Bánh chưng đen

Vi Ngọc Chiến 27/01/2020 09:00

Bánh chưng rất phổ biến trong dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên, ở mỗi nơi bà con lại có những sáng tạo khác nhau để làm nên sự phong phú, đặc sắc mang đậm nét văn hóa của từng tộc người. Bên cạnh bánh chưng xanh và bánh chưng ngũ sắc, nhiều nơi bà con làm ra những chiếc bánh chưng đen vô cùng độc đáo.

Bánh chưng đen

Bánh chưng đen cắt khoanh.

Đặt chân đến vùng Mường Lò (Nghĩa Lộ - Yên Bái) vào dịp Tết, du khách sẽ được mời ăn món bánh chưng đen. Đây là loại bánh đặc trưng của người Thái, được trao truyền qua nhiều thế hệ. Bà con ở đây cho biết, chiếc bánh chưng đen được tạo ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Món bánh đặc sản này cũng không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, đất trời mỗi khi xuân về.

Nguyên liệu để làm bánh chưng đen được người Thái ở Mường Lò chọn lựa kỹ càng. Lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô; gạo nếp được chọn phải là nếp Tú Lệ thơm ngon, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe đãi sạch vỏ, không lẫn sạn; thịt lợn (ngon nhất là thịt ba chỉ) nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ.

Để tạo màu đen cho chiếc bánh, người Thái lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen. Núc nác vừa là cây thực phẩm, vừa là cây thuốc vô cùng quý. Vì thế, khi làm nguyên liệu bánh chưng đen, bột than cây núc nác đã tạo cho bánh một hương vị vô cùng độc đáo và tác dụng thanh nhiệt của loại cây này khiến cho thực khách khi thưởng bánh chưng đen không phải lo bị nóng như bánh chưng thông thường.

Bánh chưng đen Mường Lò được làm khá tỉ mỉ từ khâu chuẩn bị nước đến khâu chỉnh lửa. Lúc bánh chưa sôi thì đun lửa to, khi bánh đã có độ sôi nhất định thì cần giữ cho lửa đều, đủ nhiệt để bánh chín nhuyễn, chín đều và đun khoảng 6 - 7 tiếng. Khi chín vớt ra cho vào chậu nước rửa qua để làm sạch mỡ bám trên vỏ bánh, treo bánh thành từng cặp để cho bánh không bị mốc. Thưởng thức một miếng bánh, cảm nhận được vị thơm của nếp, vị béo của thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của nhân đỗ xanh, vị là lạ bột núc nác, vị mát của lá dong thì quả là điều thú vị. Ai đã thưởng thức bánh chưng đen của người Thái ở Mường Lò sẽ nhớ độ dẻo, vị ngọt, béo quyện lại với nhau tạo nên một món ngon khó thể cưỡng lại.

Không chỉ người Thái ở Mường Lò làm bánh chưng đen, bà con người người Tày sinh sống ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) hay ở huyện Văn Bàn (Lào Cai) cũng làm bánh chưng đen.

Gạo nếp để người Tày làm bánh chưng đen phải là loại ngon nhất, hạt to tròn đem vo thật kỹ, xóc với một chút muối tinh. Thịt lợn là thịt ba rọi thái mỏng ướp với gia vị, thảo quả khô giã nhỏ trộn cùng tiêu, ớt bột. Nhân bánh là đỗ xanh trộn hành mỡ, hạt tiêu và được bọc trong lá dong rừng tươi. Để tạo màu đen, từ mùa gặt, người Tày đã chọn những cọng rơm nếp to, vàng ươm phơi khô rồi đốt thành tro. Sau đó, bà con vò kỹ, rây lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm để tạo ra màu đen bóng… Bánh chưng đen của người Tày dài khoảng 30cm, đường kính 6 - 7cm và dùng lạt dài cuốn chặt.

Khi bánh đã chín, để cắt bánh, bà con lấy chính sợi lạt quấn quanh thân bánh để cắt thành từng khoanh. Nhìn từ bên ngoài, bánh dẻo quánh, nhân vàng ươm màu đỗ, thơm lừng mùi hành mỡ, hạt tiêu, mùi lá dong… Nếu muốn làm mới vị giác, bạn có thể thưởng thức món bánh chưng đen nướng. Đặt chiếc bánh còn nguyên lá lên lớp than hồng cho đến khi mùi thơm của gạo nếp, thảo quả và thịt mỡ lan tỏa trong không khí, đánh thức giác quan của tất cả mọi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bánh chưng đen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO