‘Bão’ Covid-19 vẫn thổi mạnh

Phan Quang Vũ 11/01/2021 05:44

Chỉ riêng trong ngày 9/1, các nước ASEAN đã ghi nhận thêm trên 15.000 ca mắc Covid-19, trong khi số ca tử vong tăng 247 trường hợp.

Còn tại Bolivia, Tổng thống Luis Arce thông báo nước này đã bắt đầu triển khai chương trình xét nghiệm Covid-19 nhanh, miễn phí và rộng rãi cho người dân trong bối cảnh làn sóng thứ hai của đại dịch đang tấn công mạnh vào các nước khu vực Nam Mỹ.

1. Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23h59 ngày 9/1/2021, các nước ASEAN ghi nhận thêm 15.259 ca mắc Covid-19, nâng tổng số lên tới hơn 1,6 triệu ca trong đó có gần 37.000 ca tử vong. Với trên 10.000 ca nhiễm và 194 ca tử vong trong ngày 9/1, Indonesia tiếp tục là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN về cả tổng số ca bệnh và ca tử vong.

Với ASEAN, tất cả các quốc gia đều tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19, và trên thực tế tình hình dịch bệnh cũng diễn biến khác nhau ở từng quốc gia.

Với Thái Lan, số ca bệnh đã vượt ngưỡng 10.000 người, trong khi giới chức y tế nước này hy vọng làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ giảm bớt vào cuối tháng này. Đến nay đợt bùng phát Covid-19 mới đã lây lan ra 58/77 tỉnh, thành của Thái Lan. Trong đó, tâm dịch vẫn là Samut Sakhon, tiếp đó là Chonburi, Bangkok, Samut Prakanvà Ang Thong.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan Opas Kankawinpong, việc số ca lây nhiễm mới ít dần trong 1 tuần qua ở 20 tỉnh, thành là dấu hiệu tích cực. Con số 28 “vùng đỏ” trên phạm vi cả nước có thể sẽ được rút bớt trong một vài ngày tới. Tuy rằng 5 tỉnh có số lượng lây nhiễm cao nhất là Chanthaburi, Chon Buri, Trat, Rayong và Samut Sakhon thì vẫn nằm trong diện kiểm soát tối đa.

Tại Malaysia, nói với tờ Straits Times, Bộ trưởng Y tế nước này, Adham Baba, cho biết hoạt động đi lại liên bang và liên quận có thể bị siết chặt trong nỗ lực giảm ca lây nhiễm Covid-19. Thủ tướng Muhyiddin Yassin dự kiến sẽ công bố chính thức về quyết định này vào ngày 11/1. Ngoài biện pháp siết chặt đi lại, Bộ Y tế Malaysia cũng khuyến cáo Uỷ ban An ninh quốc gia thực hiện nghiêm ngặt hơn các quy trình tuân thủ tiêu chuẩn phòng dịch Covid-19.

Trước đó, tháng 3/2020, Chính phủ Malaysia lần đầu tiên ban hành lệnh kiểm soát đi lại. Các hoạt động tụ tập tôn giáo, thể thao, xã hội và văn hoá bị cấm.

Tại Indonesia, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết, một khoản tiền lớn “chưa từng thấy” đã được đổ vào nền kinh tế trong năm 2020; đồng thời cảnh báo rằng ngân sách nhà nước có giới hạn và không thể một mình giải cứu nền kinh tế. Thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2020 của nước này đã tăng lên mức kỷ lục là hơn 69 tỷ USD, dẫu thế thì các hộ gia đình lẫn doanh nghiệp vẫn phải vật lộn với suy thoái kinh tế.

Hồi đầu năm 2020, Chính phủ Indonesia đã ban hành một quy định và được Hạ viện thông qua nhằm nâng thâm hụt ngân sách nhà nước vượt quá giới hạn pháp lý trước đó là 3% GDP để ứng phó với đại dịch Covid-19. Chính phủ Indonesia đang đặt mục tiêu đưa giới hạn thâm hụt ngân sách trở về mức 3% GDP vào năm 2023.

Nhân viên y tế Malaysia đứng cạnh bức tranh tường kêu gọi phòng chống đại dịch Covid-19. Ảnh: Straits Times.

2. Ngày 10/1, Tổng thống Bolivia Luis Arce thông báo nước này đã bắt đầu triển khai chương trình xét nghiệm Covid-19 nhanh, miễn phí và rộng rãi cho người dân.

Ông Arce cho biết chương trình xét nghiệm được triển khai đầu tiên tại thủ đô La Paz và tiếp đó sẽ mở rộng ra cả nước, qua đó phát hiện sớm các ca nhiễm bệnh và giúp cho các bệnh nhận được điều trị sớm tại các cơ sở y tế.

Giới chức y tế cho rằng với việc đưa vào áp dụng chương trình xét nghiệm nhanh, miễn phí và đại trà có thể sẽ làm số lượng ca nhiễm mới gia tăng trong thời gian tới. Chiến dịch xét nghiệm được khởi động 1 ngày sau khi Bolivia ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 3, với 2.263 trường hợp. Các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch là Santa Cruz, La Paz và Cochabamba. Tại các địa phương này đã xuất hiện tình trạng quá tải của các bệnh viện công.

Đến nay quốc gia Nam Mỹ Bolivia đã ghi nhận hơn 171.000 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 9.000 trường hợp tử vong. Chính phủ Bolivia đang đẩy nhanh quá trình đàm phán mua 5,2 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga và dự kiến sẽ tiếp nhận 2 triệu liều vaccine do Hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Trường Đại học Oxford của Anh bào chế trong khuôn khổ cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX của Liên hợp quốc để có thể khởi động chiến dịch tiêm chủng từ tháng 3 tới.

Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến nay, Bolivia đã nhiều lần phải áp dụng những biện pháp khẩn cấp y tế. Kể cả phải hoãn nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia. Ngày 23/7, Tòa án Tối cao Bolivia đã buộc phải quyết định lùi thời điểm tổ chức cuộc tổng tuyển cử tại nước này 3 tháng. Theo Chánh án Salvador Romero, thì việc lùi tổng tuyển cử sang một thời điểm mới sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.

Cùng cần nhắc lại, đó là lần hoãn tổng tuyển cử thứ hai của Bolilvia. Trước đó, với lịch ban đầu được ấn định vào ngày 3/5 sau đó phải lùi tới ngày 6/9, và rồi lại hoãn tiếp.

Tình hình dịch Covid-19 ở Bolivia được cho là căng thẳng hơn khi người ta phát hiện ra một loại virus hiếm lây truyền từ người sang người, thuộc họ virus sốt xuất huyết, giống Ebola; được đặt tên là virus Chapare.

Theo tờ The Guardian (Anh), các nhà khoa học cho biết vào năm 2019, hai bệnh nhân đã lây truyền virus Chapare cho 3 nhân viên y tế tại một bệnh viện ở thủ đô La Paz của Bolivia. 1 trong 2 bệnh nhân và 2 nhân viên y tế sau đó đã tử vong.

Ông Caitlin Cossaboom, nhà dịch tễ học cho rằng loại virus này lây qua dịch cơ thể và vì thế chúng dễ dàng lây nhiễm hơn các loại virus lây qua đường hô hấp, kể cả như virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Bà Maria Morales-Betoulle, một chuyên gia nghiên cứu bệnh học cho rằng, nếu không tìm hiểu kỹ về loại virus này thì rất có khả năng dẫn đến khả năng bùng phát một dịch bệnh mới trong tương lai.

Vẫn theo bà Maria, có thể virus này đã lưu hành trong một vài năm mà chưa được phát hiện vì dễ bị chẩn đoán nhầm là sốt xuất huyết, một loại virus gây các triệu chứng tương tự. Các nhà khoa học cho biết họ cần tiếp tục nghiên cứu về loại virus này để hiểu rõ khả năng bùng phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Bão’ Covid-19 vẫn thổi mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO