Bất bình đẳng giới trong thị trường lao động - Bài 1: Lao động nữ lo âu

Lê Minh Long 27/09/2022 06:32

Dù đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng lao động nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi hơn so với lao động nam. Đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KC, KCX), mức độ chênh lệch về tiền lương, vị trí, trợ cấp thể hiện khá rõ nét.

Bộ Luật Lao động năm 2019 sửa đổi với nhiều nội dung ưu việt nhằm bảo vệ lao động nữ tuy nhiên vì nhiều lý do, rất nhiều quyền lợi của lao động nữ bị bỏ qua.

Buổi truyền thông về bình đẳng giới Công ty TNHH HORN, KCN An Dương, Hải Phòng.

“Ăn nhanh, uống vội…”

Mới 33 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị My - công nhân KCN Bá Thiện 2, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đã có thâm niên về “nhảy việc”. Chị My chia sẻ, chồng chị mất sớm, một mình chị nuôi 3 con nhỏ, chỉ mong có công việc ổn định để gắn bó lâu dài nhưng điều kiện về thời gian cũng như làm ca tại các doanh nghiệp (DN) quá khắc nghiệt. Nhất là 2 năm qua, ảnh hưởng của dịch Covid – 19, DN ít đơn hàng nên đã sa thải một phần lao động, chị cũng nằm trong số những người có nguy cơ bị thôi việc. Khi dịch ổn định, chị My có nhiều sự lựa chọn hơn vì công ty tuyển dụng nhiều, song yêu cầu thời gian rất khắc nghiệt. “Công ty cũng có chế độ cho phụ nữ có con nhỏ nhưng lương được trả theo sản phẩm nên nếu tôi nghỉ thì thu nhập lại giảm. Vì thế, dù nhà cách công ty chưa đầy 3km nhưng buổi trưa tôi không dám về mà nán lại ở công ty để tranh thủ gia tăng sản xuất” - chị My chia sẻ.

Đề cập đến môi trường làm việc của lao động nữ tại các DN, TS.BS Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng (Light) cho biết, Viện đã thực hiện rất nhiều dự án liên quan đến lao động nữ từ công việc đến chính sách sinh sản cũng như phúc lợi xã hội. Kết quả cho thấy, lao động nữ chịu nhiều thiệt thòi hơn so với lao động nam. Đặc biệt là tại các KCN, KCX, mức độ chênh lệch về tiền lương, vị trí, trợ cấp thể hiện khá rõ nét.

Thực tế ở nhiều DN, dù đã xây những phòng dành cho lao động nữ và thực hiện nghiêm quy định nghỉ giữa giờ để các bà mẹ vắt sữa, song vì thu nhập chủ yếu dựa vào sản phẩm nên đa phần lao động nữ tranh thủ vắt sữa vào giờ nghỉ trưa.

Và dù làm việc với điều kiện bị áp lực không kém lao động nam nhưng thu nhập của lao động nữ thường thấp hơn lao động nam. Thống kê của Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2022 là 6,6 triệu đồng, tăng 206 nghìn đồng so với quý trước và tăng 542 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,34 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,5 triệu đồng so với 5,6 triệu đồng).

Thấp thỏm khi về già

Đây là thực trạng của nhiều lao động nữ hiện nay. Khảo sát của Viện Light cho thấy, nữ giới vẫn đang chịu rất nhiều thiệt thòi khi làm việc ở các DN. Cụ thể, lương của lao động nữ đang thấp hơn nam, nhưng số tiền dành để chi cho gia đình lại cao hơn. Lao động nữ dành ít nhất 3 giờ mỗi ngày để làm việc nhà và hoàn toàn không được tính vào thời gian làm việc. Sau dịch Covid-19, tỷ lệ mất việc ở lao động nữ cao hơn nam...

Còn theo thống kê của ngành BHXH Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 16% tổng số nữ giới trên 65 tuổi được hưởng chế độ hưu trí, trong khi con số này ở nam giới là 27,3%. Điều đáng nói, với nhóm người từ 80 tuổi trở lên, tỷ lệ này càng chênh lệch, lần lượt nữ giới khoảng 6,9% và nam giới 25,9%.

Chia sẻ về môi trường làm việc của lao động nữ, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, mặt bằng thu nhập của người lao động dao động tại các khu công nghiệp từ 7 đến 10 triệu đồng, thậm chí có người lên tới 15 triệu đồng/tháng, song để có được thu nhập này, người lao động phải làm cật lực, rất vất vả. Lao động nữ còn cực nhọc hơn vì ngoài đi làm họ còn phải “gánh” rất nhiều việc không tên. “Thu nhập hiện nay của người lao động nước ta quá thấp, lao động nữ còn thấp hơn, do đó, dù Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung rất nhiều quy định tiến bộ để bảo vệ quyền cho lao động nữ nhưng đến nay nhiều lao động nữ không biết đến chính sách đó” - ông Huân cho hay.

Theo các chuyên gia, khoảng cách về giới đối với nhóm người hưởng chế độ hưu trí tồn tại do nhiều nguyên nhân. Theo quy định của pháp luật, lao động nữ nghỉ hưu ở độ tuổi sớm hơn so với nam, nên số năm bình quân đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn (cụ thể, nữ giới là 27,4 năm ở khu vực tư nhân và 31 năm trong khu vực nhà nước; còn nam giới lần lượt là 31,8 năm và 34,8 năm). Hơn nữa, chính sách bảo hiểm xã hội ở giai đoạn trước chưa mở rộng đến nhóm người làm công việc tự do, khiến nhiều người lao động khó tiếp cận chính sách, nhất là với lao động nữ.

Trao đổi về vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề xuất, chế độ hưu trí tuân theo nguyên tắc đóng - hưởng, đóng càng cao, trong thời gian dài thì mức hưởng cao và ngược lại. Vì thế, không khó để lý giải vì sao lao động nữ nhận chế độ hưu trí thấp hơn so với nam giới. Tuy nhiên, đây là vấn đề xã hội cần được quan tâm giải quyết.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất bình đẳng giới trong thị trường lao động - Bài 1: Lao động nữ lo âu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO