'Bắt bệnh' chậm cổ phần hóa

Hồ Hương 04/02/2017 11:25

Sắp tới chắc chắn nhiệm vụ cổ phần hóa sẽ nóng hơn khi mà người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện không có kết quả công tác cổ phần hóa.

Tiến độ CPH nhanh, chậm phụ thuộc vào chủ quan và trách nhiệm của người lãnh đạo.

Vì sao tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa (CPH) còn thấp? Giải pháp nào để thoái vốn và CPH hiệu quả nhất trong thời gian tới?

Trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, DN ra sao khi để việc CPH, thoái vốn nhà nước chậm trễ? Các văn bản cũng như nghị định liên quan đến việc thúc đẩy cổ phần hóa liên tục được đưa ra soạn thảo, sửa đổi nhưng tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN và CPH mãi không như ý?

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dệt may (Vinatex) Trần Quang Nghị đã từng nói, rằng CPH chậm là do tâm lý người đứng đầu muốn làm “ông chủ giả”, giữ phần vốn nhà nước, khỏe hơn “ông chủ thật” phải bỏ vốn kinh doanh. Đó là chia sẻ nhưng cũng là câu trả lời cho hiện trạng CPH DNNN hiện nay.

Chưa kể có một thực tế khác, nhiều DN sau khi cổ phần hóa xong, lãnh đạo DN phải lui về Bộ, ngồi văn phòng, dẫn đến tâm lý không mặn mà với CPH xuất hiện ngay tại chính giám đốc, lãnh đạo công ty.

Rõ ràng, nhanh hay chậm là do ý người đứng đầu. Nếu không có những quy định chặt chẽ, người đứng đầu không có trách nhiệm, thì không thể đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN.

Tại Chỉ thị mới đầu năm Đinh Dậu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chỉ thị nêu rõ Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ; Xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trước đó không lâu, tại cuộc họp triển khai công tác sắp xếp đổi mới cổ phần hóa giai đoạn 2016 – 2020,Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân lãnh đạo từng bộ, địa phương, DN trong thực hiện CPH, với phương châm “bộ nào, địa phương nào, DN nào làm chậm, làm thất thoát tài sản thì phải xử lý, cá nhân nào không làm thì phải thay đổi”.

Như vậy chỉ trong trong một quãng thời gian ngắn, thông điệp cổ phần hóa DNNN gắn với trách nhiệm người đứng đầu đã được nhắc lại nhiều lần. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng bình luận với Đại Đoàn Kết, tiến độ CPH nhanh, chậm phụ thuộc vào chủ quan và trách nhiệm của người lãnh đạo. Chỉ khi quy trách nhiệm cụ thể, rốt ráo thì mọi việc mới được đẩy nhanh.

Chính phủ đã xác định, DNNN không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải CPH, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường.

Qua đó, phân bổ lại theo cơ chế thị trường các nguồn lực đất đai, tài nguyên, các yếu tố về độc quyền tự nhiên và lợi thế khác để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ DN tư nhân, tạo động lực nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Cụ thể hơn, theo một quyết định có hiệu lực bắt đầu từ ngày 15-2 tới, có 103 doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm giữ 100% cổ phần và khoảng 137 doanh nghiệp khác sẽ được cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020.

Trong số những doanh nghiệp được cổ phần hóa, Nhà nước sẽ nắm giữ trên 65% vốn điều lệ trong bốn doanh nghiệp, giữ 50-65% trong 27 doanh nghiệp, và ít hơn 50% vốn trong 106 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động trong các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, điện hạt nhân, và in tiền sẽ không được cổ phần hóa.

Tính ra số lượng doanh nghiệp cần cổ phần hóa trong 4 năm tới không còn nhiều nhưng có điều đáng lưu ý, đó là các doanh nghiệp lớn.

Vấn đề quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn hiện tại là chất lượng của việc cổ phần hóa và hiệu quả đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Một số điểm quan trọng của công tác cổ phần hóa trong giai đoạn này là: Tiến hành trước việc cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả đúng như Nghị quyết của Đảng. Việc này cần phải được triển khai hiệu quả để tìm được những nhà đầu tư, người mua phát huy được giá trị của vốn nhà nước, thu về nhiều nhất có thể để tái đầu tư.

Tại bản Báo cáo về kinh tế vĩ mô Việt Nam do Ngân hàng HSBC vừa công bố một lần nữa dẫn lại nhiệm vụ CHP cần thực hiện trong thời gian tới, khối nghiên cứu đến từ Ngân hàng này cũng khẳng định rằng, việc liệt kê các DN cần CPH có thể sẽ đẩy nhanh quá trình thoái vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Bắt bệnh' chậm cổ phần hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO