Bằng tiếng nói của khoa học, lương tâm và sự thật

Thành Vĩnh 09/08/2016 23:26

Hơn 40 năm sau chiến tranh, thế hệ thứ tư ở Việt Nam vẫn đang phải gánh nỗi đau da cam. Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, hiện có khoảng 3 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam, chưa kể hàng trăm ngàn người đã chết, hàng trăm ngàn người bị bệnh cùng gia đình, người thân sống trong vô vọng, nghèo đói. 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba, 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ tư.

Bằng tiếng nói của khoa học, lương tâm và sự thật

Phải mất nhiều năm nữa nỗi đau da cam mới có thể vợi đi trên đất nước này.

Những con số ấy mang tên hậu chiến, dai dẳng và đau đớn, bởi 1 thảm họa hóa học da cam chưa từng có trong lịch sử loài người. Quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (61% là chất da cam) xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích hơn 3 triệu ha tại Việt Nam trong 10 năm, từ 1961-1971.

Theo ước tính, mỗi người Việt Nam trung bình phải mang gần 3 lít chất độc da cam trên người. Chất độc da cam hủy diệt nhiều thảm thực vật, làm biến mất những cánh rừng nguyên sinh dọc dãy Trường Sơn hay những cánh rừng ngập mặn ven biển miền Nam Việt Nam…

Những số liệu ấy một lần nữa được nhắc đến, trong cuộc Hội thảo quốc tế vừa diễn ra trong 2 ngày 8, 9/8, nhân kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam/dioxin. Những hình ảnh được chiếu lên, những câu chuyện được kể, rung động lòng người, đánh động lương tri.

“Người Việt Nam không sản xuất, không đi mua, không nhập khẩu, không rải chất da cam ở Việt Nam nhưng người Việt Nam đang và tiếp tục là nạn nhân của thứ chất độc chết người này” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra câu hỏi tại Hội thảo trước cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama và hàng chục các nhà khoa học quốc tế, các cơ quan ngoại giao ở Việt Nam.

Chúng ta không thay đổi được quá khứ, chúng ta khép lại quá khứ nhưng vẫn còn nguyên đó những số phận con người đang phải chịu nỗi đau mỗi ngày. Đó là điều không thể có cách nào quên lãng được. Việc cần làm bây giờ là cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam. Cho dù điều đó cũng chỉ phần nào bù đắp được những thiệt thòi mà họ đang phải gánh chịu.

Mặt khác, thảm họa chất độc da cam đối với người dân Việt Nam phải được nhân loại cùng nhắc nhớ để chung tay nỗ lực phấn đấu cho hòa bình trên thế giới. Nói như cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama: Chiến tranh chắc chắn sẽ mang lại đau khổ và bất hạnh cho vô số người dân vô tội. Lấy thực tế ảm đảm này mà suy ngẫm, chúng ta phải làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình để đạt được một thế giới không có chiến tranh. Vì vậy cần có nỗ lực mạnh mẽ để hành động thông qua đối thoại mang tính xây dựng và hợp tác nhằm ngăn chặn sự khởi đầu của tất cả các cuộc chiến tranh từ trong trứng nước.

Để làm được việc này không phải chỉ người Việt Nam có thể thực hiện. Công lý và công bằng cho những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam cần được sự ủng hộ, chia sẻ từ cộng đồng quốc tế và trách nhiệm từ phía nước Mỹ.

Theo TS Vaughan C. Turekian, đến từ Hiệp hội Vì sự phát triển khoa học của Mỹ, đã đến lúc phải nhìn nhận hậu quả này của chiến tranh và cùng hợp tác giữa hai nước Việt - Mỹ. Còn TS Jeanne Mirer, Hội Luật gia dân chủ quốc tế, trong tham luận gửi tới Hội thảo khẳng định: “Căn cứ vào những kết quả phân tích pháp lý và mức chi phí cần phải có cho việc xử lý ô nhiễm, Mỹ phải có nghĩa vụ trợ giúp cho người Việt Nam”.

Trong suốt nhiều thập niên qua, nhiều người Việt Nam và cả những người Mỹ đã nỗ lực không ngừng nghỉ cho cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam/dioxin.

Bác sĩ, Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ngọc Phượng gác lại những giờ khám bộn tiền đối với một bác sĩ giỏi như bà để tham gia các vụ kiện chất độc da cam ở Mỹ với hai lần tham gia phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ và không ít lần sang Mỹ để tuyên truyền, thông tin về các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam... Bà kể rằng hành trình đó đã nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế như Tổ chức Cứu trợ và trách nhiệm Mỹ (do bà Merle Ratner và chồng là Tiến sĩ Ngô Văn Nhàn phụ trách), các tổ chức phi chính phủ, các học giả Hoa Kỳ, các cựu chiến binh Hoa Kỳ và cả một số nghị sĩ Hoa Kỳ.

Những hình hài trẻ em không hoàn thiện bà gặp trong cuộc đời làm một bác sĩ sản khoa nổi tiếng tài năng của bà là động lực để bà dấn thân trong hành trình với một niềm tin về công lý và công bằng cho những số phận đau khổ.

Phải còn mất nhiều năm nữa nỗi đau da cam mới có thể vợi đi trên đất nước này, với điều kiện phải có những nỗ lực để đẩy lùi, để làm sạch môi trường và có trách nhiệm xã hội với những thế hệ người Việt không may bị nhiễm. Hành trình ấy cần sự hợp tác, chia sẻ của cộng đồng quốc tế. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là các nhà khoa học, mỗi quốc gia, từng tổ chức, cá nhân “bằng tiếng nói của khoa học, lương tâm, sự thật” giành lại công bằng cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Thảm họa chất độc hóa học khủng khiếp nhất trong lịch sử mà người Việt Nam phải gánh chịu là bài học không một chút hoài nghi về nỗi đau chiến tranh, để khép lại quá khứ, hướng tới một tương lai không còn chiến tranh, không chỉ là chiến tranh bằng vũ khí hóa học. Và để tất cả những nạn nhân chiến tranh, đặc biệt những nạn nhân da cam được hỗ trợ, được trả lại công bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bằng tiếng nói của khoa học, lương tâm và sự thật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO