Bảo vệ đội ngũ chiến sĩ áo trắng

Bắc Phong 07/08/2020 08:30

Trong đợt dịch Covid-19 thứ hai này, Việt Nam đã có 14 cán bộ y tế bị nhiễm SARS-CoV-2 trong tổng số 222 người mới mắc, chiếm tỷ lệ 6%.

Đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu chiến đấu với thần chết để bảo vệ các bệnh nhân của mình.

Tại Tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch Covid-19” do Công đoàn Y tế Việt Nam (Bộ Y tế) chủ trì tổ chức mới đây, có một con số rất đáng chú ý: Trong đợt dịch Covid-19 thứ hai này, Việt Nam đã có 14 cán bộ y tế bị nhiễm SARS-CoV-2 trong tổng số 222 người mới mắc, chiếm tỷ lệ 6%.

Cho dù đây là tỷ lệ tương đương với thống kê của Hội Điều dưỡng thế giới (khoảng 7%), thì cũng thật đáng lo ngại, vì rằng ai cũng biết rằng đây chính là đội ngũ trên tuyến đầu dập dịch, họ chính là những chiến sĩ thật sự khi từng giờ từng phút phải giáp mặt với bệnh tật hiểm nguy, nhất là bệnh lây nhiễm khi chưa có vaccine phòng ngừa lẫn cả thuốc chữa trị. Họ đang chiến đấu tiêu diệt virus SARS-CoV-2 cho cộng đồng thì không thể để họ bị nó hạ gục.

Thực tế tại những nước đã và đang phải vật lộn hết sức khó khăn với dịch Covid-19, kể cả đã “vỡ trận” thực sự theo nghĩa đen của từ này đã cho thấy, khi các nhân viên y tế bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ ngay lập tức đẩy sự việc vào mức rất xấu, tình trạng đó kéo dài và nguy ngập với số ca lây nhiễm và tử vong đến mức rợn người. Mỗi ngày, người ta chỉ còn biết ngồi đếm số người mắc mới, số người lìa đời một cách đau đớn.

Vẫn biết thế nhưng với lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế lại chưa được coi trọng để bảo vệ đúng mức như đáng ra phải làm. Trong suy nghĩ của nhiều người vẫn mặc định rằng họ đã được cung cấp thiết bị bảo vệ rất đầy đủ, loại rất tốt. Cùng đó, họ là những người hiểu biết về bệnh tật nên tất nhiên phải biết cách phòng tránh.

Nhưng, con virus SARS-CoV-2 đã không chừa một ai, nó tấn công cả vào những chiến sĩ ngành y - những người cũng đang tìm mọi cách chiến đấu để loại bỏ chúng. Trên thực tế, những cán bộ, nhân viên y tế phải trực tiếp làm xét nghiệm cho những đối tượng nguy cơ và những người trực tiếp điều trị cho những ca Covid-19, đều cực kỳ nguy hiểm. Họ là những người tiếp xúc gần nhất, lâu nhất với bệnh tật truyền nhiễm. Những gì đã và đang diễn ra ở 3 bệnh viện tại Đà Nẵng, nơi bùng phát dịch bệnh, cho thấy nghề Y thực sự là nghề nguy hiểm.

Trở lui về trước, hẳn mọi người cũng chưa quên tình trạng lây nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện tuyến cuối - trong đợt dịch Covid-19 lần trước. Cũng đã có nhân viên y tế “đổ bệnh”. Xin được nhắc lại, những người chữa bệnh cứu người lại trở thành bệnh nhân.

Từ đây, một vấn đề nữa cũng hiện ra: Đó là tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Lây nhiễm chéo với những bệnh có thuốc điều trị đã là một vấn đề, nhưng lây nhiễm chéo với SARS-CoV-2 thì rất hệ trọng vì đến nay vẫn không có thuốc chữa. Nói như ông Phạm Đức Mục- Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, tỷ lệ 6% cán bộ y tế mắc Covid-19 làm chúng ta phải quan tâm, vì một cán bộ y tế mắc bệnh sẽ là nguy cơ cho các đồng nghiệp của họ trong khoa, trong bệnh viện rơi vào trạng thái cách ly, từ đó không có người phục vụ bệnh nhân. Và rồi chính bản thân họ cũng mang theo nguồn bệnh trong mình đi phục vụ bệnh nhân, từ đó tăng nguy cơ cho bệnh nhân khác.

Hơn lúc nào hết, toàn xã hội và nhất là các cấp quản lý phải nhận thức thật đầy đủ rằng, sức khoẻ của các bác sĩ, điều dưỡng viên hiện nay không chỉ là tài sản riêng của họ mà còn là tài sản của hệ thống y tế, của cả xã hội bởi nếu họ bị nhiễm bệnh thì bệnh nhân sẽ không được chăm sóc tốt nhất, dẫn đến nguy cơ bệnh tật bùng phát kéo dài, kể cả có thể nhìn thấy trước là số người phải chết vì bệnh tật sẽ tăng lên, trong khi họ vẫn có thể được tiếp tục cuộc sống.

Thật đáng lo ngại với đợt bùng phát Covd-19 lần này khi đa số người nhiễm SARS-CoV-2 không có dấu hiệu lâm sàng, thời gian ủ bệnh rất lâu nên trước đó họ hoàn toàn có khả năng để lây nhiễm cho người thân, những người tiếp xúc gần. Ca nhiễm mới tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã không được phát hiện khi người này vẫn “tung tăng” trước đó tới 14 ngày. Như vậy, nguy cơ càng lớn hơn với xã hội, cũng càng lớn hơn với đội ngũ nhân viên Y tế.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, ý kiến của ông Phạm Đức Mục là rất đáng chú ý khi cho rằng những người chịu trách nhiệm mua sắm, lãnh đạo các cơ sở y tế nhất thiết không để các trang thiết bị tái chế, không bảo đảm chất lượng lọt vào các bệnh viện, cơ sở y tế. Bởi các thiết bị phòng hộ là một trong những lá chắn bảo vệ cán bộ nhân viên y tế, các bệnh viện phải tăng cường kiểm tra, giám sát.

Những chiến sĩ khi ra trận phải có vũ khí, phải có áo giáp, phải có lá chắn. Thời gian qua, cả nước hướng về ngành y tế, trân trọng và tôn vinh, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có phần đóng góp rất thiết thực và hiệu quả. Trước tình hình mới với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tinh thần đó càng cần phải được nâng lên, nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ đội ngũ chiến sĩ áo trắng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO