Báo động cận thị học đường

Duy Anh 30/01/2018 10:00

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, tỷ lệ trẻ em mắc các tật khúc xạ mắt đang ngày càng tăng cao. Có 3 loại tật khúc xạ mà lứa tuổi học đường hay mắc phải là cận thị, viễn thị và loạn thị, trong đó cận thị là tật khúc xạ học đường phổ biến nhất chiếm tới 2/3 số ca mắc. Thống kê mới đây cho thấy học sinh bậc phổ thông bị tật khúc xạ học đường nhiều nhất, chiếm tới 70%.

Báo động cận thị học đường

Tỷ lệ trẻ em mắc các tật khúc xạ mắt đang ngày càng tăng cao.

Tật khúc xạ, trong đó chủ yếu là cận thị học đường tập trung nhiều ở các đô thị như Hà Nội, TP HCM… với trên 40% học sinh phổ thông mắc phải. Theo các chuyên gia y tế, chứng cận thị cũng có 2 loại: Cận thị trục (cận thị đơn thuần) là sự mất quân bình giữa chiều dài của mắt và lực khúc xạ của nó. Nhưng 2 chỉ số này vẫn nằm trong giới hạn bình thường.

Đây là loại cận thị thường gặp, bắt đầu ở lứa tuổi đi học, nhỏ hơn 6 độ, không có những tổn thương thực thể ở mắt. Còn cận thị bệnh lý: chiều dài của mắt quá giới hạn bình thường. Cận trên 6 độ có thể 20 – 30 độ. Có những tổn thương, hư biến ở mắt, có tính di truyền.

Trên thực tế rất nhiều học sinh do việc học tập quá căng thẳng, phải học ở trường, học tăng tiết, học thêm..., việc tập trung nhìn trong thời gian dài, có thể sẽ dẫn đến cận thị.

Mặt khác, ở thành phố do điều kiện nhà ở chật hẹp, trẻ xem tivi quá gần cũng làm cho thị lực suy giảm. Tình trạng sử dụng vi tính, chơi trò điện tử đòi hỏi sự tập trung cao độ làm cho mắt phải điều tiết nhiều giờ liền có thể dẫn đến mỏi mắt, cận thị do “co quắp điều tiết”.

Tại hội thảo “Tật khúc xạ học đường” vừa được Dự án Viện mắt trẻ em tổ chức tại TP HCM, các số liệu được đưa ra cho thấy, học sinh bị khúc xạ học đường tại Việt Nam chủ yếu bắt đầu từ 6 tuổi đến hơn 18 tuổi (chiếm hơn 70%) - chủ yếu học sinh trong độ tuổi phổ thông. Đây cũng là độ tuổi mà cận thị phát triển nhanh nhất. Theo các chuyên gia tật cận thị chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân khách quan và có thể phòng tránh được.

Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết ttbị điện tử trên 3 giờ mỗi ngày, mắt sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực 90%. Trong khi đó, theo thống kê tại Việt Nam, trung bình mỗi người hiện sử dụng màn hình các thiết bị điện tử một ngày gần 10 giờ (dùng máy tính bảng 5 giờ 10 phút, điện thoại 2 giờ 40 phút, xem tivi 2 giờ). Việc xem các thiết bị điện tử vượt gấp nhiều lần chuẩn cho phép được cho là nguyên nhân khiến tỉ lệ bị bệnh về tật khúc xạ học đường tăng cao tại Việt Nam.

Để phòng tránh tật khúc xạ tuổi học đường, các chuyên gia chuyên khoa mắt của Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: Học sinh phải có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ 1 giờ phải nghỉ 10 – 15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.

Cùng với đó, việc điều chỉnh tư thế ngồi học ngay từ bậc tiểu học cần được đặc biệt chú ý, rèn giũa để thành thói quen, từ đó mới có thể hạn chế được sự phát triển các bệnh về mắt hay cong vẹo cột sống trong học sinh ở các bậc học tiếp theo.

Tuy nhiên, thực tế đáng bàn là ở nhiều trường học hiện nay, với sĩ số học sinh quá đông, việc nhắc nhở thường xuyên của giáo viên tới từng học sinh là không khả thi. Vì lẽ đó, việc rèn tư thế ngồi học, đọc sách, xem tivi của con cái khi ở nhà cũng là việc quan trọng để hạn chế cận thị và các tật khúc xạ về mắt.

Để hạn chế tật khúc xạ, cũng cần thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt. Đặc biệt, trẻ em phải ngủ đủ từ 8 - 10 tiếng một ngày; dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể. Các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi khám kiểm tra mắt mỗi 6 tháng một lần tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều... để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo động cận thị học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO