Bắt bệnh chậm giải ngân

Trần Châu Linh 01/12/2016 00:35

Trong khi nhiều doanh nghiệp khát vốn, nhiều ngành, địa phương thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển; nhiều dự án, công trình chậm triển khai hoặc thi công dang dở, đình trệ vì thiếu vốn thì lại đang xảy ra nghịch lý rất nhiều bộ, ngành, địa phương có tiền nhưng giải ngân rất chậm.

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đến tháng 11 mà có nhiều ngành, địa phương tiến độ giải ngân vốn ngân sách năm 2016 đạt dưới 50%. Nghịch lý lạ lùng kìm hãm quá trình đầu tư phát triển này đã khiến Thủ tướng Chính phủ phải phát đi công điện hỏa tốc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết cắt giảm toàn bộ số vốn chưa phân bổ và bố trí không đúng đối với đơn vị không gửi kế hoạch theo quy định. Đến hết 11 tháng của năm 2016, Văn phòng Chính phủ cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước mới chỉ đạt 70,2% .

Đây là một con số rất thấp, trong khi chỉ còn một tháng nữa thì các bộ ngành địa phương làm sao có thể “tiêu xài” hết được những con số, số liệu đã trình xin phê duyệt và đã được phê duyệt trước đây.

Đáng lưu ý, hiện còn có tới 12 bộ, ngành trung ương và 1 địa phương đạt tiến độ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn ngân sách nhà nước. Tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ cũng đạt kết quả rất thấp, chỉ chiếm 46,6% kế hoạch.

Từ thực tế này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện 2144/CĐ-TTg hỏa tốc yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch năm 2017. Nội dung công điện nhấn mạnh:

Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2016 rất thấp, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8/7/2016 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, kết quả giải ngân 11 tháng năm 2016 gấp 1,9 lần so với 7 tháng năm 2016; một số bộ, ngành trung ương và địa phương đã cơ bản giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt kết quả rất thấp.

Để bảo đảm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công năm 2016 và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và Thủ trưởng các đơn vị được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể và quyết liệt.

Cụ thể: Các bộ, ngành trung ương và địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch tính đến ngày 30/11 phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ tiến độ giải ngân, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về vốn nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị giải ngân dưới 50% (tính đến 30-11) sẽ phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phương án cắt giảm kế hoạch vốn trước ngày 5/12.

Đối với dự án vốn nước ngoài kết thúc hiệp định năm 2016 sẽ được thực hiện và giải ngân đến hết 31/1/2017. Phần mua sắm trang thiết bị của dự án này cũng sẽ được sử dụng vốn thanh toán đến ngày 31/1 năm sau. Thủ tướng yêu cầu cắt toàn bộ kế hoạch vốn đối với các dự án chưa kí kết hoặc kí kết nhưng chưa giao vốn năm 2016.

Các trường hợp còn lại, Thủ tướng đưa ra tiêu chí cắt 80% vốn nước ngoài đối với bộ, ngành trung ương và địa phương giải ngân dưới 10% kế hoạch. Đơn vị giải ngân từ 10% - 30% kế hoạch sẽ bị cắt 50% vốn còn lại. Các đơn vị giải ngân từ 30% - 50% sẽ bị cắt đi 30% số vốn.

Còn với các đơn vị đã hoàn thành được 80% kế hoạch vốn (tính đến 30-11) sẽ được xem xét giải ngân toàn bộ đến ngày 31/1/2017 nếu có yêu cầu bổ sung vốn. Đơn vị này sẽ phải gửi danh mục dự án và mức vốn bổ sung kế hoạch trước ngày 5/12 tới các Bộ liên quan để trình Chính phủ và Quốc hội quyết định.

Thủ tướng kiên quyết cắt giảm toàn bộ số vốn chưa phân bổ và bố trí không đúng quy định đối với đơn vị không gửi kế hoạch theo quy định. Số tiền cắt giảm sẽ dùng thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản vốn ứng trước hoặc điều chỉnh cho các bộ, ngành trung ương và địa phương khác.

Trước đó, vào tuần cuối tháng 10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng trong văn bản gửi các bộ, ngành liên quan về việc báo cáo tình hình giải ngân 9 tháng và hiện tượng chậm giải ngân vốn ngân sách nhiều bộ được bố trí vốn trong năm 2016 cũng khẳng định trách nhiệm người đứng đầu nếu chậm giải ngân vốn ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng Dũng, nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 chậm là do một số bộ, ngành, địa phương chậm giao kế hoạch vốn của năm 2016. Các văn bản hướng dẫn thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán chưa hoàn thiện, hoặc chưa phù hợp, gây nhiều khó khăn cho triển khai giải ngân vốn.

Trong khi đó, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước khẳng định không thiếu tiền để giải ngân trái phiếu Chính phủ. Kho bạc Nhà nước cũng cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, đồng thời thực hiện giao kế hoạch vốn năm 2016 tới 50% dự toán trong lần đầu tiên cho các dự án.

Đối với các dự án đầu tư công mới khởi công, Kho bạc Nhà nước cũng cho biết, số liệu chưa đầy đủ nhưng có tới 200 dự án ở địa phương đã được phân bổ vốn. Tuy nhiên, ban quản lý dự án chưa đến Kho bạc làm các giao dịch đăng ký tài khoản và mã dự án.

Như vậy đã rõ, việc chậm giải ngân và không báo cáo chi tiết về kết quả giải ngân vốn đã và đang ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách phân bổ, ảnh hưởng đến thời gian thi công các dự án và đặc biệt, việc chậm giải ngân vốn ảnh hưởng đến kế hoạch và các mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực và quốc gia.

Chính vì vậy, thời gian tới Chính phủ yêu cầu cán bộ, ngành, địa phương báo cáo rõ các nguyên nhân chậm giải ngân, không giải ngân và các biện pháp đẩy nhanh tiến độ của dự án... được hưởng vốn từ trung ương.

Sự kiên quyết của người đứng đầu Chính phủ trong việc chỉ đạo, đôn đốc cũng như yêu cầu xác định trách nhiệm đối lãnh đạo bộ, ngành địa phương trong việc chậm giải ngân, không xây dựng được kế hoạch hấp thụ vốn cho đầu tư phát triển, hi vọng sẽ tạo được sự chuyển biến tích cực, tạo ra một “cú hích” cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắt bệnh chậm giải ngân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO