Báo chí, bản lĩnh và niềm tin

Cẩm Thuý (thực hiện) 17/03/2019 08:00

LTS: Có lẽ hiếm khi nào, báo giới cả nước lại có một cuộc tề tựu đông đảo và náo nức như tại Hội báo toàn quốc 2019 những ngày này. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đặt báo chí đứng trước những thuận lợi chưa từng có nhưng đồng thời cũng là một thách thức rất lớn.

Trong phát biểu khai mạc Hội báo toàn quốc 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ tình trạng báo chí giật tít giật gân, kích động, nhất là làm ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển của đất nước. Trong chỉ đạo, Thủ tướng cũng đã đề cập đến trách nhiệm của báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng chống suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Bên lề Hội báo toàn quốc 2019, chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến về những cơ hội và thách thức của những người làm báo Việt Nam nói chung và vai trò, vị trí của tờ báo Mặt trận nói riêng trong trách nhiệm lan toả những điều tốt đẹp, đấu tranh với cái xấu, cái ác, góp phần quan trọng vào củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Báo chí, bản lĩnh và niềm tin

Ông Phạm Thế Duyệt,

Ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Uỷ viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Báo chí góp phần tạo niềm tin cho nhân dân

PV: Ông đánh giá và kỳ vọng gì đối với báo chí trong đóng góp chung cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc hiện nay?

Ông Phạm Thế Duyệt: Có một vấn đề từ lúc tôi đương chức đến bây giờ qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội, Đảng vẫn đang phải làm quyết liệt. Đó là xây dựng chỉnh đốn Đảng. Nếu để nhân dân mất niềm tin thì không thể có đại đoàn kết dân tộc.

Báo chí bây giờ phải góp phần vào công cuộc chống tham nhũng tiêu cực, suy thoái, biến chất của cán bộ đảng viên. Không làm rõ được những cái đó thì dân không tin, không đoàn kết được. Phải ý thức được đấu tranh chống tham nhũng là để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Loại bỏ những cán bộ hư hỏng ra khỏi Đảng, ra khỏi bộ máy nhà nước là để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Để không phải chỉ trước đây mà ngay cả bây giờ nhân dân vẫn có đủ niềm tin vào Đảng ta. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Trung ương 4 khóa XII đều nói về xu thế suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, xuất phát từ sự suy thoái, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên.

Đây có phải là vấn đề lớn nhất ông gửi gắm vào các tờ báo trong giai đoạn hiện nay?

- Trong tình hình mới báo chí phải cố gắng nhiều. Báo chí phải tỏ rõ chính kiến, phát hiện vấn đề, tham gia đóng góp xây dựng bộ máy chính quyền được nhân dân tin tưởng. Đảng là của dân, do dân mà có Đảng. Đây cũng là điều tôi mong mỏi rất nhiều ở tờ báo Mặt trận góp phần với Đảng xây dựng được niềm tin của nhân dân, trong chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái của cán bộ đảng viên. Việc này báo cũng đã làm nhưng đấu tranh chưa mạnh, cần phải làm mạnh hơn. Báo Đại Đoàn Kết phải mạnh dạn góp phần vào giám sát - phản biện xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cùng với các tờ báo khác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần với Đảng chống tham nhũng, tiêu cực thành công, tạo dựng lại niềm tin cho nhân dân.

Thưa ông, Mặt trận là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện hoạt động theo cơ chế hiệp thương dân chủ tạo sự đồng thuận, tạo sự đoàn kết. Mặt trận tôn trọng tất cả các ý kiến khác nhau, những ý kiến khác biệt miễn là đạt được mục tiêu chung để bảo vệ và xây dựng đất nước. Là tờ báo của Mặt trận, Đại Đoàn Kết đã và nên tiếp tục thể hiện điều đó như thế nào?

- Tờ báo là tiếng nói của Mặt trận, cho nên việc của Mặt trận thế nào quyết định đến nội dung của tờ báo thế ấy. Tờ báo là nơi quy tụ tất cả các tầng lớp, các giai cấp, tất cả các tôn giáo, các dân tộc, tất cả đồng bào ta ở nước ngoài… của Mặt trận, nó được phản ánh sâu sắc trên báo Đại Đoàn Kết. Điều này thể hiện trên nhiều trang báo, nhiều bài viết, nhiều nhân sĩ trí thức và kiều bào gửi bài đăng trên báo Đại Đoàn Kết, ai cũng có thể nói lên tiếng nói của mình miễn là cùng tôn trọng và phấn đấu cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đấy chính là Mặt trận, đấy chính là đại đoàn kết.

Xây dựng đất nước phải bắt đầu từ từng gia đình, từng khu dân cư, thôn làng, ấp bản. Mặt trận đi sâu vào vận động động viên tất cả các tầng lớp nhân dân ở các khu dân cư thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng khu dân cư văn hóa. Bây giờ ở thời kỳ mới chúng ta vẫn đang tiếp tục làm việc này, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Những việc này tôi thấy tờ báo cũng đang tuyên truyền rất tốt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Báo chí, bản lĩnh và niềm tin - 1

Ông Hồ Quang Lợi.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Chuẩn mực người làm báo

Với sức mạnh công khai, rộng khắp, tác động nhanh và mạnh, báo chí đã góp phần đắc lực vào việc phát hiện, phản ánh những bất cập, thói hư, tật xấu trong văn hoá, góp phần xây dựng những chuẩn mực văn hoá ứng xử tốt đẹp hơn. Báo chí tuyên truyền, cổ động cho các cuộc vận động xây dựng văn hoá ứng xử, phát hiện cổ vũ những gương người tốt, những tấm gương điển hình, những cách làm hay, phê phán những biểu hiện lệnh chuẩn về văn hoá ứng xử… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí, nhà báo thiếu quan tâm đến văn hoá ứng xử, chuẩn mực văn hoá ứng xử, thiếu gương mẫu, thậm chí vi phạm các quy tắc, qui định, vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến thanh danh, uy tín cá nhân, tổ chức, cộng đồng…

Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Đây là những quy tắc, quy định thể hiện trong đó những chuẩn mực văn hoá ứng xử của người làm báo Việt Nam trong hoạt động nghề nghiệp và cả trong cuộc sống.

Báo chí, bản lĩnh và niềm tin - 2

Ông Hà Huy Phượng.

PGS.TS Hà Huy Phượng - Trưởng khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Báo chí và mạng xã hội phải cùng tạo ra giá trị

PV: Thưa ông, trong xu hướng cạnh tranh thông tin rất khốc liệt hiện nay, làm thế nào để vừa phải đảm bảo thông tin khách quan chính xác lại vừa nhanh nhạy nhất, tức là vừa nhanh vừa giữ được đạo đức nghề nghiệp?

PGS.TS Hà Huy Phượng: Muốn làm được thì nhà báo phải chuyên nghiệp, tức là đảm bảo tính quy chuẩn nghề nghiệp: Quy chuẩn về kiến thức, quy chuẩn về kỹ năng, quy chuẩn về kỹ thuật công nghệ.

Mạng xã hội đang chi phối và rất nhiều khi làm nhiễu loạn thông tin. Ông có thể nói gì về việc này?

- Ở ta hiện nay vì sao công chúng lại quan tâm đến mạng xã hội hơn? Đó là bởi vì trong rất nhiều trường hợp báo chí đang đi sau mạng xã hội, mặc dù vẫn được hiểu là không chính thống, thì chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng nhiều lúc mạng xã hội đang đi trước. Làm thế nào để cả báo chí và mạng xã hội đều mang lại giá trị? Muốn vậy những người tham gia mạng xã hội cũng phải có những chuẩn mực ứng xử.

Ví dụ Hội Nhà báo đưa ra quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam là một cách để định chế một phần công dân bao gồm các nhà báo, tức là những người khi đã đưa thông tin thì đó phải là việc đưa ra những giá trị trên mạng xã hội. Tức là thông tin của nhà báo không giống thông tin của những người bình thường khác, là thông tin của nhà báo phải có giá trị, trong khi thông tin của đa số mọi người khác chỉ là đưa thông tin một cách hồn nhiên.

Trong đào tạo sinh viên báo chí, các thầy đề cập đến câu chuyện khai thác thông tin trên mạng xã hội như nào để không sa vào bẫy truyền thông?

- Nguồn tin ở trên mạng xã hội là quan trọng, nhưng không có nghĩa là báo chí hồn nhiên khai thác ở đó. Và tôi rất tiếc là báo chí vẫn thường đi chậm một bước so với mạng xã hội. Báo chí phải phấn đấu đi trước và định hướng được thông tin cho mạng xã hội. Trở lại vẫn là câu chuyện nghề nghiệp, vừa đòi hỏi kiến thức, kỹ năng vừa đòi hỏi đạo đức nhà báo.

Vấn đề đào tạo cũng là một phần, các nhà báo ngày nay cần phải tự đổi mới. Phải thường xuyên cập nhật, ý thức học tập của cá nhân là quan trọng. Thế hệ làm báo ngày xưa vẫn tự học của nhau.

Trân trọng cảm ơn ông!

Báo chí, bản lĩnh và niềm tin - 3

Ông Nguyễn Linh Khiếu.

PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu: Để giữ đạo đức thì phải có bản lĩnh

PV: Ông có nhận xét gì về không khí báo chí nước nhà thời gian gần đây, trong bối cảnh thông tin ngày càng rộng mở và công nghệ làm báo đã phát triển rất nhanh chóng?

PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu: Báo chí nước ta chưa bao giờ có được không khí sôi nổi và hấp dẫn như thời điểm hiện nay. Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế đã thấm sâu vào đời sống báo chí truyền thông. Thông tin báo chí thật sự cập nhật, phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Công nghệ mới đã tạo ra cuộc cách mạng về truyền thông.

Có thể thấy cùng với hệ thống báo chí truyền thống, truyền thông phi truyền thống đang nhanh chóng chiếm lĩnh đời sống thông tin. Sự phát triển nhanh chóng của truyền thông đa phương tiện không chỉ thách thức các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo mà cả bạn đọc.

Thật vậy, ngay cả những người thụ hưởng các sản phẩm truyền thông cũng đang rất bối rối khi tiếp nhận thông tin và thông điệp trong môi trường báo chí vừa phong phú, đa dạng vừa phức tạp, ảo hiện nay. Không khí báo chí truyền thông thực ra cũng chỉ là bề nổi điều quan trọng là nội dung truyền thông và thông điệp truyền thông cũng đang chuyển đổi mạnh mẽ.

Trong thông điệp của Thủ tướng Chính phủ gửi đến báo chí tại Lễ khai mạc Hội báo đang diễn ra, có nhấn mạnh đến tình trạng báo chí giật tít giật gân, kích động. Là người trực tiếp làm báo và giảng dạy báo chí, ông có quan điểm gì về việc này? Làm thế nào để khắc phục tình trạng đó?

- Điều Thủ tướng nói đó là sự nhắc nhở tất cả những người làm báo chúng ta. Đó là một thông điệp hết sức sâu sắc. Sự giật tít giật gân, kích động trong đời sống truyền thông quốc tế cũng đã cho ta nhiều bài học rất đáng quan tâm. Trong đời sống báo chí nước ta việc một số tờ báo vì những lý do nhất định nào đó đúng là đã rơi vào cái bẫy này và trong chừng mực nào đó đã để lại những hệ lụy xã hội đáng tiếc. Giật tít giật gân, kích động dù với động cơ nào thì đó cũng là sự thoái hóa, lệch lạc trong hoạt động báo chí. Dĩ nhiên, tình trạng này có nhiều nguyên nhân, cũng như nhiều lý do nhưng dù nguyên nhân nào, lý do nào thì cũng cho thấy sự yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức của phóng viên và lãnh đạo đơn vị báo chí đó.

Có thể sự cạnh tranh báo chí quyết liệt và sự thúc ép về đời sống vật chất đã thúc đẩy một vài cơ quan báo chí, một số nhà báo có những việc làm như thế. Vì thế, vấn đề đặt ra là để khắc phục tình trạng này chúng ta không thể chỉ nói chung chung về phẩm chất đạo đức nghề báo, về chuyên môn nghiệp vụ mà điều cơ bản là bên cạnh việc hoàn thiện Luật Báo chí với tư cách là công cụ khách quan hướng dẫn và điều chỉnh hoạt động báo chí cho phù hợp với điều kiện mới, cần đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý báo chí trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay để cho bản thân các cơ quan báo chí, người làm báo tự thấy rằng giật tít giật gân, kích động vì những mục đích vụ lợi, trước mắt nào đó là một việc làm không cần thiết, đáng hổ thẹn.

Ông cho rằng khó khăn nhất của những người làm báo hiện nay là gì để giữ được đạo đức làm nghề? Nhất là giữa thời buổi rất dễ sa vào những bẫy thông tin giả vốn rất sẵn trên mạng xã hội?

- Cái khó khăn nhất của nhà báo để giữ được đạo đức nghề nghiệp trong điều kiện hiện nay đó là một bản lĩnh. Bản lĩnh của người cầm bút. Bản lĩnh ấy được hun đúc từ lập trường chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm xã hội của người cầm bút. Nhà báo không có một bản lĩnh vững vàng trong môi trường kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay rất dễ bị suy thoái, thoái hóa, biến chất, sa ngã.

Người làm báo phải là người có đạo đức nghề nghiệp. Bởi lẽ tác phẩm báo chí khi ra đời sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến đời sống của những cá nhân nào đó. Nếu nhà báo kém đạo đức thì tác phẩm của anh ta sẽ là tội ác. Nghề báo là nghề có rất nhiều cạm bẫy. Ai cũng vậy để thoát cạm bẫy không phải là việc dễ dàng. Người làm báo bao giờ cũng là những người năng động, nhậy cảm và nhiều trải nghiệm. Nhưng điều đó không có nghĩa anh ta đủ năng lực và phẩm chất để không bị cám dỗ và tránh được cạm bẫy. Nhất là trong môi trường truyền thông xã hội với những thông tin thật giả lẫn lộn hiện nay. Muốn giữ được đạo đức nghề nghiệp, không bị sa vào những cái bẫy của thông tin giả thì nhà báo bên cạnh phải có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức nghệ nghiệp, tinh thông chuyên môn nghiệp vụ, cần phải thực sự có kỹ năng sống, kỹ năng nhận diện cái xấu, cái ác và phải dũng cảm dấn thân chống lại cái ác, cái xấu. Ngoài ra, khách quan mà nói, cần thiết phải có một chế tài đủ mạnh để nhà báo không thể không giữ vững đạo đức nghề báo.

Thủ tướng cũng có đề cập đến nhiệm vụ của báo chí trong việc đấu tranh chống lại việc chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực... Ông suy nghĩ về vấn đề này thế nào?

- Rõ ràng ở đây, Thủ tướng đã nhắc nhở báo chí hiện nay cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Đấu tranh chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực nhìn chung thời gian qua báo chí đã thực hiện khá tốt và đạt hiệu quả xã hội cao. Nhất là gần đây, báo chí đã tích cực đồng hành cùng sự nghiệp “đốt lò” do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khởi xướng. Dĩ nhiên, tính chủ động, sáng tạo, tiên phong, quyết liệt của báo chí trong đấu tranh chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực chưa thể hiện đúng được lợi thế, vị thế và vai trò xã hội của báo chí.

Riêng nhiệm vụ đấu tranh chống lại việc chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc còn chưa được các cơ quan báo chí quan tâm đúng mức. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, phong phú về tôn giáo tín ngưỡng lại đang trong quá trình chuyển đổi, vì vậy vấn đề đại đoàn kết dân tộc, đồng thuận xã hội và thống nhất cộng đồng là một yêu cầu xã hội đang đặt ra. Thực vậy, để phát triển thì xã hội phải đồng thuận và đoàn kết. Một xã hội chia rẽ, nhất là chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo là một xã hội suy thoái đứng trước nguy cơ tan rã. Vì vậy, đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của các cơ quan công quyền mà còn là nhiệm vụ quan trọng của tất các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có báo chí. Rõ ràng, báo chí nước ta cần tích cực và chủ động hơn nữa trong đấu tranh chống lại việc chia rẽ khối đại đoàn Kết dân tộc.

Đối với một tờ báo như báo Đại Đoàn Kết, cơ quan của Mặt trận, thì theo ông, trong giai đoạn hiện tại, giữ vai trò như nào trong trách nhiệm củng cố, đoàn kết dân tộc, gia tăng đồng thuận xã hội, thu hẹp phân tâm?

- Báo Đại Đoàn Kết là một tờ báo lớn, có truyền thống vẻ vang luôn luôn được bạn đọc cả nước yêu quý và tin cậy. Không đơn thuần là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo Đại Đoàn Kết hiện diện trong đời sống xã hội và đời sống báo chí nước nhà là một tờ báo tin cậy của mọi nhà, có uy tín xã hội lớn. Vừa tích cực, chủ động tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vừa là tiếng nói phản ánh kịp thời mọi tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, trong lĩnh vực đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết xã hội, thống nhất cộng đồng và đồng thuận xã hội báo Đại Đoàn Kết là tờ báo tiên phong và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Trong bối cảnh chuyển đổi và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, báo Đại Đoàn Kết cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa những thành tựu to lớn đã đạt được, nhất là trong lĩnh vực chống lại việc chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhân rộng những lý thuyết xã hội, những mô hình, tấm gương, việc làm… thiết thực góp phần củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thuận xã hội và đoàn kết xã hội là việc làm cập thiết.

Bên cạnh đó, với vị trí, vai trò của mình, rõ ràng báo Đại Đoàn Kết cần chủ động là cơ quan báo chí đi đầu dẫn dắt, thuyết phục, lôi cuốn mọi đơn vị báo chí, mọi nhà báo cả nước tích cực, chủ động góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thuận xã hội và đoàn kết xã hội. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng với truyền thống vẻ vang của mình, chắc chắn báo Đại Đoàn Kết sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ lớn lao này.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Báo Đại Đoàn Kết là một tờ báo lớn, có truyền thống vẻ vang luôn luôn được bạn đọc cả nước yêu quý và tin cậy. Không đơn thuần là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo Đại Đoàn Kết hiện diện trong đời sống xã hội và đời sống báo chí nước nhà là một tờ báo tin cậy của mọi nhà, có uy tín xã hội lớn”, (PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo chí, bản lĩnh và niềm tin

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO