Sau Tết, liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông khiến nhiều người tử vong, nhiều người phải nhập viện. Điều đó tiếp tục gióng lên tiếng chuông báo động…
Nhiều vụ tai nạn thương tâm
Mới đây, vụ tai nạn giao thông nghim trọng tại Quảng Nam khiến 10 người tử vong đã thu hút sự chú ý của dư luận. Cụ thể, vào sáng 14/2, 21 người chủ yếu là bệnh nhân đi ôtô Ford Transit 16 chỗ từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng khám bệnh. Đến ngã tư đường Võ Chí Công giao với đường dẫn xuống cảng Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, ôtô khách đâm vào rơ moóc của xe đầu kéo, bị kéo lê một đoạn và lật ngửa. 6 người trên ôtô khách tử vong tại chỗ, 4 người tử vong tại bệnh viện.
Dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy tốc độ xe khách Ford Transit lúc tai nạn là 69 km/h, 10 giây trước 73 km/h. Ôtô này đã chạy vào đường cấm vì đoạn 26,5 km đường Võ Chí Công cấm xe tải và xe khách, phương tiện khác chỉ được chạy tối đa 60 km/h. Xe đầu kéo lúc tai nạn chạy 30 km/h, 10 giây trước 48 km/h, trong giới hạn cho phép. Hai xe đều còn hạn đăng kiểm.
Cũng trong ngày 14/2, tài xế Phạm Văn Sinh, 35 tuổi, lái ôtô biển Đồng Tháp, chở 2 người cùng hàng từ thiện (quần áo, thực phẩm) chạy hướng Kon Tum đi Quảng Nam, theo quốc lộ 40B. Khi đi lên đỉnh đèo Văn Rơi (đèo cũ) thấy đường dốc, tài xế cho ôtô quay đầu lại xuống đèo thì xe bị lật. Tai nạn khiến phụ xe Nguyễn Phú Minh Lâm (38 tuổi) tử vong, lái xe và người còn lại bị thương.
Sau Tết, số người tham gia giao thông đã tăng lên đáng kể. Theo đó, những vụ va chạm giao thông cũng diễn ra ở nhiều tỉnh, thành. Để đảm bảo an toàn giao thông dịp lễ hội xuân, lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tăng cường năng lực vận tải, siết chặt kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện và người lái, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé; đồng thời tiếp tục kiểm soát các lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ; ôtô kinh doanh vận tải chở quá tải trọng về hàng hóa, chở quá số người quy định.
Tăng cường giám sát
Trở lại vụ tai nạn giao thông diễn ra hôm 14/2 tại Quảng Nam khiến 10 người tử vong, mặc dù đang được cơ quan chức năng điều tra, song nó cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Theo cơ quan công an, vụ tai nạn xảy ra lúc sáng sớm, trời có sương mù, hạn chế tầm nhìn. Xe khách gặp nạn lưu thông trên tuyến đường chưa được bàn giao, nghiệm thu đưa vào khai thác.
Theo Thượng tá Phạm Viết Tiến - Trưởng Công an huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), Cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện đang tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 10 người chết tại ngã tư giao nhau giữa đường Võ Chí Công và đường dẫn xuống cảng Tam Hiệp. Đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vì vậy cơ quan điều tra cần thời gian để xác định chính xác lỗi thuộc về ai, đơn vị nào mới đưa ra quyết định tiếp theo.
Ở góc độ pháp lý, trao đổi với báo chí, luật sư Bùi Quang Nghiêm - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Nghiêm Chính (TPHCM) cho rằng, vấn đề về biển báo, biện pháp ngăn chặn không cho xe đi vào đường chưa đủ điều kiện phương tiện lưu thông cần phải xem xét rất cụ thể. Theo luật sư, đường chưa được bàn giao sử dụng nhưng chủ đầu tư có đặt biển cấm, có biện pháp che chắn hay không, đặt như thế nào, lái xe có dễ quan sát nhận biết hay không? Cơ quan chức năng phải làm rõ việc tài xế và chủ phương tiện có biết lái xe, có biết việc cấm hay không. Trong khi đó, thống kê cho thấy, gần đây nhiều vụ tai nạn giao thông khiến nhiều người thiệt mạng thường xảy ra từ 0-6h sáng - thời điểm tài xế gặp nhiều bất lợi khi điều khiển phương tiện.
Trước vụ tai nạn giao thông tại Quảng Nam hơn 1 tháng, khoảng 2h sáng ngày 18/1, xe khách hướng Hà Nội - Sơn La, đến km130+500, Quốc lộ 6 (địa phận huyện Mai Châu) bất ngờ mất phanh rồi va chạm với 2 xe mô tô, khiến 4 người tử vong.
Tương tự, 1h45 đêm 16/1, tại đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe khách di chuyển ngược chiều nhau khiến 1 người chết và 26 người bị thương.
Khi nhu cầu đi lại của người dân trong đêm ngày càng tăng, thì đó cũng là khi vấn đề đảm bảo an toàn giao thông cần được hết sức lưu ý. Theo các chuyên gia, khoảng thời gian từ 0-6h sáng là thời điểm lái xe thường có trạng thái mệt mỏi, thiếu tỉnh táo dẫn đến khả năng nhận biết, phản xạ và xử lý tình huống bị giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm đường vắng nên lái xe, người đi đường thường chủ quan phóng tốc độ cao, không tuân thủ theo tín hiệu giao thông như hệ thống đèn báo hiệu. Ngoài ra, vào khung giờ này trời vẫn còn tối nên tài xế gặp khó khăn hơn trong việc quan sát, nhận biết tình huống. Ngoài ra, còn có nguyên nhân không kém phần quan trọng là tình trạng một số phương tiện đã cũ, thậm chí rất cũ thường hoạt động vào khung giờ này để tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng và đón được khách (nếu hoạt động vào các khung giờ khác khi có nhiều chuyến xe hơn thì có thể hành khách sẽ không sử dụng dịch vụ của các phương tiện này).
Để phòng tránh các vụ tai nạn giao thông xảy ra, các doanh nghiệp vận tải phải có kế hoạch để bố trí lái xe phù hợp, tránh việc tập trung một hay một vài lái xe vào các khung giờ này. Lực lượng chức năng cũng cần quan tâm và xử lý nghiêm khắc hơn các xe dù, các xe kinh doanh hoạt động trá hình trên địa bàn vào các khung giờ sáng sớm. Từ phía người dân có nhu cầu di chuyển, cần có sự sắp xếp, tính toán để đi xe vào những khung giờ khác, khi đó tài xế tỉnh táo hơn và điều kiện ánh sáng cũng thuận lợi cho việc quan sát.