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian qua.

Tình hình điều trị Covid-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2 ca

Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.614.712 ca

2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 6 ca, trong đó:

Thở ô xy qua mặt nạ: 6 ca

Thở ô xy dòng cao HFNC: 0 ca

Thở máy không xâm lấn: 0 ca

Thở máy xâm lấn: 0 ca

ECMO: 0 ca

3. Số bệnh nhân tử vong:

Ngày 14/2 ghi nhận 0 ca tử vong.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Tình hình tiêm vaccine Covid-19

Đến nay tổng số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm là 266.204.689 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.815.298 liều: Mũi 1 là 71.082.504 liều; Mũi 2 là 68.702.996 liều; Mũi bổ sung là 14.534.330 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.937.343 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.558.125 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.894.803 liều: Mũi 1 là 9.127.824 liều; Mũi 2 là 8.957.352 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.809.627 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.494.588 liều: Mũi 1 là 10.247.641 liều; Mũi 2 là 8.246.947 liều.

Nguyên nhân gây viêm họng kéo dài

Theo SKĐS, do các triệu chứng viêm đường hô hấp rất thường gặp và không ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ: ho, sưng họng, đau họng,… Tuy nhiên, vì tâm lý chủ quan nên bệnh không được chăm sóc và điều trị tốt khiến tình trạng tổn thương trở nên nghiêm trọng, không phục hồi tốt và dẫn đến viêm họng kéo dài.

Do bệnh trào ngược acid dạ dày: Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm họng kéo dài và gây tổn thương niêm mạc họng. Nếu không kiểm soát được trào ngược dạ dày, tổn thương họng sẽ không thể loại bỏ dứt điểm và dẫn đến viêm họng kéo dài.

Do thói quen ho, khạc đờm: Bệnh thường kèm theo tăng tiết dịch niêm mạc họng gây cảm giác khó chịu nên nhiều người hay ho, khạc nhổ thường xuyên gây tổn thương mao mạch trong họng.

Do bệnh lý viêm xoang: Những người bị viêm xoang dễ bị viêm họng kéo dài hơn, vì thế cần điều trị kết hợp cả hai bệnh.

Do sức đề kháng của cơ thể kém: Hệ miễn dịch giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe khỏi các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus, vi khuẩn... Do đó, nếu bị viêm họng kéo dài cùng nhiều triệu chứng hô hấp khác dai dẳng khó chữa thì khả năng cao do sức đề kháng kém. Vì thế cần tăng cường dinh dưỡng, thể thao để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể đi đôi với điều trị viêm họng kéo dài.

Lời khuyên của bác sĩ:

Bệnh nhân cần đi khám tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và chỉ định thuốc điều trị hiệu quả. Tùy theo nguyên nhân gây viêm họng kéo dài mà bệnh nhân sẽ được điều trị phù hợp. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ và áp dụng các biện pháp phòng ngừa:

- Hạn chế ăn thực phẩm cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ.

- Uống nhiều nước.

- Ưu tiên ăn thức ăn mềm, nhất là trong thời gian bị viêm họng kéo dài hoặc đã hồi phục.

- Ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng. Cần bổ sung Vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch.

- Hạn chế các thực phẩm, thức uống dễ gây tổn thương niêm mạc họng: rượu bia, nước đá lạnh, khói bụi, hút thuốc,…

- Vệ sinh mũi họng, miệng sạch sẽ hàng ngày bằng việc đánh răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ, súc miệng bằng nước muối sinh lý vừa có tác dụng kháng khuẩn vừa làm dịu tổn thương.

- Không lạm dụng thuốc kháng sinh điều trị mỗi khi bị viêm họng. Vì nếu tác nhân gây bệnh là virus, thuốc kháng sinh không có hiệu quả điều trị mà còn dẫn đến nguy cơ tái phát.

- Điều trị triệt để bệnh lý đường hô hấp như: viêm xoang, viêm miệng, viêm tai….

- Không nên nằm điều hòa với nhiệt độ quá thấp, giữ ấm tốt cho cơ thể khi thời tiết lạnh. Khi có việc ra ngoài đường, nên hạn chế tiếp xúc không khí lạnh bằng việc đeo khẩu trang, vừa có tác dụng ngăn bụi bẩn vừa có tác dụng giữ ấm cho đường hô hấp trên.

- Tránh dùng chung thức ăn, đồ uống, tiếp xúc với những người bị bệnh.

- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi ho hoặc hắt hơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bản tin y tế ngày 15/2: Ca mắc mới Covid-19 giảm mạnh so với hôm qua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO