Bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng kéo dài

Minh Thủy 02/06/2021 08:30

Theo Cơ quan khí tượng thủy văn, đợt nắng nóng đang diễn ra còn có thể kéo dài tới hết tuần này, với nền nhiệt độ cao, đặc biệt là với miền Bắc và Trung bộ. Tại Hà Nội, ngày 1/6, nhiệt độ 39 độ C và còn kéo dài sang 3 ngày tiếp theo, có ngày lên tới 40 độ C. Nắng nóng gay gắt ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, nhất là với người già và trẻ em.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 150.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu như bệnh tim, hô hấp, tiêu chảy do nhiệt độ tăng quá cao. Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh phát triển.

Các loại bệnh dễ mắc phải do nắng nóng là bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, sốt virus…), các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa (tiêu chảy). Nắng nóng cũng làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử. Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da.

Theo bác sĩ Trần Thu Nguyệt (Viện Y học ứng dụng Việt Nam), để chống nắng nóng cần uống nhiều nước, vì nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước và điện giải. Cần bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi. Bác sĩ Nguyệt cũng khuyến cáo, không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas vì sẽ làm cơ thể thêm phần mất nước.

Trong những ngày nắng nóng cũng cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Đó là thực hiện chế độ ăn đa dạng, đủ dinh dưỡng. Nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…

Bác sĩ Nguyệt cho rằng, ngày nóng nên mặc trang phục nhẹ, rộng, thoáng mát để dễ thoát mồ hôi. Khi ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt. Đội nón rộng vành, đeo kính râm để bảo vệ mắt. Tắm rửa thường xuyên và giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.

Đặc biệt cần tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, nhất là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất.

Khi dùng quạt và điều hòa, cần hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người. Điều hòa nên để nhiệt độ từ 27-28 độ; hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng, hoặc ngược lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng kéo dài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO