Bạo loạn, Brazil bất ổn

Thanh Đức 10/01/2023 07:23

Hàng ngàn người ủng hộ cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã tiến vào Tòa nhà Quốc hội, Văn phòng Tòa án tối cao và Văn phòng Tổng thống nước này hôm 8/1 để phản đối điều mà họ cho rằng đã có gian lận bầu cử. Ngày 9/1, cảnh sát Thủ đô Brasilia cho biết đã “quét sạch người biểu tình, 400 kẻ bạo loạn bị bắt".

Người biểu tình tràn vào Tòa nhà Quốc hội Brazil ngày 8/1. Ảnh: Reuters.

Ngày 9/1, Thống đốc Ibaneis Rocha nói với truyền thông quốc tế rằng cảnh sát đã "quét sạch” người biểu tình. "Họ sẽ phải trả giá cho những tội ác đã gây ra. Chúng tôi đang tiếp tục xác định tất cả những người tham gia vào hành động khủng bố này và sẽ lập lại trật tự".

Trước đó, hàng ngàn người biểu tình đã vượt qua hàng rào an ninh, trèo lên mái nhà, đập vỡ cửa sổ và xâm chiếm cả 3 tòa nhà Quốc hội, Văn phòng Tòa án tối cao và Văn phòng Tổng thống. Một số người biểu tình kêu gọi can thiệp quân sự để khôi phục quyền lực cho ông Bolsonaro (cựu Tổng thống) hoặc lật đổ ông Lula da Silva (Tổng thống đắc cử).

Phát biểu tại một cuộc họp báo từ bang Sao Paulo, ngày 9/1, Tổng thống Lula cáo buộc ông Bolsonaro khuyến khích cuộc nổi dậy ngày 8/1. “Chưa có tiền lệ cho những gì họ đã làm. Những người này cần phải bị trừng phạt. Cần có sự phối hợp liên bang để chống lại những kẻ bạo loạn".

Cảnh sát đã bắn hơi cay để cố gắng giành lại quyền kiểm soát các tòa nhà. Khoảng 18 giờ 30 phút chiều 8/1 (giờ địa phương), chưa đầy 4 giờ sau cuộc bạo loạn, lực lượng an ninh đã áp giải những người biểu tình rời khỏi Tòa án tối cao và đưa họ xuống một đoạn đường dốc đến dinh Tổng thống với hai tay bị trói sau lưng.

Trong khi đó, CNN dẫn nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống cho biết, một quan chức Bộ Tư pháp Brazil, ông Ricardo Cappelli, đã “đích thân chỉ huy lực lượng an ninh dập tắt cuộc bạo loạn”. Còn lãnh đạo đảng Tự do, Valdemar Costa Neto, tuyên bố: "Tình trạng rối loạn chưa bao giờ là một phần của đất nước chúng ta. Chúng tôi cực lực lên án việc bạo loạn tấn công vào những cơ quan đầu não của đất nước. Luật pháp phải được thực thi để củng cố nền dân chủ của chúng ta" - ông Neto nói.

Trong một đoạn video, Paulo Pimeta - phụ trách Văn phòng truyền thông của Tổng thống nói: "Tôi đang ở trong văn phòng của mình trên tầng hai của Điện Planalto. Như mọi người thấy, mọi thứ đã bị phá hủy, bao gồm cả các tác phẩm nghệ thuật”.

Theo Hãng tin AP, vài tuần sau khi ông Bolsonaro thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 10/2022, hàng ngàn người ủng hộ đã tập trung tại các doanh trại quân đội trên khắp đất nước, yêu cầu quân đội can thiệp với lý do "cuộc bầu cử đã bị đánh cắp". Ông Lula đánh bại ông Bolsonaro trong cuộc bầu cử ngày 30/10/2022 và quay trở lại nắm quyền sau 12 năm bị gián đoạn. Trong khi đó, ông Bolsonaro đã rời Brazil tới Mỹ trước lễ nhậm chức của ông Lula cùng với những tuyên bố cho rằng cuộc bầu cử có nhiều gian lận.

Đứng trước tình thế căng thẳng, ngay trong lễ nhậm chức Tổng thống ngày 1/1/2023, ông Lula da Silva đã cam kết thay đổi mạnh mẽ chính sách để đưa Brazil - quốc gia lớn nhất Mỹ Latin, thoát đói nghèo và phân biệt chủng tộc. Đồng thời ông Lula cũng đưa ra lời đe dọa ngầm với người tiền nhiệm của mình - Cựu Tổng thống Bolsonaro; khi cho rằng ông này sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý do những tuyên bố chống dân chủ và cách đối phó đại dịch Covid-19 sau khi không còn quyền miễn trừ của Tổng thống. "Chúng tôi không mang bất kỳ tinh thần trả thù nào, nhưng những người gây sai lầm sẽ trả giá cho lỗi lầm của họ" - ông Lula nói.

Trong đại dịch Covid-19, có tới 680.000 người Brazil thiệt mạng, nhiều ý kiến quy kết trách nhiệm đó cho cựu Tổng thống Bolsonaro. Cùng đó, ông Bolsonaro còn bị lên án do loại bỏ các biện pháp bảo vệ môi trường ở rừng nhiệt đới Amazon, đưa ra luật kiểm soát súng đạn lỏng lẻo và làm suy yếu các biện pháp bảo vệ người bản địa và dân tộc thiểu số.

Brazil đã phải trải qua một cuộc bầu cử cực kỳ khó khăn, khi mà ông Lula da Silva - đại diện đảng Lao động (cánh tả) đã đánh bại đương kim Tổng thống Jair Bolsonaro, với số phiếu sát sao: ông Silva nhận được 50,9% số phiếu và ông Bolsonaro 49,1%.

Ông da Silva, năm nay 78 tuổi, từng giữ chức Tổng thống Brazil từ năm 2003-2010; bị bỏ tù năm 2018 vì bê bối tham nhũng khiến ông phải rời khỏi cuộc bầu cử năm đó. Kết quả, ông Bolsonaro lên nắm quyền.

Chính vì thế, sự trở lại nắm quyền của ông Lula đã phải chịu sự phản đối của những thế lực ủng hộ ông Bolsonaro. Mà việc hàng ngàn người tràn vào Tòa nhà Quốc hội, Văn phòng Tòa án tối cao và Văn phòng Tổng thống đã cho thấy điều đó.

Một bình luận của CNN cho rằng, việc hàng ngàn người biểu tình xông vào Tòa nhà Quốc hội, Tòa án tối cao cùng Văn phòng dinh Tổng thống Brazil ngày 8/1/2023 chỉ sau 8 ngày ông Lula da silva nhậm chức, đã khiến người ta liên tưởng lại vụ tấn công ngày 6/1/2021 vào Tòa nhà Quốc hội Mỹ của những người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (khi ông vẫn chưa bàn giao chức vụ cho Tổng thống đắc cử Joe Biden). Tuy nhiên, không giống như vụ tấn công năm 2021 ở Mỹ, rất ít quan chức làm việc tại Quốc hội và Tòa án tối cao Brazil khi dòng người từ bên ngoài tràn vào.

Vào tháng 10/2022, nhiều nhà phân tích chính trị đã cảnh báo rằng một "cơn bão" tương tự có thể xảy ra ở Brazil, sau khi ông Bolsonaro cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống có nhiều sai phạm, khiến ông thất bại trước ông Lula.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạo loạn, Brazil bất ổn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO