Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Đề nghị công nhận thêm 3 bảo vật quốc gia

M.Q 16/10/2015 09:30

Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đơn vị này đã quyết định chọn 3 hiện vật để lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia đợt 4 tới đây.   

Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo. (Ảnh: tư liệu).

Cụ thể, các hiện vật được Bảo tàng Lịch sử quốc gia đề nghị công nhận gồm: Bia điện Nam giao, niên đại: Niên hiệu Vĩnh Trị 4, Đời vua Lê Hy Tông (1679), thuộc giai đoạn lịch sử phong kiến.

Đây là một trong những di vật có giá trị nhất còn lại của Điện Nam Giao dựng năm thứ 4, hiệu Vĩnh Trị, đời vua Lê Hy Tông (1679). Tấm bia có trang trí các đề tài đặc trưng của nghệ thuật thời Lê Trung Hưng, khắc bài ký điện Nam Giao cho biết rõ về ý nghĩa lịch sử và quá trình xây dựng điện Nam Giao. Nơi vua và triều thần tiến hành đại lễ vào đầu xuân hàng năm, cầu cho quốc thái dân an. Tấm bia đã trải qua nhiều thế kỷ, chứng kiến nhiều sự đổi thay của lịch sử đất nước, là bằng chứng sống động về những giá trị thiêng liêng của “Quốc lễ” truyền thống, giúp hậu thế hiểu hơn về những giá trị lịch sử kinh thành Thăng Long xưa trên các phương diện kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, đời sống văn hóa tâm linh của Thăng Long Đại Việt dưới các thời Lý – Trần – Lê.

Hiện vật thứ hai là ấn vàng Sắc mệnh chi bảo. Niên đại: tháng 10, năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), giai đoạn lịch sử phong kiến Việt Nam. Đây là loại ấn vàng có vị trí đặc biệt quan trọng trong thiết chế quân chủ phong kiến Việt Nam chỉ còn lại ở triều Nguyễn. Ấn Sắc mệnh chi bảo được chế tạo bằng chất liệu quý (vàng), kỹ thuật đúc, khắc công phu, là hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt trong sưu tập ấn của Hoàng đế vương hậu triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia; là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, dùng để đóng trên các loại sắc phong của vương triều. Ấn Sắc mệnh chi bảo là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, là nguồn sử liệu quan trọng ghi lại dấu ấn lịch sử gắn liền với vương triều nhà Nguyễn và lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Bảo vật thứ 3 được đề nghị là bức tranh “Hồ Chủ tịch và thiếu nhi Trung, Nam, Bắc” (của họa sĩ Diệp Minh Châu). Bức tranh được sáng tác năm 1947- giai đoạn mỹ thuật Cách mạng Việt Nam. Đây là hiện vật gốc, tiêu biểu do họa sĩ vẽ chính bằng máu của mình trên nền vải lụa vào ngày 2-9-1947 tại Nam Bộ.

Tính đến thời điểm này cả nước đã có 79 bảo vật quốc gia được Thủ tướng công nhận ở 3 đợt trước đó. Trong đó có 14 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Đề nghị công nhận thêm 3 bảo vật quốc gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO