Bảo vệ thông tin cá nhân

V.Thắng 29/10/2015 22:33

Dẫn chứng chuyện chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng là có thể có được danh sách hàng trăm nghìn người bao gồm các thông tin cá nhân của họ như số điện thoại, tên tuổi, cũng như khả năng mua sắm, nhiều ĐB kiến nghị cần bảo vệ thông tin cá nhân khi Quốc hội thảo luận về Luật An toàn thông tin diễn ra ngày 29/10. Bởi từ chính những thông tin cá nhân đó, nhiều người đã bị “khủng bố bằng tin nhắn rác, mời chào quảng cáo”.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ phát biểu tại hội trường ngày 29/10. (Ảnh: Hoàng Long).

Bỏ ra vài trăm nghìn đồng là có danh sách hàng trăm nghìn người

Trước vấn đề được nhiều ĐBQH đặt ra tại kỳ họp thứ 9 khi đề nghị “quy định cụ thể hơn về việc bảo vệ thông tin cá nhân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân theo Hiến pháp, Bộ Luật dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” thì trong Báo cáo thẩm tra chỉnh lý được trình ra Quốc hội tại kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm, trước tình trạng phát tán thông tin cá nhân trên mạng tại Việt Nam gây bức xúc dư luận từ nhiều năm nay, nhằm góp phần hạn chế vấn nạn này, Dự thảo Luật đã bổ sung những quy định tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng; bổ sung quy định về trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân của cơ quan nhà nước.

Các quy định này không trùng lắp với các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã được quy định tại Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử.

Song, theo nhiều ĐB thì quy định trên chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Dẫn chứng từ việc tội phạm trẻ hóa bị ảnh hưởng bởi văn hóa thông tin trên mạng, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đề nghị bổ sung thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng, quyền sửa bỏ cung cấp thông tin của cá nhân hay tập thể khi có dấu hiệu vi phạm nhằm đáp ứng sự phát triển của xã hội.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng cần bổ sung bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng vì việc phát tán thông tin trên mạng ngày càng khó lường. Cần bổ sung yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp công khai liên kết vì thời gian qua nhiều nhà mạng đã lập lờ trong vấn đề này khiến người dân ức chế trong sử dụng.

Nhấn mạnh bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) chỉ rõ, rao bán thông tin đang gây bức xúc trong xã hội. Chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng là có thể mua được danh sách hàng nghìn người từ số điện thoại, danh tính cho đến khả năng mua sắm từ đó dội “bom” quảng cáo. “Nhiều người là nạn nhân nhưng cũng không biết thông tin của mình đã bị đánh cắp từ đâu, lúc nào?-bà Trang nói.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, cần tiếp tục rà soát các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ thông tin cá nhân khi sử dụng. Đặc biệt, việc cung cấp sử dụng thông tin cá nhân cho bên thứ 3 phải được sự cho phép của tổ chức cá nhân đó, thông tin riêng cá nhân trên mạng, tăng cường thanh tra kiểm tra.

Cần ngăn chặn hành vi bất chính

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, trên thực tế còn các hành vi lợi dụng mạng nhằm mục đích bất chính không chỉ là hành vi khủng bố. Từ đó, ông Vẻ đề nghị, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Điều 31 nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng để phục vụ cho mục đích bất chính, ngăn chặn hoạt động lợi dụng mạng cho hành vi và các hoạt động trái pháp luật, đặc biệt là những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia.

Trong khi đó, theo ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) quản lý nhà nước về mật mã là vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, bảo vệ an toàn thông tin và bí mật nhà nước vì vậy thống nhất đầu mối về mật mã là cần thiết. Để phòng ngừa nguy cơ lộ bí mật quốc gia nên giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý vấn đề mật mã là phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị. Đồng quan điểm, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cũng đề nghị cần xử lý phần mềm thông tin độc hại trên mạng gây ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho rằng, đã có nhiều điều được giao cho Chính phủ quy định chi tiết trong khi những vấn đề trên đã được quy định khá đầy đủ trong Dự án luật. Hay nhiều quy định xử phạt cũng đã được quy định trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính.

Đề cập đến vấn đề trách nhiệm trong đảm bảo an toàn thông tin, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, tập trung vào nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nhưng Luật mới đề cập đến các vấn đề trong quản lý kinh doanh mà chưa đề cập đến vấn đề liên kết. Do đó cần bổ sung nhà mạng trong kinh doanh liên kết, lưu trữ thông tin cá nhân trên mạng cần minh bạch tránh việc sử dụng để trục lợi.

“Hiện nay người sử dụng điện thoại phải nhận hàng trăm tin nhắn rác quảng cáo về bất động sản. Trong khi đó, việc đảm bảo an toàn thông tin mạng không rõ cơ quan nào là thẩm định? Cơ quan nào là công bố? Xử lý khi có vi phạm xảy ra là điều xã hội mong mỏi nhưng Luật lại chung chung, nhiều điều khoản giao Chính phủ quy định song cần có chế tài ngay không thể để chờ lâu” - bà Hà nêu vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ thông tin cá nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO