Bảo vệ tim mạch trong thời tiết nắng nóng

10/06/2022 08:01

Theo những thống kê y học mới nhất được công bố, số người bị đột quỵ tăng cao hơn vào mùa hè, đặc biệt tập trung vào những khoảng thời gian của những đợt nóng đỉnh điểm.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Ảnh: BVĐK Tuyên Quang.

BSCKII Lê Đăng Vân, Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec cho hay, vào mùa hè nắng nóng số trường hợp bị đột quỵ tăng lên, con số này gia tăng tỷ lệ thuận với nhiệt độ và số ngày nắng nóng. Nhiệt độ nắng nóng của môi trường khi vượt quá ngưỡng cơ thể chịu đựng có thể dẫn đến nhiều biến cố nguy hiểm, thậm chí là đột quỵ tử vong.

Bác sĩ Vân lý giải, nhiệt độ nóng bức dễ làm nhịp tim tăng nhanh do vậy huyết áp cũng tăng theo, đây là điều nguy hiểm đối với người có sẵn bệnh tăng huyết áp. Những bệnh nhân này nên được điều trị bằng thuốc đầy đủ, không nên ngừng thuốc điều trị đột ngột sẽ dễ làm phát sinh cơn tăng huyết áp gây tai biến nghiêm trọng.

Nếu người bệnh có những dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt phải nhanh chóng được đưa đến khám tại các cơ sở y tế, đề phòng những cơn tăng huyết áp kịch phát không phát hiện kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng như tai biến mạch máu não.

Đồng quan điểm, ThS.BS Phạm Xuân Hiếu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện E thông tin, tại khoa cấp cứu Bệnh viện E, có những ngày các bác sĩ cấp cứu hàng chục ca bệnh đột quỵ não, xuất huyết não, tắc mạch máu não lớn… liên quan đến thời tiết nắng nóng.

Bác sĩ Hiếu cho rằng, nắng nóng là yếu tố thúc đẩy thêm yếu tố đột quỵ. Những người làm việc trực tiếp dưới thời tiết nắng nóng nguy cơ say nắng, sốc nhiệt nhiệt rất cao, mồ hôi ra nhiều, mất điện giải nhiều, người mệt mỏi tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, rối loạn huyết áp… là những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ não. Nhất là gần đây có những ngày nhiệt độ 40-50 độ C dễ gây tình trạng mất nước, mất điện giải nếu không được nghỉ ngơi, bù nước kịp thời, cơ thể không chịu được dễ xảy ra đột quỵ.

Thời tiết nắng nóng kéo dài còn là nguyên nhân khiến nguy cơ nhồi máu cơ tim càng thêm gia tăng nhiều hơn. Những người mắc bệnh động mạch vành thường có mảng xơ vữa trong lòng động mạch, nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn đối với những bệnh nhân này trong mùa hè sẽ dễ làm cho động mạch vành thuyên tắc hơn, làm cho bệnh càng thêm nặng nề.

Đồng thời, đây cũng là căn bệnh cấp tính nguy hiểm đến tính mạng, do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi dưỡng cơ tim. Khi cơ tim không được cung cấp máu nuôi dưỡng, nó sẽ hoại tử và gây ra triệu chứng đau ngực dữ dội. Việc chẩn đoán nhanh và điều trị kịp thời sẽ quyết định sự sống còn của bệnh nhân.

Thông thường, theo đánh giá và khuyến cáo thì những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim cấp trong độ tuổi từ 45-50, đặc biệt là những bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, những người lười vận động thể lực. Tuy nhiên, nhồi máu cơ tim cấp cũng gặp ở những người trẻ mặc dù tỷ lệ này không cao.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bệnh nhân H.A.T. (39 tuổi, ở TP Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, đau dọc theo xương ức đau lên đỉnh đầu, kèm theo khó thở nhiều, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, chân tay lạnh. Tại Bệnh viện, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

ThS.BS Phạm Ngọc Tân, Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang thông tin, đây là trường hợp bệnh nhân có thể được gọi là trẻ tuổi lại không có tiền sử bệnh tim mạch mà đã bị nhồi máu cơ tim.

Bác sĩ Tân khuyến cáo, mặc dù triệu chứng cảnh báo rõ nhất của nhồi máu cơ tim là đau ngực, cảm thấy nghẹt thở kèm các triệu chứng khác như toát mồ hôi, nôn, đau đầu nhẹ, song nhồi máu cơ tim cũng có thể xuất hiện với biểu hiện của những cơn đau ngực rất nhẹ, thậm chí thoáng qua hoặc rồi bình thường ngay thì người bệnh cũng cần phải lưu ý.

Do đó, khi thấy dấu hiệu đau tức ngực bất thường người dân cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tim Mạch để được xử trí cấp cứu, điều trị kịp thời. Không nên tự điều trị ở nhà làm mất “thời gian vàng” để cấp cứu người bệnh.

Trường hợp dễ bị đột quỵ, bao gồm: Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 4 tuổi, người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, người đang mắc bệnh mãn tính như bệnh tim, phổi, thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa, bệnh tâm thần, những người hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia, người không uống đủ nước,...

Ngoài ra, người sống trong khu vực đô thị thường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người cư trú ở vùng nông thôn. Nguyên nhân là vì ban ngày trời nóng, những người ở thành phố chịu hiệu ứng đô thị, dẫn đến nhiệt độ môi trường đô thị thường tăng cao hơn mức nhiệt thời tiết. Trong khi đó, vào ban đêm lại xảy ra hiện tượng “đảo nhiệt”, tức là nhiệt độ từ đường nhựa, bê tông phả ra ngoài, khiến cho nhiệt độ buổi tối giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ tim mạch trong thời tiết nắng nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO