Bảo quản thực phẩm trong ngày Tết đúng cách

b.phúc (tổng hợp) 03/02/2022 09:00

Việc bảo quản thực phẩm để giữ được giá trị dinh dưỡng, mùi vị, đảm bảo an toàn thực phẩm để giúp cho bữa cơm gia đình ngon miệng, đủ chất trong dịp Tết Nguyên đán.

Thịt, cá - hai loại thực phẩm chính không thể thiếu trong ngày Tết.

Chọn mua thực phẩm ngày Tết

Thịt, cá – hai loại thực phẩm chính không thể thiếu trong ngày Tết. Chúng góp phần tạo nên các món ngon đặc trưng của ngày Tết như thịt kho tàu, chả giò, cháo cá.

Bạn nên chọn mua những sản phẩm tươi ngon để lưu trữ, đối với thịt nên chọn mua thịt có màu tự nhiên, bề mặt khô mịn không bị nhớt. Miếng thịt có độ đàn hồi, khi nhấn ngón tay vào tạo thành vết lõm khi nhấc tay ra không để lại vết.

Chọn cá có màu sắc sáng bóng tươi xanh. Dùng tay ấn vào thịt cá có độ đàn hồi săn chắc. Đặc biệt, bạn hãy nhớ quan sát phần mắt. Cá tươi sẽ có phần mắt trong veo, có thể thấy cả phần con ngươi bên trong.

Cách bảo quản thực phẩm đã chế biến

Theo BS. Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đối với ngày Tết, người dân thường mua nhiều thực phẩm để sử dụng từ trước và bảo quản trong tủ lạnh. Những thực phẩm truyền thống (giò, chả, giò xào, nem chua, bánh chưng, bánh tét,…) đã được chế biến sẵn, người dân thường mua chứ không tự chế biến như một số gia đình ở thôn quê, những thực phẩm thông thường cũng được mua về đủ cho những ngày Tết.

Việc bảo quản thực phẩm để giữ được giá trị dinh dưỡng, mùi vị, đảm bảo an toàn thực phẩm để giúp cho bữa cơm gia đình ngon miệng, đủ chất và đảm bảo sức khỏe. Tùy thuộc vào đặc tính của từng loại thực phẩm mà chúng ta có thể bảo quản chúng theo các cách khác nhau.

Bánh chưng, bánh tét

Khi nói đến bánh chưng là nhớ ngay đến mùi thơm dẻo của gạo nếp, vị ngọt bùi của đậu xanh, vị béo của thịt mỡ và vị cay thơm của hạt tiêu, tất cả được hòa quyện thành mùi vị rất đặc trưng, loại bánh này được tượng trưng cho trời đất này. Đây là món ăn ngon truyền thống, một món ăn tương đối hoàn chỉnh về các nhóm thực phẩm (glucid, protein, lipid,) và giàu dinh dưỡng. Người ta thường quan niệm là bánh chưng không nên bảo quản trong tủ lạnh vì dễ bị lại gạo (cứng).

Tuy nhiên, nếu thời tiết nóng thì có thể bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần còn lại thì dùng màng che thực phẩm bao kín. Lưu ý khi lấy bánh trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn. Nên hạn chế rán bánh vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu/mỡ) vào trong khẩu phần ăn hàng ngày không có lợi cho sức khỏe. Đối với các loại bánh bị mốc trắng, lên men mùi chua (nhất là ở phần góc bánh do phần này khi gói hay bị rách) ở lớp vỏ bánh bên ngoài thì không nên ăn.

Nem rán

Nem rán nhìn thì đơn giản, nguyên liệu cũng không khó kiếm nhưng lại thể hiện hết những tài hoa, tinh tế của người chế biến nó. Nem là món ăn quen thuộc và phổ biến ở tất cả các vùng miền trên cả nước.

Nguyên liệu chính là thịt nạc băm nhỏ, miến, nấm hương, trứng, hành lá, giá đỗ... trộn đều cùng nhau, nêm nếm gia vị rồi đem gói vào từng chiếc bánh tráng tròn trịa rồi đem chiên vàng. Tùy vào khẩu vị và sở thích mà các nguyên liệu và gia vị có thể tăng giảm cho vừa miệng.

Ở miền Nam, nem rán còn có tên gọi là chả giò hay miền Trung được gọi là chả cuốn. Trong mâm cỗ Tết, món nem rán thì đó chính là món đắt khách nhất, được nhiều người yêu thích nhất.

Giò, chả

Giò là món ngon đặc trưng của người Việt, là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Gần tết nhà nào cũng mua ít thì một, nhiều thì vài cân để tích trữ ăn dần ngày tết, giò có nhiều loại: giò lụa, giò bò, giò tai, giò xào… mỗi gia đình thường có ít nhất 2 loại, mỗi loại một ít để có bữa ăn đa dạng, việc bảo quản giò để đảm chất lượng của món ăn và an toàn thực phẩm luôn là vấn đề đau đầu của các bà nội trợ.

Giò lụa với thành phần chủ yếu là thịt lợn nạc, ngoài ra còn có thịt mỡ, nước mắm và gia vị, vì thế giò không để lâu được. Giò lụa không được sử dụng hàn the vì nó không tốt cho sức khỏe, cách bảo quản giò lụa, giò bò, chả là giống nhau, để ở nhiệt độ thường dưới 25oC . Khi bảo quản đúng cách giò sẽ giữ được 4-6 ngày nếu để ngăn mát, thậm chí giữ được khoảng 10 ngày nếu để ở ngăn đá, nếu bạn đã lỡ mua quá nhiều.

Giò lụa lấy ra khỏi ngăn đông, để ở nhiệt độ phòng khoảng 4 giờ hoặc chuyển vào ngăn mát trước khi sử dụng 8 giờ.

Nếu muốn sử dụng ngay, thì rã đông nhanh: bọc giò lụa vào bọc nilon, ngâm vào nước lạnh khoảng 1 giờ.Tuy nhiên, do chúng ta thường chỉ mua lượng vừa đủ ăn trong vòng 1 tuần nên không nhất thiết phải bảo quản giò trong ngăn đá hoặc tủ đông bởi quá trình rã đông sẽ làm hao hụt các chất dinh dưỡng.

Giò tai, giò xào do đặc điểm về sự kết dính mà phải để ở nhiệt độ mát, lạnh vì vậy để bảo quản nên để vào ngăn mát tủ lạnh.

Thịt đông

Món thịt đông là món ăn truyền thống, độc đáo và tinh túy của người Việt. Thịt nấu đông ăn với cơm nóng, chấm nước mắm nguyên chất với chanh ớt, ăn với dưa hành, dưa cải, củ kiệu… là món ăn được sử dụng trong ngày Tết và những ngày thông thường trong năm.

Tùy khẩu vị, thịt nấu đông có thể dùng nhiều loại như: thịt sấn, thịt ba chỉ (thịt dọi), thịt chân giò,... Thịt nấu đông có mùi thơm đặc trưng của thịt, hạt tiêu, nấm hương, mộc nhĩ. Món ăn vừa “tiện” vừa “lợi”, là hương vị không thể thiếu của những mâm cơm ngày Tết, trong thời tiết se lạnh của những ngày đầu xuân. Với món thịt đông, nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ ăn từng bữa để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, và nó vừa giữ được hương vị đặc trưng vừa giúp món ăn bảo quản lâu hơn.

Dưa hành

Là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, ngay từ rất lâu rồi đã có câu “bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, nó được sử dụng ăn kèm với bánh chưng hoặc những món ăn có mỡ để đỡ ngấy.

Vị chua dịu, cay nhẹ và vị thơm của dưa hành giúp gia tăng hương vị của những món ăn khác và kích thích tiêu hóa tốt hơn. Nên bảo quản ở nơi thoáng mát, khi ăn dùng đũa sạch gắp dưa hành ra, rửa qua bằng nước sôi để nguội hoặc nước muối pha loãng, sau đó bóc vỏ ngoài, lấy phần dưa hành trắng nõn để ăn.

Ăn nhiều rau củ giúp bạn có một kì nghỉ tràn đầy năng lượng mà không lo tăng cân.

Lưu ý ăn uống đảm bảo sức khỏe ngày Tết

  • Tết là dịp để thỏa sức tham gia các hoạt động vui chơi và nghỉ ngơi. Vì vậy nhu cầu thực phẩm cần nạp cho cơ thể cần ít hơn những ngày thường. Tuy nhiên dịp Tết chính là dịp để mọi người cùng nhau quây quần bên những mâm cổ đầy thịt cá và tràn ngập các loại bánh mứt. Các loại thực phẩm kể trên cung cấp năng lượng rất cao.
  • Chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đạm và nhiều chất đường khiến cơ thể thiếu hụt nguồn dưỡng chất quan trọng là rau củ quả. Theo WHO cơ thể mỗi người cần ăn tối thiếu 400g rau củ quả mỗi ngày để bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết. Ăn nhiều rau củ giúp bạn có một kì nghỉ tràn đầy năng lượng mà không lo tăng cân đó nhé.
  • Rượu bia dường như là loại thức uống góp mặt trong hầu hết các mâm cổ ngày Tết. Tuy nhiên bạn cần tiết chế và hãy hạn chế nó hết sức có thể nhé. Ngoài gây mất an toàn trong giao thông, rượu bia chính là nguyên nhân gây nên các bệnh như tim mạch, gút, tăng huyết áp,… Bạn có thể chuẩn bị sẵn các loại thức uống giải rượu.
  • Hạn chế ăn các thực phẩm giàu đường như bánh kẹo và nước ngọt. Việc ăn quá nhiều các thực phẩm giàu đường sẽ khiến cơ thể tăng cân và mắc các bệnh như đái tháo đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo quản thực phẩm trong ngày Tết đúng cách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO