Bảo vệ sức khỏe người già, trẻ nhỏ

Đức Trân 22/02/2022 06:54

Thời tiết rét đậm, rét hại trong những ngày qua tại các tỉnh miền Bắc khiến lượng bệnh nhân tại hầu hết các bệnh viện tăng mạnh. Ghi nhận nhanh của PV Báo Đại Đoàn Kết.

Miền Bắc đang trải qua một đợt lạnh sâu. Ảnh: Quang Vinh

Tránh dịch chồng dịch

Ghi nhận tại Bệnh viện E, những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám về các bệnh hô hấp, xương khớp và tim mạch đều tăng cao. Số liệu thống kê từ cơ sở y tế này cho biết, lượng bệnh nhân đến khám gia tăng từ 10-20%. Đồng thời, bệnh nhân phải nhập viện do đột quỵ cũng chiếm tỷ lệ cao.

Số lượng bệnh nhân tới khám cũng gia tăng tại các cơ sở y tế khác như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Xanh Pôn…

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, BSCKII Lê Công Tước - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết, không khí lạnh làm niêm mạc đường thở hanh khô, là điều kiện thuận lợi cho vi trùng, virus dễ thâm nhập nên trẻ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp. Bên cạnh Covid-19, thời tiết lạnh sâu như hiện tại dễ khiến trẻ mắc hai nhóm bệnh là các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính như viêm hô hấp trên, viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phổi, các bệnh dị ứng đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, hen suyễn.

Đặc biệt, chuyên gia y tế nhấn mạnh, thời tiết chuyển lạnh cũng là điều kiện thuận lợi để trẻ em mắc bệnh cúm: “Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, bệnh cúm mùa dường như đang bị bỏ quên, mặc dù đó cũng là một dịch bệnh rất nguy hiểm đối với mọi lứa tuổi”.

Theo các chuyên gia dịch tễ, cúm mùa gây ra nhiều hậu quả cho người bệnh, đặc biệt ở trẻ em, như viêm phổi, viêm tai giữa, làm trầm trọng hơn các bệnh lý đang có và viêm cơ tim. Kể cả người lớn có sức khỏe bình thường, cúm mùa có thể làm gia tăng gấp 10 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim, tăng gấp 8 lần nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, cúm làm tăng gấp 6 lần nguy cơ nhập viện và nguy cơ tử vong do các biến chứng của cúm trên bệnh nhân có bệnh tiểu đường. Theo thống kê từ WHO, hàng năm có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm mùa với 3 đến 5 triệu ca nặng, trong đó có đến 650.000 ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương 1 phút có 1 người tử vong.

BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC cho rằng: “Cùng với Covid-19, virus cúm mùa đang liên tục biến đổi, gây ra những biến chứng ngày càng nguy hiểm cho cộng đồng, nếu không có giải pháp chủ động bảo vệ, nguy cơ nhiễm cúm mùa cho mọi lứa tuổi luôn ở mức cao, đe dọa bùng phát dịch trở lại, tạo ra gánh nặng và quá tải y tế nếu xảy ra tình trạng dịch chồng dịch”.

Để phòng ngừa nguy cơ cho trẻ trong thời tiết hiện tại, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý mặc ấm cho trẻ, tuy nhiên cần chú ý nếu mặc quá nhiều áo, trẻ bị toát mồ hôi có thể ngấm lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao.

Nỗi lo đột quỵ ở người cao tuổi

Cùng với trẻ em, người cao tuổi cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong thời tiết lạnh giá kéo dài. Ghi nhận tại bệnh viện Lão khoa Trung ương, lượng bệnh nhân gia tăng mạnh trong những ngày trời giá rét. Thông tin từ bệnh viện cho hay, mỗi ngày có khoảng 40-50 trường hợp nhập viện vì các bệnh có liên quan tới hệ hô hấp, tim mạch.

BS. Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và Đột qụy, Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột qụy, tử vong, nếu không xử trí kịp thời. Trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.

Lý giải về nguyên nhân, BS Thắng cho hay, thời tiết lạnh làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, các mạch máu ngoại vi co lại, dồn máu vào các tạng và trên não, gọi là hiện tượng trung tâm hóa tuần hoàn, dẫn tới tình trạng huyết áp tăng vọt, gây ra xuất huyết não.

Một thực trạng được chuyên gia cảnh báo, đó là vẫn có tình trạng nhiều người cao tuổi khi có các dấu hiệu bệnh lại tự chữa trị bằng cách mua thuốc uống hoặc bấm huyệt; đến khi bệnh trở nặng mới vào viện khiến việc điều trị trở nên khó khăn và nguy cơ di chứng rất nặng.

BS Thắng nhấn mạnh: “Khi phát hiện người cao tuổi có dấu hiệu tai biến, đột quỵ, tuyệt đối không sơ cấp cứu bằng cách cạo gió, xức dầu, chích máu 10 đầu ngón tay, chân hoặc di chuyển quá mạnh..., cần gọi cấp cứu đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Bởi thời gian vàng để bệnh nhân nhồi máu não được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát. Bệnh nhân tắc mạch máu lớn có thể can thiệp trong 6 giờ kể từ khi khởi phát, nếu để muộn hơn, bệnh nhân có nguy cơ hôn mê, tử vong, nhẹ hơn có thể bị liệt, tàn tật sau này...”

Nguy cơ tử vong vì đốt than sưởi ấm

Không chỉ các bệnh lý dễ mắc trong thời tiết lạnh giá, nguy cơ về sức khỏe, tính mạng của người dân còn đến từ hành động sưởi ấm sai cách như đốt than, củi để sưởi ấm mặc dù hầu như năm nào cũng đều ghi nhận những trường hợp tử vong hết sức thương tâm.

Gần đây nhất là vụ việc 2 người trong một gia đình tại Thanh Hóa tử vong do đốt than tổ ong trong phòng kín để sưởi ấm, nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do ngạt khí CO2.

Trao đổi với báo chí, PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế cho rằng, người dân cần trang bị các thiết bị sưởi ấm an toàn thay vì đốt than, đốt củi để sưởi ấm. Ở những vùng kinh tế khó khăn chưa trang bị được các loại máy móc hiện đại, người dân cũng không nên sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh, buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng.

Trong trường hợp phát hiện có nạn nhân bị ngộ độc khí than, người nhà cần khẩn trương làm thông thoáng không khí bằng cách mở rộng cửa. Phải mang khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải thổi ngạt ngay bằng hô hấp nhân tạo và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Bình thường, bệnh nhân huyết áp cao có thể chưa bị chảy máu não, nhưng cộng thêm yếu tố thời tiết trở lạnh làm huyết áp tăng vọt, gây ra chảy máu não. Cơ chế gây bệnh là khi huyết áp tăng, nhất là khi trời lạnh, lực tác động của máu lên thành động mạch cao hơn mức cần thiết. Lâu ngày, mạch máu bị tổn thương, không đàn hồi tốt nữa. Mạch có thể bị vỡ khi cục máu đông dồn ép, gây xuất huyết. Đặc biệt, khi nhiệt độ giảm cũng khiến máu dễ đông lại, dính hơn làm tăng khả năng hình thành cục máu đông gây cản trở lưu thông máu lên não, dẫn đến nguy cơ đột qụy.

(Theo BS Tạ Đức Thao – Khoa Đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ sức khỏe người già, trẻ nhỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO