Bảo hiểm xã hội Hậu Giang nỗ lực chuyển đổi số

Lan Hương 14/03/2023 14:26

Với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả giải quyết công việc hành chính”, BHXH tỉnh Hậu Giang đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ.

100% TTHC thực hiện trên không gian số

Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, trong năm 2022 BHXH tỉnh Hậu Giang đã quyết liệt triển khai đẩy mạnh thanh toán điện tử và bảo đảm các điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tăng cường thực hiện giao dịch điện tử; giám định và thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT trên Hệ thống Giám định BHYT. Đặc biệt là triển khai mạnh mẽ việc cập nhật bổ sung số Định danh cá nhân/Căn cước công dân của người tham gia trong cơ sở dữ liệu BHXH Việt Nam quản lý. Đến nay, theo thống kê BHXH tỉnh Hậu Giang đã cung cấp 100% dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) của ngành BHXH Việt Nam; cung cấp 20 DVC thuộc 14 TTHC của BHXH Việt Nam trên Cổng DVC Quốc gia; cung cấp 07 DVC trên ứng dụng “VssID - BHXH số”.

Với những kết quả đạt được trong năm 2022, BHXH tỉnh Hậu Giang được xếp loại xuất sắc và đạt hạng Nhất trong nhóm các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC. Riêng bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc BHXH tỉnh được tặng Bằng khen UBND tỉnh do có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức triển khai thực hiện Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động của Cổng thông tin điện tử, duy trì hoạt động các trang thông tin BHXH tỉnh trên nền tảng thông tin mạng xã hội và chương trình truyền thông trực tuyến, giúp trả lời các câu hỏi, thắc mắc, trao đổi về các nội dung liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đảm bảo chính xác, nhanh chóng, kịp thời, nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia.

Có được kết quả trên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc BHXH tỉnh Hậu Giang cho biết, với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả giải quyết công việc hành chính”, BHXH tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện tốt công tác CCHC, ứng dụng CNTT trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ. Đồng thời, BHXH tỉnh luôn xác định thực hiện chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ, của ngành cũng như các kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giảm thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi nhất cho các đơn vị, cá nhân giao dịch với cơ quan BHXH, nâng cao chất lượng công tác và phục vụ. Nhờ đó hiện nay tất cả các TTHC của ngành đều được thực hiện trên không gian số, giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động và người lao động. “Với nền tảng CNTT, chuyển đổi số, BHXH tỉnh đẩy mạnh vận động, khuyến khích người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không dùng tiền mặt chiếm 51% trên tổng số người hưởng ở khu vực thành thị, đạt 108% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao”, bà Xuân cho biết.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Cùng với việc cải cách TTHC, thực hiện đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06), của Chính phủ, BHXH tỉnh Hậu Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư mọi nguồn lực tối ưu thực hiện đề án.

Theo đó, đã phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan để liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; phối hợp với Cục Thuế để rà soát, khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; chia sẻ dữ liệu thẻ BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT phục vụ công tác KCB; cập nhật, bổ sung số định danh cá nhân/căn cước công dân của người tham gia trong cơ sở dữ liệu BHXH Việt Nam quản lý và cài đặt, phê duyệt, sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số” để từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT.

Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Hậu Giang đã thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Theo đó, tính hết năm 2022 toàn tỉnh có trên 84.000 người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 22,46% lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó có 19.998 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt tỷ lệ 101% kế hoạch UBND tỉnh giao; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là gần 59.000 người, đạt tỷ lệ 105% kế hoạch UBND tỉnh giao; số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trên 687.000 người, tỷ lệ bao phủ chiếm 94,24% dân số.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 495.509 người tham gia BHXH, BHYT đã xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chiếm tỷ lệ 79,1% so với tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh; đồng thời, thực hiện cài đặt, phê duyệt tài khoản giao dịch điện tử cá nhân và sử dụng ứng dụng “VssID-BHXH số” được 78.719 người, đạt 119,2% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Có thể thấy, việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong CCHC, ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số, đã tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thị Thanh Xuân, nhấn mạnh: “BHXH tỉnh tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tăng cường ứng dụng CNTT, triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số”; góp phần xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam số, đáp ứng sự hài lòng của tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo hiểm xã hội Hậu Giang nỗ lực chuyển đổi số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO