Bạo lực gia đình, vấn đề không hề nhỏ

Đức Trân 04/10/2019 11:43

Thời gian qua, không ít trường hợp bạo lực gia đình xảy ra, đối tượng bị bạo hành là phụ nữ, có khi ngay trước mặt con nhỏ… Điều này khiến chúng ta cần phải đặt ra một vấn đề không nhỏ: Đến khi nào mới loại bỏ được bạo hành gia đình trong xã hội hiện nay?Vợ hay kẻ thù?

Bạo lực gia đình, vấn đề không hề nhỏ

Tháng 8 vừa qua, dư luận có một phen sửng sốt trước vụ việc chồng đánh vợ đang mang thai 26 tuần tại Bình Thuận. Nạn nhân là chị M. (31 tuổi, ở An Giang). Chị M sống cùng anh Huỳnh Văn An (26 tuổi, ở Bình Thuận) như vợ chồng nhưng không có đăng ký kết hôn. Ngày 16/8/2019, An đi nhậu về thấy chị M. đang nằm ngủ liền chửi và đánh, dùng cây gỗ dài 80 cm đập lên đầu, tay, chân của chị. Chị M. bỏ chạy thì An dùng dao đuổi theo và chém liên tiếp vào người. Cho đến ngày 17-8, khi phát hiện chị M. bị hôn mê, hàng xóm gây áp lực lên gia đình An và đưa chị vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị M chấn thương đầu, vỡ nền sọ (gãy xoang sàng hai bên), hai tay bị gãy xương trụ, xương quay, xương mác, đồng thời còn gãy nhiều xương ngón tay ở bàn tay trái.

Nằm viện điều trị được 2 ngày thì An đe dọa bắt chị phải xuất viện. Mặc dù thương tích đầy mình nhưng khi về đến nhà, An buộc vợ phải vào bếp nấu cơm phục vụ. Khi vợ khóc lóc, năn nỉ do hai tay và một chân còn băng bột có dấu hiệu nhiễm trùng, mắt không thấy rõ thì An tiếp tục dùng cây đánh vợ thêm lần nữa. Lần này, người dân địa phương đã góp tiền đưa M. đến Bệnh viện đa khoa Nam Bình Thuận điều trị và thay nhau chăm sóc chị. Từ thời điểm đó An và người nhà tránh mặt chị M. trong khi chị có dấu hiệu sang chấn tâm lý, thường xuyên chạy ra đường. Người dân đã báo cho cơ quan chức năng về vụ việc để theo dõi các biểu hiện của chị sau đó. Đến ngày 27-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) đã quyết định trưng cầu giám định thương tật và đưa chị M. đến Trung tâm Giám định pháp y Bình Thuận, sau khi có kết quả sẽ tiến hành các bước theo trình tự tố tụng, điều tra, làm rõ và xử lý đối tượng Huỳnh Văn An.

Dư luận chưa hết xôn xao về vụ việc của người phụ nữ mang thai 7 tháng ở Bình Thuận thì lại dậy sóng bởi một võ sư đánh vợ. Đối tượng hành hung là Nguyễn Xuân Vinh (sinh năm 1987, trú ở phường Thạch Bàn, Hà Nội) đã có những hành động bạo lực dã man như: thẳng tay đấm đá, ném sỏi… với người vợ đang bế con nhỏ của mình. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mẫu thuẫn trong sinh hoạt. Công an quận Long Biên đang tiến hành các biện pháp ngăn chặn với đối tượng này, đồng thời tiến hành giám định sức khỏe đối với nạn nhân T.L. (sinh năm 1992, trú ở phường Thạch Bàn), từ đó xác định căn cứ chính xác để xử lý.

Cũng tại thời điểm tháng 8, một clip được lan truyền trên mạng xã hội ghi lại thảm cảnh tại địa bàn phường Phùng Chí Kiên (thành phố Bắc Kạn): người chồng đánh vợ tới tấp khi vợ đang bế con nhỏ trên tay và trước sự chứng kiến của đứa con trai lớn hơn ngồi ngay gần đó. Được biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Bắc Kạn và các cấp vào cuộc, gặp gỡ gia đình, chia sẻ, hỗ trợ người vợ bị chồng đánh. Người chồng trong clip nói trên đang công tác tại Kho bạc Nhà nước huyện Bạch Thông, được biết, thời điểm vụ việc xảy ra, anh ta được cho là vừa đi nhậu về, trong tình trạng say rượu.

Hơn một nửa phụ nữ Việt Nam từng là nạn nhân của bạo lực gia đình

Theo Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ nước ta và Liên Hợp Quốc công bố, cứ ba phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người (34%) cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục.

Nếu xem xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng – thể xác, tình dục và tinh thần, thì có hơn một nửa (58%) phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình kể trên. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khả năng phụ nữ bị chồng mình lạm dụng nhiều hơn gấp ba lần so với khả năng họ bị người khác lạm dụng. Các số liệu được đưa ra đã nêu bật một thực trạng là đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình ở một hay một vài thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ. Tại một số vùng ở Việt Nam, cứ mười phụ nữ thì có bốn người nhận thấy gia đình không phải là nơi an toàn đối với họ. Ví dụ, ở vùng Đông Nam Bộ, 42% phụ nữ cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục.

“Mặc dù bạo lực gia đình là một hiện tượng rất phổ biến nhưng vấn đề này vẫn bị giấu giếm nhiều - bà Henrica A.F.M. Jansen, Trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu. - Bên cạnh sự kỳ thị và sự xấu hổ khiến cho phụ nữ phải giữ im lặng, nhiều phụ nữ còn nghĩ rằng bạo lực trong quan hệ vợ chồng là một điều “bình thường” và người phụ nữ cần bao dung, nhẫn nhịn chịu đựng để gìn giữ sự êm ấm cho gia đình”. Thực tế là cứ hai phụ nữ tham gia trả lời phỏng vấn phục vụ nghiên cứu này thì có một người cho biết trước đó, họ chưa từng nói cho ai biết về việc bị chồng mình bạo hành.

Rõ ràng là bạo lực gia đình đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người phụ nữ. Ở Việt Nam, cứ bốn phụ nữ từng bị chồng bạo hành thể chất hoặc tình dục thì có một người cho biết họ phải chịu đựng những vết thương trên cơ thể và hơn một nửa trong số này cho biết họ đã bị thương tích nhiều lần. So với những phụ nữ chưa từng bị bạo hành thì những người đã từng bị chồng bạo hành có nhiều khả năng bị bệnh tật và sức khỏe kém hơn gần hai lần và khả năng nghĩ đến việc tự tử nhiều hơn gấp ba lần.

Phụ nữ có thai cũng là đối tượng có nguy cơ bị bạo hành. Theo nghiên cứu, khoảng 5% phụ nữ từng có thai cho biết họ đã bị đánh đập trong thời gian mang thai. Trong hầu hết các trường hợp này, họ đã bị chính người cha của đứa trẻ mình đang mang trong bụng lạm dụng.

Mặc dù bạo lực gia đình xảy ra phổ biến đối với phụ nữ nhưng trẻ em cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Cứ bốn phụ nữ có con dưới 15 tuổi thì có một người cho biết con của họ đã từng bị chồng họ bạo hành thể xác. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng bạo lực gia đình là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống của trẻ em. Ví dụ, báo cáo nghiên cứu cho biết trẻ em sống trong những gia đình mà mẹ bị cha bạo hành sẽ có nhiều khả năng có các vấn đề về hành vi hơn so với những trẻ em khác.

“Những người chồng bạo hành có nhiều khả năng đã từng chứng kiến mẹ mình bị cha đánh đập, hoặc chính họ đã từng bị đánh đập khi còn nhỏ. Những điều đã trải qua thời thơ ấu chính là một yếu tố nguy cơ quan trọng liên quan đến việc bản thân họ sau này trở thành người gây ra bạo lực gia đình” - bà Jansen cho biết thêm. Điều này củng cố cho quan điểm rằng bạo lực là một hành vi do con người học từ người khác.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 4.838 phụ nữ từ 18 đến 60 tuổi, đại diện cho nữ giới thuộc độ tuổi này ở Việt Nam. 90 cuộc phỏng vấn chuyên sâu và 4 cuộc thảo luận nhóm cũng đã được tiến hành tại Hà Nội, Huế và Bến Tre. Phương pháp nghiên cứu hoàn toàn giống với phương pháp đã được sử dụng cho Nghiên cứu Đa quốc gia của Tổ chức Y tế Thế giới về Sức khỏe Phụ nữ và Bạo lực gia đình, bao gồm một phiếu điều tra chuẩn đã được thử nghiệm, và một phương pháp đảm bảo so sánh được các số liệu của nghiên cứu với các số liệu tại các bối cảnh khác.

Kết quả nghiên cứu cho thấy bạo lực gia đình đối với phụ nữ là tương đối phổ biến, đặc biệt là bạo lực tinh thần và những tác động nghiêm trọng của bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ. Nghiên cứu cũng cho thấy bạo lực đã được bình thường hóa, người phụ nữ đã phải chịu đựng và chấp nhận bạo lực và phải giữ im lặng về những điều mà họ đang phải hứng chịu. Đây thật sự là một vấn đề xã hội cần được nhìn nhận đúng bản chất của nó.

Gia đình, được xem là tổ ấm, là nơi thỏa mãn những nhu cầu tình cảm và vật chất của con người, là nơi các thành viên gia đình tìm được sự yêu thương, chia sẻ, là nơi tiếp sức cho con người có nhiều nghị lực để vượt qua những áp lực trong công việc và các thử thách hay khó khăn bên ngoài xã hội, là nơi yên bình nhất của con người. Nhưng hiện tượng gia tăng của nạn bạo lực gia đình đã làm cho rất nhiều thành viên trong các gia đình rơi vào trạng thái bất ổn thật sự. Vấn nạn này đã để lại nhiều nỗi đau về cả vật chất lẫn tinh thần cho người vợ, trẻ em - những nạn nhân được coi là đối tượng chịu nhiều hậu quả trực tiếp và nặng nề của bạo lực gia đình. Đây là một vấn đề xã hội bức xúc, một tệ nạn xã hội cần phải lên án.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạo lực gia đình, vấn đề không hề nhỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO