Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường

Hoàng Minh 05/10/2022 06:44

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng Bộ hồ sơ quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên cả nước, có 7 tỉnh, thành phố ghi nhận có sự hiện diện của Mo Mường, gồm: Ninh Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Đắc Lắk, Hà Nội. Trong đó, tại tỉnh Hòa Bình, nơi sinh sống của đông đảo đồng bào dân tộc Mường hiện có 184 nghệ nhân Mo, nhưng số có khả năng thực hành và truyền dạy tốt chỉ chiếm 6%. Cũng theo kết quả đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội”, di sản Mo Mường được kiểm kê với các tên gọi khác nhau tại các địa phương như: Bài cúng ma - cúng giỗ của dân tộc Mường, tập quán ma chay, nghi lễ tang ma… Kết quả kiểm kê cũng cho thấy, đồng bào dân tộc Mường sống ở cả 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội nhưng tập trung đông nhất tại huyện Thạch Thất và Ba Vì. Hiện trên địa bàn chỉ còn 7 thầy Mo còn đang thực hành thường xuyên. Người cao tuổi nhất là ông Đinh Công Sinh, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, 86 tuổi. Người trẻ tuổi nhất là anh Đinh Xuân Nam, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, 28 tuổi.

Trước thực trạng này, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Hồ sơ quốc gia di sản văn hóa Mo Mường, đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Công tác này đã và đang được triển khai rộng khắp tại các tỉnh, thành phố hiện đang lưu giữ Mo Mường.

Theo Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Phạm Minh Hương, hiện nay, đơn vị đang tiến hành xây dựng Hồ sơ quốc gia Mo Mường, hoàn thành trong năm nay để kịp nhận góp ý, sửa chữa và trình lên UNESCO vào tháng 3/2023, với sự tham gia của 7 tỉnh, thành phố có sự hiện diện của Mo Mường. Cũng theo Phó Viện trưởng, nhận diện di sản văn hóa Mo Mường và đưa vào Danh mục kiểm kê là bước đi góp phần nâng cao nhận thức về vốn di sản nói chung và Mo Mường nói riêng trong cộng đồng. Thông qua quá trình kiểm kê, các thành viên của cộng đồng sẽ quan tâm nhiều hơn và tự hào hơn về di sản Mo Mường, chủ động tham gia vào quá trình bảo vệ và kế tục di sản.

Cùng với công tác phối hợp xây dựng Hồ sơ quốc gia di sản Mo Mường, theo kế hoạch, TP Hà Nội cũng đồng thời tiến hành các bước xây dựng hồ sơ, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh di sản văn hóa Mo Mường Hà Nội vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng sẽ triển khai kiểm kê di sản Mo Mường trên địa bàn, hoàn thành trước tháng 1/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO