Bánh chưng gù

Triệu Mai 01/04/2019 15:15

Tết đến, một trong những món ăn không thể thiếu đó là bánh chưng. Tại mỗi địa phương trong cả nước lại có những chiếc bánh chưng làm khác từ hình dáng đến nguyên liệu. Trong đó, bánh chưng gù Hà Giang là loại bánh truyền thống của bà con các dân tộc trong tỉnh, được nhiều thực khách thích thú.

Bánh chưng gù

Hấp dẫn bánh chưng gù Hà Giang.

Hà Giang là nơi cư trú của nhiều dân tộc như Mông, Tày, Dao, Nùng… Đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc vào dịp Tết Nguyên đán, người ta có thể bắt gặp được sự chuẩn bị làm bánh chưng gù của bà con nhiều tộc người sống nơi rẻo cao này. Trong số đó, món bánh chưng gù của dân tộc Dao Đỏ được nhiều người nhắc tới.

Vậy tại sao lại gọi là bánh chưng gù? Có nhiều cách lý giải khác nhau, song đều giống nhau ở điểm, bà con các dân tộc ở đây lấy hình ảnh người phụ nữ đeo gùi khi làm nương sẽ cúi xuống để làm việc. Mượn hình ảnh đó để ca ngợi vẻ đẹp, sự siêng năng cần cù của những người phụ nữ dân tộc sống trên rẻo cao.

Để có những chiếc bánh chưng gù thơm ngon thì công đoạn quan trọng nhất vẫn là chọn nguyên liệu làm bánh. Nguyên liệu của bánh chưng gù là gạo nếp nương trắng ngần, đỗ xanh loại nhỏ, thịt ba chỉ tươi ngon, lá dong xanh hình dang đẹp, lạt buộc.

Không giống với gói bánh chưng vuông của người Kinh thường dùng khuôn và gói nhiều lớp lá, bánh chưng gù được gói tay và chỉ sử dụng 1 lớp lá dong. Bánh chưng gù có kích thước nho nhỏ, cầm trong lòng bàn tay có cảm giác múp míp, đầy đặn. Nhờ vậy, việc bóc bánh khá dễ dàng và nếu khéo bạn hoàn toàn có thể không dính tay một chút nào.

Để tạo nên hình dáng gù cho chiếc bánh đòi hỏi sự khéo léo của người gói. Cụ thể, cách gói là cho gạo nếp dải đều lên chiếc lá dong, sau đó cho thêm đỗ và thịt ba chỉ, gấp 2 mép của chiếc lá dong lại làm sao để tạo nên hình dáng gù cho chiếc bánh- công đoạn này đòi hỏi cực kỳ khéo léo vì nếu không bánh sẽ không cân đối, không đẹp. Sau khi đã gấp mép sẽ dùng lạt buộc buộc 2 đầu lại rồi cho đi luộc. Thời gian luộc bánh ước tính khoảng 8 giờ đồng hồ. Một chiếc bánh chưng gù đặc sản Hà Giang chuẩn vị là khi thưởng thức bạn có thể cảm nhận được vị thơm dẻo của gạo nếp nương, vị bùi của đỗ và vị béo ngậy của thịt.

Hiện ở Hà Giang có nhiều làng bản làm nghề bánh chưng gù. Ví như tại thôn Bản Tùy (xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang) có tới 90% các hộ dân trong thôn đều làm bánh chưng gù, mỗi ngày các cơ sở sản xuất hàng nghìn chiếc bánh. Đối với bánh chưng gù thôn Bản Tùy có màu xanh hoặc đen tượng trưng cho những dãy núi Hà Giang và ý chí con người nơi đây. Màu xanh của bánh được bà con lấy từ nước cốt lá riềng, màu đen từ tro cây sương muối, đều là những công thức truyền thống. Gạo và thịt cũng được lựa chọn cẩn thận.

Theo đó, thịt lợn làm nhân được bà con trực tiếp chọn mua lợn và tự mổ, gạo nếp là gạo Khum được đặt mua tại Bắc Mê, cùng với đó là các nguyên liệu đi kèm như: hạt tiêu, đỗ, lá dong... Chính điều này đã tạo nên những chiếc bánh mang dấu ấn và “thương hiệu” của bà con ở thôn Bản Tùy.

Tiếng lành đồn xa, đến nay bánh chưng gù Hà Giang đã có mặt ở nhiều cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Đăk Lăk... Nhiều dịch vụ bán hàng online cũng sẵn sàng đưa bánh chưng gù Hà Giang đến với thực khách ở nhiều vùng miền đất nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bánh chưng gù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO