Bạo lực gia đình: Gốc rễ là bất bình đẳng giới

Lê Bảo 13/08/2020 00:00

Đây là nhận định của các chuyên gia tâm lý trước thực trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn diễn ra cho dù đã có không ít quy định nhằm hạn chế và triệt tiêu vấn nạn này.

Bạo lực gia đình đến từ người đàn ông gia trưởng, nghiện ngập.

Những con số đáng báo động

Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực gia đình gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Theo thống kê chưa đầy đủ, bình quân mỗi ngày ở nước ta có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của BLGĐ.

Còn điều tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy: Nguyên nhân trực tiếp chủ yếu làm nảy sinh hành vi bạo lực giữa vợ và chồng là do người chồng nghiện rượu, say rượu (khoảng 60%). Những gia đình này thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết về pháp luật, công việc không ổn định. Đáng chú ý chỉ tính riêng trong tháng 4/2020, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp, trong đó hơn 200 cuộc cần sự can thiệp để ngăn chặn bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.

“BLGĐ hiện không chỉ nhằm vào phụ nữ mà còn nhằm vào cả trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước. Các nghiên cứu và thực tế đã cho thấy trẻ em chịu hoặc chứng kiến bạo lực gia đình sẽ không thể phát triển hài hòa cả về thể chất, tinh thần và nhân cách như những đứa trẻ bình thường khác”- bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết.

Đánh giá về mức nguy hại của BLGĐ đối với sự phát triển của trẻ, TS tâm lý Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, bạo lực trẻ em trong gia đình ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển thể chất và trí tuệ đối với trẻ. Khi chứng kiến bạo lực gia đình, trẻ sẽ sống trong tình trạng luôn căng thẳng, sợ hãi, tâm lý tiêu cực, thiếu tập trung. Nhiều trẻ không có khả năng chơi tích cực, lẩn tránh các mối quan hệ với các bạn, sống khép kín. Có những trẻ lại theo chiều hướng thích gây rối, bỏ học, phạm tội, uống rượu, hút thuốc lá và nghiện ma túy; thậm chí học theo hành vi của người lớn, tiến hành bạo lực với người khác.

Rõ ràng BLGĐ gia tăng cho thấy đang có sự xuống cấp về đạo đức, tuy nhiên điều đáng nói, có tới 1/3 số gia đình mỗi khi xảy ra vấn đề BLGĐ thường không biết xử lý ra sao. Khoảng 25% số gia đình khi được hỏi cho rằng, BLGĐ là việc riêng của mỗi nhà, hàng xóm không nên can dự vào.

Xóa bỏ định kiến giới

Thực tế cho thấy dù đã có nhiều chính sách, quy định xử lý BLGĐ thậm chí hành vi này còn bị xử lý hình sự, tuy nhiên quan niệm về BLGĐ của người dân hiện vẫn còn khá mơ hồ và dường như chỉ có hành vi bạo lực về mặt thể chất để hậu quả nghiêm trọng mới được chú ý tới. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là Luật Phòng, chống BLGĐ, trên cơ sở đó định hướng về nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân. Quan trọng hơn là phải quy định một cách cụ thể những hành vi mà pháp luật quy định là BLGĐ và các biện pháp phòng, chống.

Cùng với đó cần phải quy định rõ về hình thức phạt tiền khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ, cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Đặc biệt cần phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về vấn đề bình đẳng giới. Bởi hiện tại ở nước ta, tình trạng bất bình đẳng giới đang là gốc rễ của BLGĐ. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, định kiến giới... vẫn còn khá phổ biến trong xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn. Chính tư tưởng này là nguyên nhân dẫn đến thực trạng BLGĐ ngày càng có xu hướng gia tăng.

Để hạn chế thực trạng BLGĐ, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng, trong tương lai, cần trao quyền cho phụ nữ và trẻ em lên tiếng và trình báo về bạo lực gia đình; khi nhận được trình báo, các cơ quan, đơn vị phải cam kết hành động để chấm dứt bạo lực trong tương lai. Bên cạnh đó, cần tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; nâng cao nhận thức về bạo lực giới cho nam giới; huy động sự phối hợp tổng lực của các bên liên quan (Chính phủ, các bộ ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội…). Đặc biệt, chính quyền địa phương cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo vệ trẻ em; cần có ngân sách và nguồn nhân lực bài bản để xây dựng hệ thống bảo vệ phụ nữ và trẻ em hiệu quả...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạo lực gia đình: Gốc rễ là bất bình đẳng giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO