Bảo vệ người tố cáo

Kiên Long 01/07/2020 09:00

Vụ một cán bộ tư pháp - hộ tịch ở tỉnh Thái Bình thực hiện quyền tố cáo bị hành hung đến bất tỉnh trên đường đón con đi học, sau khi làm việc với cơ quan chức năng đã được làm sáng tỏ.

Chủ mưu, người thuê côn đồ hành hung người tố cáo chính là vợ nguyên Chủ tịch UBND phường, đối tượng bị tố cáo. Vụ việc đã đặt ra việc cấp thiết giải pháp bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan.

Công an TP Thái Bình đã làm rõ vụ anh Vũ Văn Pho, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình bị hành hung đến bất tỉnh khi đang chở hai con đi học về nhà hôm 18/6. Kẻ chủ mưu - bà Hoàng Thị Ánh Nguyệt, vợ của ông Đặng Xuân Hậu - nguyên Chủ tịch UBND phường đã thuê côn đồ với giá 10 triệu đồng để hành hung anh Pho.

Nguyên nhân vì từ năm 2018, anh Pho đã tố cáo ông Đặng Xuân Hậu - nguyên Chủ tịch UBND phường, và bà Đặng Thị Kim Thoa, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy phường vì sai phạm trong việc trục lợi chính sách, trong đó có việc đưa chính bà Nguyệt vào danh sách những hộ nghèo để vay vốn chính sách. Hai người này sau đó đã bị kỷ luật cách chức.

Nay họ lại được cho tái cử vào BCH Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2020-2025, được giới thiệu vào các chức danh lãnh đạo. Anh Pho cũng tố cáo Bí thư Đảng ủy phường này vì đã thiếu trách nhiệm, đề bạt người không đủ tiêu chuẩn. Ngay khi buổi sáng anh Pho có buổi làm việc với UBKT Thành ủy Thái Bình thì buổi chiều, anh bị hành hung khi đang đưa con nhỏ từ trường về nhà.

Hành vi đánh người giữa ban ngày, đánh người bố khi đang chở hai đứa con nhỏ đi học về không chỉ là hành vi viphạm pháp luật, mất nhân tính nghiêm trọng mà còn thể hiện sự ngông nghênh, coi thường pháp luật của những kẻ côn đồ.

Dù sao thì người ta cũng có thể hiểu, khi những kẻ côn đồ, có người vừa mới ra tù, chưa được xóa án tích mờ mắt vì món tiền lớn để rồi phạm tội. Nhưng người ta thật lấy làm bất bình khi kẻ chủ mưu - bà vợ của nguyên Chủ tịch phường ngông nghênh hơn khi dám bỏ tiền ra thuê côn đồ hành hung người dân dám đứng ra tố cáo tham nhũng, tiêu cực.

Dư luận đặt câu hỏi, nếu như không có những người dám đứng lên tố cáo như anh Pho thì rồi xã hội và như sự việc cụ thể như ở Thái Bình này sẽ đi đến đâu? Chưa nói đến các tiêu cực khác, chỉ nói về việc thụ hưởng chính sách, những người nghèo thực sự sẽ không được hưởng, trong khi đó, những người thân của cán bộ, có điều kiện khá giả như gia đình Chủ tịch UBND phường lại chiếm phần thì chính sách tốt đẹp của Nhà nước sẽ ra sao.

Cán bộ không gương mẫu, vi phạm, đã bị kỷ luật, lại được tiếp tục đưa vào vị trí lãnh đạo? Hành vi của chính người nhà của cán bộ, ngông cuồng, coi thường pháp luật, cũng gián tiếp phản ánh về nhân cách con người cán bộ ấy khi không tuyên truyền, giáo dục, chưa nói đến sự đồng lõa, tiếp tay. Nếu như tiếp tục những cá nhân ấy lại nằm trong hàng ngũ lãnh đạo thì sẽ là bi kịch đối với người dân nghèo, thấp cổ bé họng, những người đã từng trực tiếp đấu tranh với người vi phạm, tiêu cực, và trước hết đó là niềm tin với chính sách, với Đảng, Nhà nước của dân.

Trở lại vụ việc, người ta cũng lấy làm băn khoăn về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền liên quan.

Điều 5 Luật Tố cáo quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp người tố cáo, tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra, đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, việc làm, bí mật cho người tố cáo; đảm bảo quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định xử lý của mình”.

Những hành vi về thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết tố cáo; không giữ bí mật; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo đều bị pháp luật nghiêm cấm...Vậy trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong vụ việc nói trên ở đâu?

Trước pháp luật, hành vi hành hung, tổ chức hành hung sẽ phải bị xử lý. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với kẻ trực tiếp hành hung để điều tra về tội cố ý gây thương tích; Kẻ chủ mưu, đồng lõa đương nhiên càng phải bị xử lý nghiêm để làm gương. Bên cạnh đó là việc làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan về trách nhiệm giữ bí mật, bảo vệ cho người tố cáo.v.v.. Phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Đảng ta đang tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ, chọn lựa những người có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt để đảm bảo cho công cuộc xây dựng đất nước phát triển. Vai trò của người dân trong vai trò giám sát, mà trong đó việc khiếu nại, tố cáo cũng là một việc làm cụ thể, một sự đóng góp cho xã hội.

Yêu cầu của một nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, mọi cá nhân, tổ chức phải tuyệt đối tuân theo pháp luật. Bất kỳ ai vi phạm phải bị xử lý nghiêm, mọi công dân đều được pháp luật bảo hộ, trong đó có quyền được bảo vệ của người khiếu nại, tố cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ người tố cáo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO